Dùng máy bay không người lái, nhóm nhân chủng học phát hiện công trình khổng lồ 4.000 năm tuổi, hé lộ kỹ thuật xây dựng tài tình của người cổ đại
Nhờ sử dụng máy bay không người lái (UAV), nhóm các nhà nhân chủng học đã phát hiện một công trình khổng lồ ẩn sâu trong vùng đất nổi tiếng với các di tích Maya tại Mexico.
Theo tạp chí Science Alert, dữ liệu từ UAV đã giúp các nhà khoa học nhận diện một mạng lưới kênh rạch và ao hồ nhân tạo phức tạp, trải rộng trên diện tích 42km². Phát hiện này làm nổi bật trình độ kỹ thuật đáng kinh ngạc, vượt xa những gì từng được biết về nền văn minh cổ đại ở Trung Mỹ.
Nhóm nghiên cứu, do nhà nhân chủng học Eleanor Harrison-Buck từ Đại học New Hampshire (Mỹ) dẫn đầu, đã tận dụng công nghệ hiện đại như dữ liệu vệ tinh Google Earth, kết hợp khảo sát thực địa để giải mã bí mật của mạng lưới này. Qua bài viết trên tạp chí khoa học Science Advances, họ xác định đây là một ngư trường khổng lồ, được thiết kế để bẫy và nuôi trồng cá với kỹ thuật tinh vi.
Những bằng chứng từ khai quật thực địa, kết hợp phương pháp xác định niên đại bằng carbon phóng xạ, cho thấy ngư trường này đã được sử dụng từ khoảng 2000 năm trước Công nguyên đến năm 200 sau Công nguyên. Điều này đồng nghĩa với việc công trình đã tồn tại trước cả thời kỳ của Đế chế Maya nổi tiếng gần 700 năm.
Theo Tiến sĩ Harrison-Buck, phát hiện này thách thức quan niệm rằng nông nghiệp là động lực duy nhất thúc đẩy sự phát triển của các nền văn minh Trung Mỹ. Ngư trường quy mô lớn cho thấy đánh bắt thủy sản cũng là một yếu tố quan trọng trong đời sống kinh tế và văn hóa của người cổ đại.
"Công trình này không chỉ khẳng định vai trò của nông nghiệp mà còn làm nổi bật khả năng tổ chức sản xuất thủy sản quy mô lớn, một yếu tố góp phần quan trọng vào sự bùng nổ của nền văn minh Maya," bà nhấn mạnh.
Người xưa đã khéo léo đào các kênh rạch trong lớp đất sét để tận dụng chu kỳ lũ lụt tự nhiên. Trong mùa mưa, nước tràn vào các vùng đầm phá, tạo điều kiện lý tưởng cho cá sinh sản. Khi mùa khô đến, các kênh đào chuyển nước rút vào những vũng nước nhỏ, cô lập cá trong không gian hạn chế, giúp việc khai thác trở nên dễ dàng.
Kỹ thuật đã mang tính đột phá, tạo tiền đề cho một hệ thống đánh bắt thủy sản quy mô lớn tương đương với sản xuất công nghiệp hiện đại. Ngày nay, người dân địa phương vẫn chứng kiến hiện tượng cá tập trung ở các ao nước sau mùa lũ, tuy ít ai ngờ rằng đó chính là di sản từ công trình nhân tạo vĩ đại được xây dựng hàng nghìn năm trước.