Đón 'làn gió' mới, liệu Eximbank có vực dậy sau thập kỷ 'nội chiến' cổ đông?
Sau hơn thập kỷ sóng gió, Eximbank đang bước vào giai đoạn mới với nhiều kỳ vọng 'lội ngược dòng' và lấy lại vị thế trên thị trường tài chính Việt Nam.
Sau hơn một thập kỷ "nội chiến" giữa các cổ đông, Eximbank đang bước vào một giai đoạn mới với nhiều kỳ vọng 'lội ngược dòng' và lấy lại vị thế trên thị trường tài chính Việt Nam.
Những mâu thuẫn kéo dài giữa các nhóm cổ đông năm xưa đã khiến Eximbank lâm vào khủng hoảng. Tuy nhiên, sau tất cả, với sự thay đổi chiến lược và nỗ lực cải tổ toàn diện, Eximbank đang có những bước đi tích cực để phục hồi và phát triển.
Từng 'làm mưa làm gió' trên thị trường tài chính
Những năm đầu thế kỷ 21, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - Mã: EIB) đã nổi lên như một ngôi sao sáng trong ngành ngân hàng với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ và chiến lược kinh doanh sắc bén.
Là một trong những ngân hàng TMCP đầu tiên, lại có lợi thế trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, Eximbank lúc đó nổi danh trong hoạt động kinh doanh ngoại tệ và vàng.
Thời hoàng kim ấy, Eximbank đã liên tục đạt những thành tích ấn tượng. Từ một "tân binh" thuộc nhóm ngân hàng TMCP cỡ nhỏ vào năm 1990 và Eximbank vươn lên nhóm ngân hàng TMCP tầm trung với tổng tài sản lên tới hơn 183.567 tỷ đồng tính đến cuối năm 2011. Theo đó, tổng tài sản nhà băng này tăng gần gấp 5,5 lần chỉ trong vòng 5 năm từ 2007-2011.
Tài sản tăng, nợ nần cũng tăng theo, tổng nợ phải trả cuối 2007 hơn 27.400 tỷ đồng, tăng lên đến 167.264 tỷ đồng vào cuối năm 2011, chiếm hơn 91% tổng tài sản.
Thời điểm này, thị trường tài chính cũng khá bất ngờ khi Eximbank công bố nắm trên 51% vốn cổ phần của Sacombank. Dư luận đồn đoán về sự hợp nhất giữa 2 nhà băng này, tạo ra một ngân hàng hàng đầu với tổng tài sản lên tới gần 330.000 tỷ đồng - "siêu ngân hàng" lớn nhất khối ngân hàng tư nhân.
Tuy nhiên sau đó, đồn đoán không thành hiện thực khi Sacombank lại sáp nhập với SouthernBank, Eximbank phải rút vốn khỏi ngân hàng đối tác. Cũng từ thời điểm này, "cú trượt dài" của Eximbank bắt đầu trong bối cảnh thị trường tài chính bộc lộ những yếu kém.
Hơn 1 thập kỷ thăng trầm và "cú trượt dài" của Eximbank
Bằng chứng, năm 2015, Eximbank ghi nhận tổng tài sản ngân hàng chỉ còn 124.850 tỷ đồng, giảm tới 22,5% so với năm trước. Bên cạnh đó, lợi nhuận ghi giảm sâu còn tỷ đồng - mức thấp nhất trong 15 năm trở lại đây.
Năm 2015 cũng là năm đánh dấu sự chia rẽ của nội bộ Eximbank. Cuộc tranh giành quyền lực tại ngân hàng ngày càng trở nên gay gắt giữa 2 nhóm cổ đông, bên cạnh đó cũng xuất hiện một loạt những bê bối và loạt thông tin xấu ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
Khi những khó khăn của Eximbank đã hiện rõ, cổ đông không nhận cổ tức, Ban lãnh đạo Eximbank cho biết: Lợi nhuận của Eximbank sụt giảm mạnh do phải trích lập dự phòng rủi ro rất cao mà nguyên nhân sâu xa là các năm trước Eximbank đã giao thẩm quyền cho các Giám đốc Chi nhánh cao dẫn đến hậu quả nợ xấu cao.
