Thưởng Tết 2022 và bài toán giữ chân người lao động: Méo mó có hơn không

22-12-2021 15:52|Minh Hiếu

Tình hình đại dịch Covid-19 phức tạp khiến các doanh nghiệp phải đau đầu trong kinh doanh, tính toán mức thưởng tết cho người lao động.

Tình hình đại dịch Covid-19 phức tạp khiến các doanh nghiệp phải đau đầu trong kinh doanh, tính toán mức thưởng tết cho người lao động.
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán năm 2022. Hiện các doanh nghiệp đang phải tính toán phương án thưởng Tết cho lao động. Một số nhận định cho rằng, thưởng Tết năm nay khó tăng ngay cả đối với những doanh nghiệp hoàn thành được mục tiêu sản xuất kinh doanh. Không ít doanh nghiệp phải “đóng cửa” từ vài ba tháng cho đến nửa năm để phục vụ công tác phòng, chống dịch và cũng chỉ mới “mở cửa” sản xuất trở lại trong thời gian ngắn. Nhiều doanh nghiệp hiện mới chỉ hoạt động ở mức 50 - 70% công suất.
Mặc dù sản xuất, kinh doanh gặp khó nhưng nhiều doanh nghiệp cho biết vẫn đang xây dựng phương án thưởng Tết cho người lao động.

Không để người lao động không có Tết

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện đơn vị này đã ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Theo đó, dự kiến, nguồn tài chính Công đoàn sẽ trích khoảng 2.400 tỷ đồng để chăm lo Tết cho khoảng 8 triệu đoàn viên, người lao động.

Đối với đoàn viên, người lao động tại đơn vị hành chính và sự nghiệp công lập, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị Công đoàn cơ sở chủ động cân đối nguồn tài chính để chăm lo, thăm hỏi.

Tuy nhiên, theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, việc thưởng Tết còn căn cứ vào tình hình tài chính, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhưng để giữ chân người lao động thì vẫn nên cố gắng duy trì thưởng Tết.

"Hiện, tình hình hoạt động của doanh nghiệp đã có nhiều chuyển biến tốt. Trong khi đó, thời điểm dịch bệnh căng thẳng, người lao động đã cố gắng ở lại đồng hành cùng doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh và cũng gặp nhiều khó khăn về tài chính. Do đó nếu không chú trọng giữ chân người lao động thì ra Tết, doanh nghiệp sẽ rất khó khăn trong tìm kiếm và đào tạo nguồn nhân lực", bà Trần Thanh Hà, Trưởng ban Quan hệ lao động chia sẻ.

Ở góc độ khác, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho rằng, năm nay tình hình dịch COVID-19 khiến hoạt động của doanh nghiệp khó khăn. Tuy vậy, doanh nghiệp cũng nên cố gắng cân đối tài chính để có chế độ lương, thưởng Tết phù hợp để đảm bảo cuộc sống của người lao động. Về phía người lao động cũng cần có sự chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp để có việc làm vì sự phát triển chung của kinh tế - xã hội.

Ông Huỳnh Văn Tuấn - Chủ tịch Công đoàn các khu chế xuất - công nghiệp TP. HCM cho hay, qua khảo sát từ cơ sở, Covid-19 khiến nhiều nhà máy phải dừng hoạt động, số khác sản xuất cầm chừng, chi phí thực hiện phương án “vừa sản xuất vừa cách ly” tăng cao nên thưởng Tết năm nay sẽ thấp hơn năm ngoái. Một số doanh nghiệp đã báo cáo có chi tiền Tết cho lao động trong đó một số công ty công bố mức thưởng một tháng lương, số còn lại giảm còn 50 - 70%.

TP. HCM hiện có 17 khu công nghiệp, khu chế xuất với hơn 1.400 doanh nghiệp hoạt động; khi thành phố thực hiện các biện pháp giãn cách, chưa đến một nửa trong số này hoạt động với tổng số hơn 280 nghìn lao động tham gia.

Ông Tuấn cho hay, tình hình tài chính của doanh nghiệp khá khó khăn, công đoàn sẽ cố gắng thương lượng để phía sử dụng lao động dành một khoản để thưởng Tết cho công nhân. “Thưởng Tết lúc này giống như giúp nhau “một miếng khi đói” dù ít nhưng có tác dụng động viên người lao động”, ông Tuấn nói.

Doanh thu tốt nhưng vẫn giảm thưởng

Từng là tâm dịch cả nước hồi tháng 5 và phải tạm đóng cửa các khu công nghiệp, thời điểm này Bắc Giang gần như đã khôi phục hoàn toàn sản xuất. Số doanh nghiệp lẫn lao động còn tăng so với trước dịch, thêm 23 công ty và khoảng 41.000 công nhân.

