Xã hội

Tiếp loạt bài 'Ngậm trái đắng với giấc mơ làm việc trời Tây': Những sự thật được phơi bày

Nhóm PV TPHCM 21/10/2024 07:50

TP - Sau loạt bài điều tra “Ngậm trái đắng giấc mơ làm việc trời Tây” phản ánh những khuất tất của Công ty TNHH Du học định cư DSS, các cơ quan có thẩm quyền ở TPHCM đã và đang vào cuộc làm rõ. Trong khi đó, nhiều người dân tiếp tục gửi đơn tố cáo đến cơ quan chức năng.

Tại sao khách hàng sập bẫy?

Trong giấy phép kinh doanh được Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cấp lại vào tháng 11/2023 cho Công ty TNHH Du học định cư DSS (gọi tắt DSS Việt Nam) do bà Nguyễn Lê Vân làm giám đốc, công ty được cấp mã ngành 7810 để tư vấn giới thiệu, môi giới lao động, việc làm. Nhưng DSS Việt Nam mới chỉ được Sở GD&ĐT TPHCM cấp phép tư vấn giáo dục.

Ngoài ra, DSS Việt Nam chưa được Sở LĐ-TB&XH TPHCM cấp phép môi giới việc làm, đào tạo nghề cho người lao động và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Cục Quản lý Lao động ngoài nước thuộc Bộ LĐ-TB&XH cũng khẳng định DSS Việt Nam chưa được Bộ cấp phép hoạt động dịch vụ đưa người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Tiếp loạt bài 'Ngậm trái đắng với giấc mơ làm việc trời Tây': Những sự thật được phơi bày ảnh 1
Một lớp thực hành mổ thịt lợn do DSS Việt Nam tổ chức cho học viên

Thế nhưng, suốt thời gian dài DSS Việt Nam vẫn “nổ” có đầy đủ chức năng đào tạo nghề, đưa người đi nước ngoài định cư, làm việc. Giúp sức để “chiêu dụ” nhiều khách hàng là những quảng cáo không đúng sự thật từ DSS Việt Nam. Theo tìm hiểu của phóng viên Tiền Phong, nhiều nạn nhân “vỡ mộng trời Tây” bởi DSS Việt Nam quảng cáo là “Tổ chức Giáo dục và Di trú quốc tế DSS Group”, bao gồm một loạt địa chỉ ở Úc, TPHCM, Hà Nội, Cần Thơ….

Tuy nhiên, theo các tra cứu dựa trên link thông tin quảng cáo của DSS Việt Nam thì không hề tồn tại một tổ chức được gọi tên là “Tổ chức Giáo dục và Di trú quốc tế DSS Group” được cấp phép hoạt động tại Việt Nam.

Cụ thể: Xác minh của Tiền Phong từ những thông tin thu thập, tra cứu dựa trên link quảng cáo của DSS Việt Nam (https://dsseducation.com) thì đường link đó chỉ dẫn đến một công ty tại Úc với tên gọi là “DSS Education PTY LTD” (là công ty TNHH tư nhân được thành lập theo pháp luật Úc - link tra cứu https://www.australiacheck.com/nsw/dss-education).

Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cho biết họ chỉ cấp giấy phép kinh doanh cho Công ty TNHH Du học định cư DSS đóng tại TPHCM và chưa cấp giấy phép cho đơn vị nào có tên “Tổ chức giáo dục và di trú quốc tế DSS Group”.

Tiếp loạt bài 'Ngậm trái đắng với giấc mơ làm việc trời Tây': Những sự thật được phơi bày ảnh 2
Phiếu thu bằng tiền USD của một khách hàng từ DSS Việt Nam

Theo luật sư Lê Vinh Thái Hiệp- Công ty Luật TNHH HPL và cộng sự, thuộc Đoàn Luật sư TPHCM nếu DSS Việt Nam thành lập theo pháp luật Việt Nam lại đăng quảng cáo thông tin về “Tổ chức Giáo dục và Di trú quốc tế DSS Group” là một tổ chức không tồn tại trong thực tế là vi phạm pháp luật Việt Nam.