Giai đoạn từ năm 2015-2021, tổng tài sản và lợi nhuận của Eximbank dần phục hồi nhưng vẫn ở mức thấp so với "thời hoàng kim". Đáng chú ý, năm 2019, Ban Kiểm soát của Eximbank từng thừa nhận, đây là nhiệm kỳ HĐQT hoạt động "thiếu nhịp nhàng" nhất khi các thành viên HĐQT còn nhiều ý kiến trái chiều, gây tranh cãi.
Kết thúc năm 2022, Eximbank ghi nhận tổng tài sản đạt 185.056 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 3.709 tỷ đồng, lần lượt tăng 12% và 208% so với năm 2021. Sang năm 2023, dù tổng tài sản có tăng 9% so với năm trước, lên 201.417 tỷ đồng nhưng lợi nhuận trước thuế giảm 27% còn 2.720 tỷ đồng.
6 tháng đầu năm nay, Eximbank báo lãi trước thuế 1.474 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tại ĐHCĐ năm 2024, Eximbank đặt kế hoạch mục tiêu tham vọng với lợi nhuận trước thuế là 5.180 tỷ đồng, tăng 90% so với năm 2023. Như vậy, việc Eximbank đạt mục tiêu dường như đang rất xa.
Thống kê lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2024 cho thấy, lợi nhuận Eximbank dù có sự cải thiện hơn so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn xếp vị trí 19 trong bảng xếp hạng 27 ngân hàng.
Đón "làn gió" cổ đông mới, liệu Eximbank tìm lại hào quang năm xưa?
Hồi đầu tháng 7, Eximbank công bố danh sách gồm 5 cổ đông nắm trên 1% vốn. Trong đó, CTCP Tập đoàn Gelex (GEX) nắm 4,9%. Tiếp đó, CTCP Chứng khoán VIX (VIX) nắm 3,58%, CTCP Thắng Phương nắm 3,07%. Ngoài ra, 2 cá nhân là bà Lê Thị Mai Loan nắm 1,03%, bà Lương Thị Cẩm Tú nắm 1,12%.
Đáng chú ý, chỉ hơn một tháng sau, Gelex đã nâng tỷ lệ sở hữu tại Eximbank lên 10% - mức tối đa một cổ đông tổ chức được sở hữu tại một tổ chức tín dụng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024. Đồng thời, công ty Thắng Phương bất ngờ 'biến mất' khỏi danh sách sở hữu từ 1% vốn của Eximbank dù không có thông tin bán ra trên thị trường.
Sự hiện diện của Gelex tại Eximbank tạo ra sự chú ý lớn, đồng thời việc bổ nhiệm ông Nguyễn Hồ Nam vào vị trí Phó Chủ tịch HĐQT Eximbank tại ĐHCĐ thường niên 2024 lại càng gây chú ý. Ông Nam đã từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT Bamboo Capital (BCG) để tập trung vào Eximbank.
Theo đó, với sự "hậu thuẫn" từ Gelex và cổ đông liên quan đến Bamboo Capital, giới tài chính kỳ vọng nhiều về "cú ngược dòng" của Eximbank có thể mở ra cơ hội mới giúp ngân hàng phục hồi và tìm lại ánh hào quang đã mất.
Gelex là một tập đoàn hoạt động theo mô hình holdings với gần 50 công ty con, nổi bật với các thương hiệu như Viglacera, Cadivi và Thibidi. Tính đến cuối tháng 6/2024, doanh nghiệp có vốn điều lệ 8.515 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu gần 22.300 tỷ đồng và tổng tài sản hơn 52.400 tỷ đồng.
Bamboo Capital, tập đoàn đa ngành với hơn 60 công ty thành viên (tập trung vào năng lượng tái tạo, bất động sản, xây dựng và tài chính) đang hợp tác với nhiều đối tác quốc tế lớn như Singapore Power, Sembcorp, và Power China. Tính đến tháng 6/2024, Bamboo Capital có vốn chủ sở hữu 21.300 tỷ đồng và tổng tài sản hơn 45.300 tỷ đồng.
Nhiều người cho rằng, chính những rối ren nhân sự cấp "thượng tầng" ở Eximbank nhiều năm qua được cho là nguyên nhân chính dẫn đến những chia rẽ sâu sắc giữa các nhóm cổ đông, khiến Eximbank nhiều lần tổ chức bất thành đại hội để bầu HĐQT, ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của nhà băng này.
Khoản đầu tư 'hòa vốn' gần 1.200 tỷ của VIX tại Eximbank (EIB) có gì đặc biệt?
Eximbank (EIB) ký kết hợp tác toàn diện với Học viện Ngân hàng