Tiền điện hơn 1 triệu đồng/tháng, lắp điện mặt trời mái nhà có hiệu quả không?
Với mức tiêu thụ điện hơn 400 kWh/tháng, lãnh đạo EVN khuyến cáo các hộ dân nên nghĩ đến việc sử dụng điện mặt trời mái nhà để vừa giảm tiền điện vừa giảm áp lực cho ngành điện.
Tiền điện hơn 1 triệu đồng/tháng nên lắp pin mặt trời
Tại tọa đàm “Năng lượng sạch và giải pháp giảm chi phí điện cho người dân, doanh nghiệp” do Báo Người Lao động tổ chức sáng 10/4 tại TPHCM, ông Lưu Mạnh Thức - Tổng Giám đốc Công ty CP Năng lượng mặt trời SPC - cho biết, để quyết định lắp đặt điện mặt trời mái nhà, hộ gia đình phải xác định mỗi tháng sử dụng bao nhiêu kWh rồi mới tính toán lắp đặt.
Theo ông Thức, một hộ dân tại TPHCM trung bình phải trả từ 1,2-1,5 triệu đồng/tháng tiền điện. Phương án tối ưu có thể lắp thiết bị điện để tạo ra khoảng 6kWh và mỗi tháng tạo ra từ 600-720kWh.
“Với công suất điện tạo ra như vậy, có thể thu hồi hơn 1 triệu đồng tiền điện/tháng. Chi phí lắp đặt thiết bị điện công suất phù hợp và có pin lưu trữ khoảng 60 triệu đồng. Thời gian thu hồi vốn từ 4-5 năm”, ông Thức phân tích.
Ông Thức cho rằng, năng lượng sạch là xu thế tất yếu, là giải pháp hiệu quả giúp doanh nghiệp (DN) và người dân tiết kiệm 50-60% chi phí điện, đặc biệt vào giờ cao điểm khi nhu cầu sử dụng tăng cao.

Ông Phan Ngọc Ánh - Giám đốc Công ty Alena Energy - cho hay, trên thị trường đang có sản phẩm của Mỹ, có thể chuyển đổi dòng điện 1 chiều từ tấm pin mặt trời sang dòng điện xoay chiều ngay trên tấm pin.
Đối với các DN sản xuất, thị trường có sản phẩm pin lưu trữ với dung lượng từ 230kWh đến 2,3mWh tích hợp vào hệ thống điện hiện hữu, giúp sạc điện vào giờ thấp điểm và sử dụng vào giờ cao điểm.
Theo ông Ánh, trước đây DN lắp hệ thống điện mặt trời để sử dụng và sau đó bán điện dôi dư cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), chi phí thu về khoảng 2.000 đồng/kWh. Hiện nay, việc DN sử dụng điện mặt trời tích hợp hệ thống lưu trữ sẽ tiết kiệm chi phí, thời gian hoàn vốn từ 4-5 năm.
Về hành lang pháp lý cho việc đầu tư điện mặt trời mái nhà, ông Đinh Hồng Kỳ - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP (HUBA) - cho rằng Nghị định 58 là “cứu cánh” cho DN. Tuy nhiên, vẫn còn quy định dự án điện mặt trời mái nhà công suất 1MW trở lên phải xin phép Sở Công Thương kèm theo đó là nhiều thủ tục phức tạp.
Có tình trạng các DN và đơn vị cung ứng “lách luật” bằng cách chia nhỏ dự án để công suất dưới 1MW nhằm đơn giản hoá quy trình xin cấp phép, cần xem xét, điều chỉnh quy định này, ông Kỳ nêu rõ.
Cần cơ chế tính giá điện vào giờ cao điểm
Chia sẻ về những khó khăn của ngành điện lực, ông Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng Ban Kinh doanh EVN, cho biết, hiện nay, nguồn điện được huy động theo nguyên tắc “cần đến đâu, huy động đến đấy”.
Khi nhu cầu tiêu thụ điện của xã hội tăng cao, ngành điện lực buộc phải huy động các nguồn có chi phí cao, lên tới 4.000-5.000 đồng/kWh. Điều này tác động trực tiếp đến chi phí của toàn ngành điện. Do đó, nếu phát triển điện mặt trời mái nhà thì DN và người dân có thể tự cung cấp, vừa giảm chi phí tiền điện vừa giảm áp lực cho hệ thống điện lực.
“Với hộ gia đình, lợi ích rõ nhất là tiết kiệm chi phí. Mức tiêu thụ từ 401kWh trở lên, giá điện đã hơn 3.000 đồng/kWh. Nếu sử dụng điện mặt trời mái nhà, hộ gia đình có thể giảm đáng kể tiền điện hàng tháng”, ông Dũng chia sẻ.
Đối với DN, vị đại diện EVN cho hay, việc sử dụng điện mặt trời mái nhà giúp DN giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm điện năng trong dài hạn. Từ đó, nâng cao tính ổn định trong hoạt động sản xuất và tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.
Về hiệu quả khi sử dụng điện mặt trời mái nhà, ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP (EVNHCMC), cho rằng, các hộ dân sử dụng các thiết bị điện trong nhà thoải mái hơn nhưng vẫn tiết kiệm chi phí.
Theo thống kê, trước năm 2021 - thời điểm điện mặt trời mái nhà được khuyến khích phát triển - EVNHCMC quản lý hơn 14.000 hệ thống với tổng công suất 350MWp. Đến nay, khi Nghị định 135 và Nghị định 58 được ban hành, nhiều hộ dân và DN đã quay trở lại lắp đặt hệ thống điện mặt trời.
Hiện gần 500 khách hàng lớn đã đăng ký lắp đặt điện mặt trời mái nhà với tổng công suất 46 MWp. Thời gian tới, một số nhà máy trong khu công nghiệp cũng bắt tay triển khai, dự báo sản lượng điện mặt trời tại TP tăng đáng kể.
Trên thực tế, chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn đánh giá, sản lượng điện mặt trời mái nhà không ổn định và phụ thuộc vào thời tiết. Do đó, khi lắp đặt cần có phương án sử dụng nguồn điện dự phòng, thường là thông qua kết nối lưới điện quốc gia.
Hiện nay, lượng điện dư từ hệ thống điện mặt trời mái nhà chỉ được phép bán lên lưới ở mức từ 10–20% tổng công suất. Do đó, cơ quan quản lý cần xem xét khả năng nâng ngưỡng bán điện vượt 20% nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nguồn năng lượng sạch này.
Một giải pháp khác là cho phép doanh nghiệp phối hợp với ngành điện lực chi trả thêm chi phí vận hành dưới hình thức thuê bao. Theo đó, ngành điện sẽ vận hành công suất dự phòng, trong khi doanh nghiệp được phép bán lượng điện lớn hơn lên lưới.
Theo ông Sơn, thay vì áp dụng một mức giá điện cố định như hiện nay, cần xây dựng cơ chế giá điện hai thành phần, tức phân biệt giá theo khung giờ: giờ cao điểm và giờ bình thường. Bên cạnh đó, nên thành lập Quỹ bảo vệ môi trường để hỗ trợ các dự án năng lượng tái tạo – đặc biệt là điện gió – qua đó thúc đẩy lĩnh vực này phát triển bền vững và hiệu quả hơn.
>>Dự án điện tái tạo hưởng giá ưu đãi không đúng sẽ bị thu hồi lại tiền
Điểm mặt cổ phiếu dự kiến được hưởng lợi từ chính sách mới về điện mặt trời mái nhà
Chính thức có cơ chế giá cho điện mặt trời mái nhà dư phát lên lưới