“Nếu việc quảng cáo này có mục đích lừa dối khách hàng để thu lợi bất chính hoặc mang tính lừa đảo sẽ bị xem xét trách nhiệm hình sự”- luật sư Hiệp cho biết.

Tự mình ký với… chính mình để chuyển tiền cho mình

Ngày 5/4/2024, Công ty Giáo dục DSS ở Úc (gọi tắt là DSS Úc) do bà Daisy Nguyễn làm giám đốc và DSS Việt Nam do bà Nguyễn Lê Vân làm giám đốc (Daisy Nguyễn và Nguyễn Lê Vân là một, người này có hai quốc tịch) đã “ký” một hợp đồng … hợp tác.

Theo hợp đồng hợp tác này, DSS Việt Nam tự giới thiệu có đầy đủ chức năng, kinh nghiệm về tư vấn các chương trình đào tạo quốc tế, du học, việc làm, đầu tư và định cư nước ngoài. Thực chất, trong số các chức năng trên, DSS Việt Nam chỉ được hoạt động về tư vấn du học theo giấy chứng nhận do Sở GD&ĐT TPHCM cấp vào năm 2019.

Tuy nhiên, ông Hồ Tấn Minh - Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM khẳng định, giấy chứng nhận này của DSS Việt Nam đã hết hạn vào ngày 11/9/2024 và hiện không có hồ sơ đăng ký hay gia hạn nên nếu công ty vẫn tiếp tục hoạt động là vi phạm pháp luật.

Tiếp loạt bài 'Ngậm trái đắng với giấc mơ làm việc trời Tây': Những sự thật được phơi bày ảnh 3
“Hợp đồng hợp tác” giữa DSS Úc và DSS Việt Nam

Sau khi ký hợp tác trên, DSS Úc đã ký hợp đồng “thỏa thuận dịch vụ visa” với khách hàng và một phụ lục hợp đồng đi kèm ủy quyền cho DSS Việt Nam thay DSS Úc tư vấn và “thu hộ tiền” của khách hàng, trong đó có việc thu tiền bằng ngoại tệ USD. Bằng chứng cho thấy, ngày 13/6/2023, DSS Việt Nam đã thu của khách hàng N.H.L ở quận 1, TPHCM số tiền 20.000 USD. Phiếu thu thể hiện bằng chữ “hai mươi nghìn đô la Mỹ”.

Về giao dịch giữa hai doanh nghiệp có cùng người đại diện, theo luật sư Nguyễn Trung Hiếu, dưới góc độ của Bộ luật Dân sự 2015, tại khoản 3 Điều 141 quy định một cá nhân, pháp nhân có thể đại diện cho nhiều cá nhân hoặc pháp nhân khác nhau nhưng không được nhân danh người được đại diện để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với chính mình hoặc với bên thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó. Như vậy, trong trường hợp DSS Úc và DSS Việt Nam có cùng một người đại diện và chính họ nhân danh cho hai công ty để xác lập giao dịch thì giao dịch dân sự này thì vô hiệu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Tại “hợp đồng dịch vụ visa” ký với một khách hàng vào tháng 11/2022, DSS Việt Nam còn ghi thu tiền “phí dịch vụ cho người phụ thuộc” đi kèm với người thân là 5.000 USD/người.

Hợp đồng nêu rõ “phí dịch vụ đối với người phụ thuộc là khoản phí nằm ngoài hợp đồng, được tính bằng USD”.

Sau khi thu ngoại tệ từ khách hàng, thông qua một ngân hàng có văn phòng giao dịch tại TPHCM, bà Nguyễn Lê Vân đã nhiều lần chuyển ngoại tệ USD cho “người thụ hưởng” là Công ty DSS Úc do chính bà làm giám đốc.

