Chứng khoán

Chứng khoán Việt: Vì sao nhà đầu tư cá nhân e ngại giao tiền cho các quỹ?

Quốc Trung 14/10/2024 15:30

Tỷ lệ đầu tư vào quỹ ở Mỹ vượt trội hơn Việt Nam nhờ các chính sách ưu đãi thuế và nhận thức tích cực về đầu tư dài hạn. Sự khác biệt này không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường tài chính mà còn đặt ra thách thức trong việc nâng cao nhận thức và cải thiện chính sách để thúc đẩy đầu tư bền vững.

Chưa đủ niềm tin

Thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận nhiều dấu ấn tích cực cùng với sự vận động của nền kinh tế. Sự tiến bộ này không chỉ nâng cao chất lượng của các nhà đầu tư mà còn mở ra những cơ hội mới. Bên cạnh các kênh đầu tư an toàn (theo quan niệm của người dân) như bất động sản và vàng, quỹ đầu tư vẫn là một khái niệm khá mới mẻ với người dân Việt Nam.

Chính sự khác biệt trong nhận thức và chính sách đặc thù giữa Mỹ và Việt Nam, phần nào ảnh hưởng đến cách người dân tham gia đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Trong chương trình Insight Talk với chủ đề: "Thị trường chứng khoán Việt Nam: Hành trình từ tăng trưởng nóng đến phát triển bền vững" do Người Quan Sát tổ chức, ông Phạm Lưu Hưng - Kinh tế trưởng, Trưởng Ban đào tạo và Phát triển của CTCP Chứng khoán SSI và PGS.TS Đỗ Hoài Linh - Phó Trưởng bộ môn Ngân hàng Thương mại Viện Ngân hàng Tài chính của Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) đã có những chia sẻ về quan điểm đầu tư thông qua hình thức ủy thác này.

Tin đồn xuất hiện, cổ phiếu Eximbank (EIB) bị bán cận sàn
Bà Đỗ Hoài Linh (bìa trái) và ông Phạm Lưu Hưng (bìa phải) tại Insight Talk số 2

>> Chứng khoán và giấc mơ mua nhà của người trẻ: 'Hiện trạng đáng suy nghĩ'

Theo ông Phạm Lưu Hưng, hầu hết người lao động ở Mỹ tham gia đầu tư vào chứng khoán thông qua các quỹ hưu trí tự nguyện. Các quỹ này cho phép người dân dùng một phần tiền lương hưu để đầu tư vào thị trường chứng khoán, từ đó giúp tăng tỷ lệ người tham gia vào thị trường. Điều này xuất phát từ việc các quỹ hưu trí có ưu đãi về thuế và chính sách hỗ trợ dài hạn khiến việc đầu tư vào chứng khoán trở nên hấp dẫn.

Theo quan điểm của PGS. TS Đỗ Hoài Linh, người dân ở Mỹ đầu tư thông qua các quỹ để tránh những rủi ro lớn từ việc tự đầu tư và hạn chế sự thiếu kinh nghiệm trong “cuộc chiến làm giàu” với thị trường. Báo cáo cho thấy có khoảng 55% người Mỹ đầu tư vào thị trường chứng khoán nhưng phần lớn không đầu tư trực tiếp mà lựa chọn các quỹ đầu tư như “mutual funds” để quản lý tài sản.

Một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy đầu tư vào các quỹ ở Mỹ là chính sách thuế ưu đãi dành cho các khoản đầu tư dài hạn. Cụ thể, khi người dân đầu tư vào các quỹ tương hỗ hoặc hưu trí, họ được hưởng lợi từ mức thuế thấp hơn khi bán cổ phiếu sau thời gian dài nắm giữ, thường từ một năm trở lên. Điều này khuyến khích đầu tư dài hạn thay vì lướt sóng ngắn hạn, từ đó giúp bình ổn thị trường tài chính.

