Tín hiệu đặc biệt đằng sau hiệp ước mới Mỹ - Hàn Quốc
Hiệp ước Mỹ - Hàn Quốc báo hiệu khả năng triển khai vũ khí hạt nhân ở Seoul?
Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tại cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington, Mỹ ngày 11/7/2024. Ảnh: Yonhap/TTXVN |
Mỹ có thể sớm triển khai vũ khí hạt nhân tới Hàn Quốc, theo các chuyên gia được tờ Izvestia của Nga phỏng vấn ngày 15/7.
Seoul cũng đang cân nhắc bắt đầu chương trình hạt nhân của riêng mình, nhưng Washington có sự dè dặt về điều này, vì vậy họ đang chuyển hướng cuộc thảo luận theo hướng chỉ sử dụng các tài sản của riêng mình, tờ Izvestia viết.
Trong một động thái mang tính bước ngoặt, Mỹ và Hàn Quốc đã nhất trí về một chương trình răn đe hạt nhân chung viện dẫn do mối đe dọa từ Triều Tiên. Tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington D.C vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cũng tuyên bố bất kỳ cuộc tấn công hạt nhân nào từ Bình Nhưỡng sẽ phải đối mặt với phản ứng nhanh chóng và quyết liệt.
Vào đêm trước cuộc gặp trực tiếp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Hàn Quốc, bộ quốc phòng hai nước đã ký một văn bản về các nguyên tắc chung trong lĩnh vực răn đe hạt nhân.
"Mỹ tái khẳng định rằng họ sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách răn đe hạt nhân mở rộng và sẵn sàng bảo vệ Hàn Quốc và đáp trả tương xứng với bất kỳ 'cuộc tấn công' nào từ Triều Tiên. Tuyên bố này là một bước tiến xa hơn nữa hướng tới khả năng triển khai vũ khí hạt nhân của Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc trong tương lai gần", nhà nghiên cứu và phân tích chính trị, đồng thời là một nhân viên của Trung tâm An ninh Quốc tế thuộc Viện Quan hệ Quốc tế và Kinh tế Thế giới Viện Hàn lâm Khoa học Nga (IMEMO RAS) Vasily Klimov nói.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cũng lưu ý rằng kế hoạch hạt nhân chung giữa Mỹ và Hàn Quốc không chỉ giới hạn ở việc chống "mối đe dọa" từ Triều Tiên mà còn nhằm mục đích kiềm chế chiến lược Nga và Trung Quốc.
Theo Izvestia, Hàn Quốc "không hề giấu giếm điều này - tại hội nghị thượng đỉnh NATO, Tổng thống Yoon Suk Yeol đã chỉ trích sự hợp tác ngày càng sâu sắc giữa Nga và Triều Tiên". Trong khi đó, Mỹ phản đối việc Hàn Quốc phát triển chương trình hạt nhân của riêng mình.
"Tất nhiên, Mỹ phản đối điều này vì nó sẽ phá hủy hoàn toàn chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân hiện tại và các lệnh trừng phạt chính thức sẽ phải được áp dụng đối với Hàn Quốc", nghiên cứu viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc, Viện Nghiên cứu Viễn Đông thuộc Viện Hàm lâm Khoa học Nga, Konstantin Asmolov nhận định.
Về phần mình, Peter Kuznick, Giáo sư Khoa Lịch sử tại Đại học Mỹ ở Washington D.C, cho rằng thỏa thuận gần đây giữa Tổng thống Biden và nhà lãnh đạo Hàn Quốc không đại diện cho sự thay đổi sâu sắc trong chính sách hiện tại, mà có thể là nhằm xoa dịu nỗi lo sợ của Seoul rằng Mỹ sẽ do dự sử dụng vũ khí hạt nhân trước khả năng tấn công của Bình Nhưỡng và những cam kết mới từ Moskva.