Tiền gửi tiết kiệm ùn ùn đổ vào ngân hàng
Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, lượng tiền gửi tiết kiệm của người dân vào hệ thống ngân hàng liên tục lập kỷ lục mới, bất chấp lãi suất ngân hàng liên tục giảm ở chiều gửi vào.
Liên tục lập kỷ lục mới về tiền gửi
Tính đến cuối tháng 7/2023, số dư tiền gửi của cư dân vào hệ thống ngân hàng lập kỷ lục mới 6.389.593 tỷ đồng, tăng thêm 6.707 tỷ đồng so với tháng trước, và tăng 8,93% kể từ đầu năm.
Trong khi đó, số dư tiền gửi của các tổ chức kinh tế tính đến tháng 7/2023 đạt 5.909.707 tỷ đồng, giảm hơn 74.000 tỷ đồng so với tháng 6.
Sau 1 năm, kể từ cuối tháng 8/2022, tổng số dư tiền gửi tiết kiệm của dân cư đã tăng hơn 752.000 tỷ đồng.
Như vậy, lượng tiền gửi của dân cư từng tháng liên tục cao hơn so với tháng trước. Diễn biến này được duy trì trong suốt một năm qua.
Đó cũng là thời điểm các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu, vàng,… không còn hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư. Thậm chí có giai đoạn thị trường bất động sản và trái phiếu gần như đóng băng.
Điều này lý giải tại sao dù lãi suất huy động luôn duy trì xu hướng giảm trong phần lớn thời gian kể từ đầu năm 2023 nhưng kỷ lục về tiền gửi của dân cư vào hệ thống các ngân hàng liên tục bị xô đổ.
Kể từ đầu năm đến nay lãi suất huy động bình quân đã giảm khoảng 2%. Thậm chí lãi suất tiền gửi tại nhóm ngân hàng thương mại nhà nước kỳ hạn 12 tháng trở lên hiện chỉ còn từ 5,3 – 5,5%/năm.
Từ đầu năm đến nay, NHNN đã liên tục điều chỉnh giảm 4 lần các mức lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2%/năm, trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao; đến nay, mặt bằng lãi suất thị trường đã có xu hướng giảm (lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới giảm khoảng hơn 1% so với cuối năm 2022).
Bên cạnh đó, NHNN thực hiện nhiều biện pháp để giảm lãi suất cho vay như: Khuyến khích các tổ chức tín dụng (TCTD) tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh; Có nhiều văn bản chỉ đạo và làm việc trực tiếp với các TCTD để đề nghị tiếp tục triển khai các biện pháp để giảm lãi suất tiền gửi; tiếp tục triển khai các giải pháp để giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản vay mới (phấn đấu mức giảm lãi suất tổi thiểu từ 1,5-2%/năm). Đến nay, các TCTD cam kết tổng tiền lãi được giảm khoảng 22.000 tỷ đồng.
Lãi suất cho vay giảm chậm hơn lãi suất huy động
Theo thống kê của SSI Research, lãi suất huy động trung bình 12 tháng giảm khoảng 100 điểm cơ bản đối với nhóm Ngân hàng thương mại nhà nước, và giảm 160 điểm cơ bản đối với nhóm Ngân hàng thương mại cổ phần.
Mặt bằng lãi suất huy động đã về lại mức thấp trong lịch sử (như giai đoạn giữa năm 2021).
Lãi suất cho vay cũng có xu hướng giảm nhưng với tốc độ chậm hơn do có độ trễ so với lãi suất huy động.
Mặc dù vậy, cộng đồng doanh nghiệp vẫn kiến nghị lãi suất cho vay dù đã giảm nhưng không đồng tốc với lãi suất huy động.
Tại Hội nghị Kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên do NHNN tổ chức mới đây, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp tại tỉnh này, bà Nguyễn Thị Vinh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Thái Hưng - nhắc lại kiến nghị của một doanh nghiệp hội viên trong một buổi tiếp xúc cử tri của đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên.
“Tại một hội nghị tiếp xúc cử tri, một doanh nhân nữ kiến nghị lãi suất tiền gửi không đồng tốc với lãi suất cho vay. Lãi suất huy động đã giảm khoảng 2% nhưng lãi suất cho vay mới chỉ giảm từ 0,5% – 1%.”, bà Vinh thuật lại.
Mặc dù vậy, với tư cách là Tổng Giám đốc công ty Thái Hưng, bà Vinh cho rằng lãi suất hiện không còn là vấn đề với doanh nghiệp.
“Rõ ràng sự điều hành chính sách vĩ mô của NHNN theo hướng linh hoạt, nới lỏng đang phát huy tác dụng. Trước đây chúng tôi thường mua LC trả chậm, thanh toán chậm 6 tháng cộng biên độ 1%, nhưng bây giờ chúng tôi mua LC trả ngay vì lãi suất đang tốt nhất.”, bà Nguyễn Thị Vinh nói.
Mặc dù lãi suất vay ngân hàng không còn là vấn đề lớn của doanh nghiệp, nhưng đại diện Hiệp hội doanh nghiệp cho rằng doanh nghiệp vẫn đang gặp phải vấn đề về nguồn vốn và tiếp cận nguồn vốn.
Nguyên do là hầu hết các doanh nghiệp đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ, khả năng đáp ứng sự chuẩn chỉ trong thanh toán cũng như trong hệ thống báo cáo tài chính còn nhiều hạn chế. Điều này dẫn đến một khoảng trống giữa ngân hàng và doanh nghiệp.
Đại diện các ngân hàng cho biết, doanh nghiệp cần chủ động nâng cao năng lực quản trị, đáp ứng chuẩn mực kế toán để tạo lòng tin từ ngân hàng. Thậm chí, để đồng hành với doanh nghiệp, nhiều ngân hàng cũng đang cung cấp gói giải pháp về quản trị doanh nghiệp, phân tích, dự báo thị trường, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đáp ứng chuẩn mực kế toán.