Quotes: “Ở Việt Nam, hiện người dân vẫn theo tư tưởng là tiền của tôi thì tôi tự quản lý nên việc giao tiền cho người khác quản lý đòi hỏi một niềm tin rất lớn và các quỹ đầu tư”, ông Phạm Lưu Hưng - Kinh tế trưởng CTCP Chứng khoán SSI

Khác với người Mỹ, người Việt rất khó để có thể đầu tư vào chứng khoán, một phần từ lối tư duy vào các kênh đầu tư khác bền vững hơn như là bất động sản hoặc vàng. Bên cạnh đó, tâm lý chưa thực sự tin tưởng vào các quỹ đầu tư, cũng như việc thiếu cơ chế ưu đãi thuế cho các quỹ hưu trí tự nguyện. Do đó, điều này cũng trở thành rào cản khiến sự tham gia vào quỹ đầu tư ở Việt Nam thấp hơn các quốc gia khác.

Cần thêm chính sách ưu đãi

Theo ông Phạm Lưu Hưng, hiện nay các quỹ đầu tư nội địa như SSIAM, Dragon Capital hay VinaCapital vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút nguồn đầu tư và mở rộng quy mô. Một phần nguyên nhân là do chính sách ưu đãi thuế chưa đủ hấp dẫn và nhận thức của người dân về quỹ đầu tư còn hạn chế.

Ông Hưng nhấn mạnh thêm, hiện thị trường Việt Nam chưa có sự phân biệt về mức thuế giữa đầu tư dài hạn và ngắn hạn, điều này khiến cho nhiều nhà đầu tư lựa chọn lướt sóng thay vì giữ tài sản trong thời gian dài. Việc chính sách thuế không khuyến khích đầu tư dài hạn, dẫn đến thị trường khó có thể phát triển bền vững.

Đồng tình với quan điểm trên, PGS.TS Đỗ Hoài Linh cho rằng chính sách là yếu tố quyết định trong việc phát triển các quỹ đầu tư. Tại các quốc gia phát triển như Mỹ, việc đầu tư vào quỹ hưu trí được khuyến khích mạnh mẽ thông qua các chính sách ưu đãi thuế. Người dân khi tham gia các quỹ tiết kiệm cho hưu trí sẽ được hoãn thuế thu nhập cá nhân cho đến khi rút tiền, tạo điều kiện cho đồng tiền được đầu tư sinh lời qua thời gian.

Trong khi đó, các sản phẩm tiết kiệm hưu trí tại ngân hàng ở Việt Nam không thu hút được sự quan tâm của người dân do thiếu những lợi ích liên quan đến thuế. Theo bà Linh, nếu Việt Nam muốn tăng tỷ lệ tham gia đầu tư vào các quỹ, cần có sự cải thiện về chính sách, đặc biệt là những ưu đãi liên quan đến thuế thu nhập cá nhân khi đầu tư dài hạn.

Sự khác biệt trong tỷ lệ đầu tư vào các quỹ ở Mỹ và Việt Nam có thể được giải thích qua sự khác biệt về nhận thức và chính sách hỗ trợ. Để cải thiện tình hình này, Việt Nam cần thiết lập các chính sách hỗ trợ rõ ràng hơn cũng nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của việc đầu tư vào quỹ. Cải cách này không chỉ giúp phát triển thị trường quỹ đầu tư mà còn đóng góp vào sự ổn định và bền vững của thị trường chứng khoán trong thời gian tới.

>> Xem toàn bộ chương trình tại đây.

>> Chuyên gia tiết lộ mức lợi nhuận kỳ vọng hấp dẫn khi đầu tư chứng khoán

Eximbank (EIB) bổ nhiệm thêm Phó Tổng Giám đốc, củng cố ban lãnh đạo trước thềm ĐHĐCĐ

Eximbank (EIB) ấn định ngày họp Đại hội đồng cổ đông bất thường

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/chung-khoan-viet-vi-sao-nha-dau-tu-ca-nhan-e-ngai-giao-tien-cho-cac-quy-253529.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Chứng khoán Việt: Vì sao nhà đầu tư cá nhân e ngại giao tiền cho các quỹ?
POWERED BY ONECMS & INTECH