Theo ông Nguyễn Xuân Ngọc - Phó ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang - mức thưởng năm nay “rất khó nói” dù Tết đã cận kề. Thường sang đầu tháng Chạp, các doanh nghiệp mới báo cáo đầy đủ. Dù sản xuất khôi phục, các công ty vẫn phải duy trì kinh phí chống dịch, chi tiền hỗ trợ công nhân quay trở lại đi làm, chi xét nghiệm tầm soát định kỳ cho công nhân.

Trao đổi với Lao Động, ông Tateyama Hirokazu - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Sanwa Việt Nam - cho biết, nhờ thực hiện mô hình “3 tại chỗ” nên công ty vẫn đảm bảo các đơn hàng cho đối tác; doanh thu năm nay đạt 120% so với kế hoạch đặt ra. Tuy nhiên, do áp lực chi phí từ việc thực hiện mô hình sản xuất “3 tại chỗ”, cộng với việc phải mua sắm các thiết bị phòng chống dịch bệnh, nên câu chuyện thưởng Tết năm nay đối với Sanwa Việt Nam khá khó khăn.

“Nếu như năm ngoái chúng tôi thưởng Tết cho người lao động là 1 tháng thu nhập thì năm nay, mặc dù doanh thu vẫn đạt được mục tiêu, nhưng sau khi cân đối các chi phí sản xuất, chi phí sản xuất “3 tại chỗ”, thưởng Tết năm nay có thể chỉ là 1 tháng lương cơ bản. Còn cụ thể mức thưởng Tết như thế nào, chúng tôi phải tính toán lại với Công đoàn công ty, đảm bảo hài hoà lợi ích nhưng vẫn khích lệ được người lao động”, ông Tateyama Hirokazu nói.

Ông Trương Chí Thiện - Tổng Giám đốc CTCP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt - cho biết, 2021 là một năm khá khó khăn đối với doanh nghiệp. Đặc biệt, 4 tháng đối phó với dịch bệnh căng thẳng, toàn thể nhân viên và lãnh đạo công ty phải “căng mình” sản xuất. Doanh số đạt rất tốt nhưng lợi nhuận khá “èo uột” vì chi phí sản xuất và phòng dịch tăng đột biến.

“Dù vậy, để cảm ơn người lao động đã gắn bó với công ty, ngay cả lúc công ty gặp khó khăn nhất thì chúng tôi vẫn cố gắng thưởng tết cho toàn bộ nhân viên, tối thiểu là lương tháng 13”, ông Thiện nói.

Một doanh nghiệp dệt may lớn ở miền Bắc (trực thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam) với quy mô gần 5.000 lao động cho hay, đến thời điểm hiện tại, công ty đã hoàn thành kế hoạch sản xuất năm nhờ giao kịp các đơn hàng cuối năm cho đối tác. Tuy nhiên, mức thưởng Tết dự kiến không tăng so với năm ngoài bởi công ty có thời gian khoảng 1 tháng phải đóng cửa và 3 tháng duy trì chế độ sản xuất “3 tại chỗ” với chi phí rất cao.

“Thời gian phải đóng cửa, mỗi tháng công ty chúng tôi “bay” gần 20 tỉ đồng cho những chi phí cố định, chưa kể chi phí hỗ trợ lương cho người lao động trong đó chi phí khấu hao khoảng 6 tỷ đồng mỗi tháng, chi phí bảo hiểm phải đóng cho người lao động khoảng 4 tỷ đồng mỗi tháng, chi phí lãi vay ngân hàng khoảng 1,5 tỷ đồng mỗi tháng, chi phí vận chuyển bằng máy bay cho những đơn hàng gấp - 4 tỷ đồng/tháng.

Ngoài ra, còn có chi phí xét nghiệm test COVID-19 cho người lao động 2 tỷ đồng mỗi tháng và chi phí lương hỗ trợ cho người lao động. Chính vì vậy, chúng tôi phải cân nhắc rất kỹ khi quyết định thưởng Tết cho cán bộ công nhân viên và người lao động. Dù thưởng Tết không cao hơn năm ngoái, nhưng chúng tôi vẫn có thưởng để khích lệ cán bộ công nhân viên, người lao động, ít nhất 1 tháng lương cơ bản”, vị này cho hay.

Nhận định về câu chuyện thưởng Tết năm nay, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính - cho rằng, thực tế các doanh nghiệp có lãi lớn nhưng trong năm qua, các chi phí của họ đổ vào cho việc phòng chống dịch cũng quá lớn bao trùm hết cả lợi nhuận nên có thể họ cũng cân nhắc hơn.

Giá vé tàu giảm 50% sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022

Xuất khẩu hàng hóa tăng 83% trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/thuong-tet-2022-va-bai-toan-giu-chan-nguoi-lao-dong-meo-mo-co-hon-khong-120940.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Thưởng Tết 2022 và bài toán giữ chân người lao động: Méo mó có hơn không
POWERED BY ONECMS & INTECH