Tỉ lệ bồi thường quá thấp, có nên bắt buộc mua bảo hiểm xe máy?
Liên tiếp cử tri ở nhiều tỉnh, thành kiến nghị bỏ quy định bắt buộc mua bảo hiểm xe máy.
Theo quy định hiện nay, người tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy không mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự sẽ bị xử phạt từ 100.000 – 200.000 đồng.
Cử tri TP.HCM mới đây đề xuất Bộ GTVT bỏ quy định này bởi “nếu không mua thì bị cảnh sát giao thông xử phạt, còn mua mà có rủi ro xảy ra thì người có quyền lợi không được bồi thường thỏa đáng”.
Đây không phải lần đầu cử tri kiến nghị về việc này. Trước đó, cử tri ở Đà Nẵng, Long An và nhiều địa phương khác cũng kiến nghị Bộ GTVT bỏ quy định bắt buộc mua bảo hiểm với chủ xe máy.
Cử tri nhiều địa phương như Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lai Châu… có kiến nghị tương tự gửi Bộ Tài chính.
Trả lời kiến nghị này, Bộ Tài chính vẫn giữ nguyên quan điểm về việc cần thiết có bảo hiểm bắt buộc với xe máy. Bộ này cho rằng, bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự mô tô, xe máy nhằm bảo vệ lợi ích và an toàn xã hội, phù hợp với xu thế chung của thế giới.
Diễn biến mới nhất về vấn đề này, Bộ GTVT nêu quan điểm trong nội dung trả lời cử tri TP.HCM. Bộ GTVT cho rằng, cần phải nghiên cứu sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo. Trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ phối hợp với Bộ Tài chính, các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, hoàn thiện các quy định pháp luật về bảo hiểm của chủ phương tiện giao thông cơ giới đường bộ cho phù hợp với thực tiễn.
Nêu quan điểm về vấn đề này, nhiều bạn đọc cho rằng, nên sớm bỏ yêu cầu bắt buộc mua bảo hiểm xe máy.
Cụ thể, bạn đọc Văn Minh Ha cho hay: “Bỏ quy định này sẽ đỡ tốn kém cho người dân. Bởi mua bảo hiểm chỉ để “né” công an phạt, sẽ rất hình thức. Trong khi đó, việc chờ các ban ngành giám định đền bù vô cùng nan giải”.
Đồng quan điểm, bạn đọc Thái Dương bức xúc: “Không mua thì bị phạt. Nhưng lúc bị tai nạn thì hiếm người được hưởng bảo hiểm”.
Một bạn đọc cho rằng, tình trạng doanh nghiệp bảo hiểm gây khó khăn khi bồi thường là phổ biến, thiếu sự quản lý và giám sát của cơ quan có thẩm quyền. Người này cho rằng, nên chuyển bảo hiểm bắt buộc sang hình thức bảo hiểm tự nguyện. Người dân nào thấy thiết thực sẽ tự giác mua.
Cần minh bạch việc quản lý nguồn thu từ bảo hiểm
Bạn đọc Hiep Ngo cho hay, mục đích của bảo hiểm xe mô tô, xe gắn máy là đúng đắn, thế nhưng khi có tai nạn giao thông, thủ tục của các công ty bảo hiểm rất nhiêu khê, phức tạp, bồi thường không thỏa đáng.
“Có bao nhiêu người được bảo hiểm bồi thường? Đa số người dân mua để đối phó, không có nhiều người hy vọng khi va chạm giao thông được bồi thường. Bãi bỏ quy định này là điều hợp lòng dân”, bạn Hiep Ngo cho hay.
Quy định bắt buộc chủ xe máy phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự được ban hành và áp dụng từ năm 2008. Việt Nam là quốc gia có doanh số bán xe máy duy trì ở mức ổn định trong suốt 10 năm qua (khoảng 3 triệu xe mới bán ra mỗi năm). Với khoảng 65 triệu xe máy đang lưu hành, số tiền chủ phương tiện phải bỏ ra để mua loại bảo hiểm này không hề nhỏ.
Tiền này được quản lý, chi trả ra sao là điều mà nhiều bạn đọc băn khoăn. Bạn đọc Minh Hà cho hay, từ cơ quan quản lý đến các bên tham gia cần có sự minh bạch rõ ràng thông tin.
Đồng quan điểm, bạn đọc Bảo Ngọc cho rằng, cần công khai số tiền thu được từ trước đến nay được chi thế nào, chi ở đâu,... nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công cộng, môi trường và an toàn xã hội.
Trước đó, trong cuộc họp báo quý 4 năm 2022, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, tính hết 9 tháng năm 2022, doanh thu bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe mô tô, xe máy đạt khoảng 1.077 tỷ đồng. Trong đó, số tiền bồi thường bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự cho xe máy 27 tỷ đồng. Như vậy, tỷ lệ bồi thường trên tổng doanh thu của nghiệp vụ bảo hiểm bắt buộc xe máy chỉ là 2,5%.
Cũng chính tỷ lệ bồi thường chỉ vài phần trăm trên khiến nhiều người dân và chuyên gia quyết liệt cho rằng nên bỏ bảo hiểm bắt buộc với xe máy.
Từ năm tới, chủ xe có còn phải mua bảo hiểm xe máy bắt buộc?
Không có bảo hiểm xe máy theo quy định của Bộ Công an không được làm xe ôm công nghệ