Trong khi đó, DSS Úc không đăng ký hoạt động ở Việt Nam, không có văn phòng đại diện và không đầu tư ở Việt Nam.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, Luật sư Nguyễn Trung Hiếu, Giám đốc Công ty Luật TNHH Chân Thiện Mỹ, Đoàn Luật sư TPHCM, cho biết đối với Công ty DSS Úc, nếu ký kết hợp đồng hợp tác (BBC) với DSS Việt Nam thì theo quy định tại Điều 27 Luật Đầu tư 2020, pháp nhân này cần phải thực hiện các thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và phải được cấp phép từ cơ quan có thẩm quyền. Trường hợp không thực hiện thủ tục nêu trên, thì tùy vào tính chất, mức độ của hành vi mà công ty này có thể bị xử lý theo quy định theo pháp luật.

“Đối với việc chuyển tiền đầu tư về nước với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, căn cứ theo Thông tư số 06 của NHNN, sau khi được cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài tham gia Hợp đồng BCC (ở đây là Công ty DSS Úc) cần phải mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp tại một tổ chức tín dụng được phép và các giao dịch liên quan đến hoạt động đầu tư, (bao gồm các hoạt động góp vốn đầu tư vào Việt Nam và chuyển lợi nhuận, nguồn thu hợp pháp về nước) được thực hiện thông qua tài khoản vốn đầu tư này”- luật sư Hiếu giải thích.

Ngoài ra, theo một chuyên gia trong ngành tư pháp ở TPHCM, nếu Công ty DSS Úc không có trụ sở tại Việt Nam, không đăng ký kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam nhưng ký hợp đồng với công dân Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam và nhờ thu tiền thì có thể xem là hoạt động kinh doanh trái phép.

Công an vào cuộc điều tra

Trả lời Tiền Phong bằng văn bản, đại diện Công an TPHCM cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra- Công an TPHCM có tiếp nhận đơn tố cáo Công ty TNHH Du học định cư DSS do bà Nguyễn Lê Vân làm Tổng Giám đốc và Công ty Giáo dục DSS do bà Daisy Nguyễn làm Giám đốc (cả hai là một người, có hai quốc tịch) chiếm đoạt tiền thông qua việc ký kết Hợp đồng dịch vụ visa.

Do có nhiều nội dung cần làm rõ, hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra (Phòng Cảnh sát Kinh tế) đang khẩn trương kiểm tra, xác minh. Khi có kết quả sau cùng sẽ thông báo theo quy định.

Liên quan đến những phản ánh của báo Tiền Phong về DSS Việt Nam, bà Lương Thị Hà - Phó Chánh Thanh tra Sở LĐTB&XH TPHCM cho hay, Sở đã thành lập 2 tổ chuyên môn xác minh, tập hợp hồ sơ, làm việc với đơn vị.

“Hiện Sở đã nhận được 12 đơn khiếu nại, tố cáo của người dân đối với DSS Việt Nam, sau khi sàng lọc, Sở đã tổng hợp hồ sơ chuyển 2 đơn tố cáo công ty này của người dân sang cơ quan công an điều tra để làm rõ đồng thời sẽ tổ chức cuộc họp với các sở ngành có liên quan về hoạt động của DSS Việt Nam, khi có nội dung, kết quả sẽ thông tin với báo Tiền Phong”.

>> 'Ngậm trái đắng giấc mơ làm việc trời Tây': Nhiều đơn vị ngừng hợp tác với DSS

Sở Lao động TPHCM lập 2 tổ xác minh các khiếu nại, tố cáo liên quan đến DSS Việt Nam

Nữ cộng tác viên chiếm đoạt hơn 5 tỷ đồng tiền của công ty tư vấn du học

Theo tienphong.vn
https://tienphong.vn/tiep-loat-bai-ngam-trai-dang-voi-giac-mo-lam-viec-troi-tay-nhung-su-that-duoc-phoi-bay-post1684102.tpo
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Tiếp loạt bài 'Ngậm trái đắng với giấc mơ làm việc trời Tây': Những sự thật được phơi bày
    POWERED BY ONECMS & INTECH