Tiền gửi của người dân vào hệ thống ngân hàng tiếp tục lập kỷ lục mới
Bất chấp lãi suất thấp kỷ lục giai đoạn đầu năm, tiền gửi tại hệ thống ngân hàng tiếp tục tăng trưởng.
Theo số liệu thống kê tổng phương tiện thanh toán và tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng trong tháng 4 do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố, lượng tiền gửi của cá nhân và tổ chức tăng mạnh.
Cụ thể, tổng phương tiện thanh toán đến cuối tháng 4 ghi nhận hơn 16 triệu tỷ đồng, tăng 0,13% so với đầu năm. Tiền gửi của khách hàng tại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đạt hơn 13,4 triệu tỷ đồng, tăng hơn 120.000 tỷ đồng trong tháng 4.
Trong đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng hơn 81.000 tỷ đồng, đạt hơn 6,7 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, tính chung 4 tháng đầu năm, tiền gửi của tổ chức kinh tế vẫn giảm hơn 133.000 tỷ đồng (tương đương giảm 1,95%).
Tiền gửi của dân cư tăng hơn 39.700 tỷ đồng trong tháng 4 và đạt hơn 6,7 triệu tỷ đồng, tiếp tục lập kỷ lục mới. Luỹ kế 4 tháng đầu năm lượng tiền gửi của dân cư tăng hơn 183.000 tỷ đồng, tương đương tăng 2,8%.
Thống kê tổng phương tiện thanh toán và tiền gửi của khách hàng trong tháng 4. Nguồn: NHNN |
Trong báo cáo chiến lược nửa cuối năm 2024, Chứng khoán PHS cho biết, một số ngân hàng đã tăng lãi suất huy động đúng với dự báo trước đó.
Tuy nhiên, PHS cho rằng đây chưa phải là xu hướng chung toàn ngành mà chỉ tại một số ngân hàng; bởi vì, tăng trưởng tín dụng thực sự vẫn còn rất yếu. PHS dự báo lãi suất tiền gửi sẽ tăng trên mặt bằng chung vào cuối năm nay, nhưng với cường độ chỉ khoảng 50-100 điểm cơ bản. NHNN có thể tăng lãi suất OMO thêm 0.25% nữa vào giai đoạn nửa sau của năm nhằm ổn định tỷ giá.
Có thể nói, bất chấp lãi suất thấp kỷ lục giai đoạn đầu năm, tiền gửi tại hệ thống ngân hàng tiếp tục tăng trưởng. Đặc biệt, tiền gửi của cư dân vẫn tăng mạnh, đạt kỷ lục mới.
Tuy nhiên, mức tăng trưởng này vẫn thấp hơn so với tín dụng. Cụ thể, tiền gửi khách hàng của hệ thống tăng 0,91% trong 4 tháng đầu năm, trong khi tăng trưởng tín dụng là 2,01%.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, từ đầu năm tới ngày 24/6/2024, huy động vốn của các tổ chức tín dụng chỉ tăng 1,50%, trong khi tín dụng tăng tới 4,45% so với cuối năm 2023. Như vậy, tín dụng đang tăng gấp 3 lần so với tốc độ tăng huy động vốn.
>> 10 địa bàn gồm Hà Nội, TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Nghệ An… chiếm 64% dư nợ tín dụng cả nước