Tìm thấy dấu chân cổ có niên đại tới 1,5 triệu năm tuổi, được cho là của tổ tiên loài người
Những dấu chân được phát hiện cho thấy cả hai loài đều đi bằng hai chân, đồng thời đặt ra giả thuyết rằng họ có thể đã tương tác với nhau.
Theo Live Science, các nhà nghiên cứu vừa công bố phát hiện đột phá tại Koobi Fora, Kenya, một bộ dấu chân có niên đại 1,5 triệu năm tuổi, thuộc về hai loài người cổ đại – Homo erectus và Paranthropus boisei. Đây là lần đầu tiên bằng chứng rõ ràng cho thấy hai loài tiền nhân này đã từng cùng tồn tại trong cùng một thời kỳ.
Các nhà nghiên cứu vừa công bố phát hiện đột phá tại Koobi Fora, Kenya, một bộ dấu chân có niên đại 1,5 triệu năm tuổi (Ảnh: Live Science)
Homo erectus, tổ tiên trực tiếp của loài người hiện đại, được biết đến với khả năng đi thẳng và sử dụng công cụ, trong khi Paranthropus boisei nổi bật với dáng vóc khỏe mạnh và đặc điểm hộp sọ lớn. Những dấu chân được phát hiện cho thấy cả hai loài đều đi bằng hai chân, đồng thời đặt ra giả thuyết rằng họ có thể đã tương tác với nhau, từ đó mở ra nhiều câu hỏi mới về hành vi và mối quan hệ giữa các loài tiền nhân này.
Trước đây, Đông Phi từng ghi nhận nhiều dấu chân hóa thạch quan trọng, tiêu biểu là dấu chân ở Laetoli, Tanzania, do Australopithecus afarensis – loài của Lucy để lại cách đây 3,6 triệu năm. Tuy nhiên, dấu chân tại Koobi Fora, Kenya, mang đến một phát hiện độc đáo hơn.
Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng hai loài đi bằng hai chân với cấu trúc bàn chân hoàn toàn khác biệt, Homo erectus và Paranthropus boisei đã để lại dấu vết dọc theo bờ hồ Turkana, chỉ cách nhau vài giờ. Điều này không chỉ chứng minh sự đồng thời tồn tại mà còn gợi mở khả năng hai loài này có thể đã cùng chia sẻ hoặc cạnh tranh môi trường sống, đặt ra những câu hỏi mới về sự tương tác giữa các loài tiền nhân trong lịch sử tiến hóa của loài người.
Con đường mòn chứa dấu chân mới phát hiện tại Koobi Fora dài khoảng 8m, bao gồm dấu vết của một cá thể đi riêng lẻ và ba cá thể khác. Đặc biệt, dấu chân của một con cò marabou khổng lồ đã tuyệt chủng (Leptoptilos falconeri) cũng được tìm thấy, cho thấy lớp bùn ướt thời kỳ đó đã nhanh chóng bị chôn vùi và bảo quản hoàn hảo qua hàng triệu năm.
Góc nhìn từ trên cao về dấu chân hóa thạch do Paranthropus boisei tạo ra (Ảnh: Live Science)
Kevin Hatala, nhà cổ nhân chủng học tại Đại học Chatham, Pennsylvania, cùng các đồng nghiệp đã sử dụng công nghệ hình ảnh 3D để phân tích chi tiết hình dạng và chuyển động của bàn chân những cá thể tạo dấu chân. Kết quả cho thấy hai trong số các dấu chân có vòm cao và bước chuyển từ gót chân đến ngón chân giống với con người hiện đại. Điều này dẫn đến giả thuyết rằng những dấu vết này có thể do Homo erectus tạo ra, bởi loài này sở hữu cơ thể và dáng đi tương tự như con người ngày nay.
Một phần khác của con đường mòn Koobi Fora hé lộ một mô hình rất khác biệt so với các dấu chân được xác định là của Homo erectus. Những dấu vết này phẳng hơn và có bước chân trước sâu hơn bước chân gót chân. Điều đáng chú ý là ngón chân cái của những dấu chân này hơi xòe ra và không thẳng hàng hoàn toàn với bàn chân, một đặc điểm không giống con người hiện đại. Các nhà nghiên cứu cho rằng những dấu vết này có thể là của Paranthropus boisei, một loài vượn người phương nam có thân hình to lớn, hàm lớn và ngón chân cái phân kỳ, khác biệt rõ rệt so với tổ tiên của chúng ta.
Về kích thước bàn chân, các nhà nghiên cứu không đủ thông tin để xác định giới tính hay độ tuổi của những cá thể tạo ra dấu chân. (Ảnh: AP)
Zach Throckmorton, nhà cổ nhân chủng học tại Đại học bang Colorado, đã nhận xét về nghiên cứu của Hatala và các đồng nghiệp trong một email gửi cho Live Science, cho rằng các so sánh về dấu chân mang lại bằng chứng thuyết phục và hấp dẫn về sự cùng tồn tại của Homo erectus và Paranthropus boisei tại Koobi Fora, Kenya, khoảng 1,5 triệu năm trước. Throckmorton nhấn mạnh rằng sự ổn định của ngón chân cái là yếu tố then chốt giúp con người có thể đi bộ và chạy hiệu quả, một đặc điểm mà dấu chân của P. boisei thiếu. Ông cho rằng dấu chân ít giống con người hiện đại hơn, được cho là của P. boisei, không có sự thích nghi quan trọng này, điều này cho thấy sự khác biệt rõ rệt trong khả năng di chuyển của hai loài tiền nhân này.
Hatala cho rằng sự tương tác giữa P. boisei và H. erectus có thể giống như mối quan hệ giữa tinh tinh và khỉ đột, hai loài không chỉ tham gia vào các tương tác xã hội tích cực mà còn có thể có những mối quan hệ tiêu cực. Tuy nhiên, do các dấu chân được phát hiện cách nhau không xa và được tạo ra trong một khoảng thời gian ngắn, P. boisei và H. erectus có thể đã gần gũi hơn so với những gì chúng ta từng nghĩ.