Chuyên gia chứng khoán cho rằng, thị trường đã lớn hơn nhiều so với trước đây. Khối ngoại vẫn tích cực tìm cơ hội đầu tư ở Việt Nam với các cổ phiếu tốt; không chỉ có một mà nhiều ngân hàng, số lượng công ty có vốn hóa trên 1 tỷ USD cũng tăng lên.
Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục biến động tiêu cực trong tháng 6/2022.
Kết phiên giao dịch cuối tháng 6 (30/6), VN-Index đứng ở mức 1.197,6 điểm - giảm 95,08 điểm (-7,36%) so với cuối tháng 5; HNX-Index cũng giảm 38,08 điểm (-12%) xuống 277,68 điểm; UPCoM-Index giảm 27,1 điểm (-24,05%) xuống 85,58 điểm.
Điểm tích cực hiếm hoi của thị trường trong tháng 6 là việc khối ngoại vẫn duy trì trạng thái mua ròng mạnh với tổng khối lượng mua ròng ở mức 81,9 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị 2.908 tỷ đồng.
Trên sàn HOSE, khối ngoại có tháng mua ròng thứ 3 liên tiếp với giá trị ở mức 2.070 tỷ đồng. Tính chung cả quý II, khối ngoại sàn HOSE mua ròng tổng cộng 9.168 tỷ đồng.
Ở sàn HNX, khối ngoại tiếp tục mua ròng 110 tỷ đồng (tăng 42% so với tháng 4), tương ứng khối lượng mua ròng là 5,9 triệu cổ phiếu. Tính chung trong cả quý II, khối ngoại sàn HNX mua ròng 156 tỷ đồng. Còn tính cả 6 tháng đầu năm, giá trị mua ròng đạt 320 tỷ đồng.
Tại sàn UPCoM, khối ngoại có tháng thứ ròng thứ 5 liên tiếp với giá trị gấp 3,2 lần tháng 5 và đạt 729 tỷ đồng, tương ứng khối lượng 20,5 triệu cổ phiếu. Giá trị mua ròng trong quý II và 6 tháng đầu năm đạt lần lượt 1.092 tỷ đồng và 1.642 tỷ đồng.
Rộng hơn, trong bối cảnh thị trường trồi sụt, giao dịch khối ngoại ghi nhận tổng giá trị giao dịch đạt 419.337 tỷ trong 6 tháng qua, tương ứng tỷ trọng 6,8%.
Theo thống kê trong 6 tháng đầu năm 2022, khối ngoại đã mua vào 211.597 tỷ đồng và bán ra 207.740 tỷ đồng; lũy kế là mua ròng 3.856 tỷ đồng.
Nếu chỉ xét riêng trong quý II/2022, giá trị mua ròng của nhà đầu tư ngoại trên toàn thị trường ghi nhận con số ấn tượng là 10.417 tỷ đồng. Đây là dấu hiệu tương đối tích cực sau năm 2021 họ bán ròng kỷ lục 62.358 tỷ đồng rồi tiếp tục bán ròng gần 7.000 tỷ trong quý I/2022.
Xét về diễn biến cụ thể, tại chiều mua, xu hướng ETFs đang ngày càng nở rộ tại Việt Nam và được khối ngoại mạnh tay rót tiền, trong đó phải kể tới chứng chỉ quỹ DCVFM VNDiamond ETF – FUEVFVND. Mã chứng khoán này dẫn đầu danh sách bên mua với giá trị mua ròng đạt 3.304 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay. Nhiều quỹ ngoại tỏ ra ưa thích FUEVFVND do lợi thế danh mục gồm nhiều mã cổ phiếu đã kịch room, sở hữu triển vọng tăng trưởng tích cực trong đó các nhà đầu tư Thái Lan tiếp tục là một trong những nhân tố chủ lực của động thái gom các chứng chỉ ETFs trong thời gian qua trên thị trường chứng khoán Việt.
Trong bối cảnh giá cả hàng hoá leo thang trên toàn cầu, "ông lớn" ngành phân bón hoá chất là DPM được khối ngoại mua ròng tích cực với nhiều lợi thế hưởng lơi từ giá cả tăng cao. Tổng giá trị mua ròng tại mã chứng khoán này sau 6 tháng qua xấp xỉ 1.360 tỷ đồng và chủ yếu thông qua khớp lệnh.
Tương tự, dòng tiền của khối ngoại còn chảy về một mã cổ phiếu khác cùng ngành là DCM với giá trị mua ròng đạt 646 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, nhờ hoạt động phát hành cổ phiếu ESOP dẫn đến nới "room" ngoại, cổ phiếu MWG gần như lập tức được nhà đầu tư nước ngoài "gom" mạnh với những giao dịch giá trần ngay từ đầu phiên. Trong nửa đầu năm, MWG được mua ròng 1.185 tỷ đồng và phần lớn được thực hiện thông qua giao dịch thoả thuận.
Mã cổ phiếu bất động sản là NLG của Nam Long cũng ghi nhận một lượng vốn ngoại mạnh với giá trị mua ròng đạt 1.091 tỷ đồng.
Hai mã cổ phiếu ngân hàng được khối ngoại đẩy mạnh gom trong 6 tháng vừa qua là CTG và HDB với giá trị ghi nhận lần lượt là 957 tỷ đồng và 616 tỷ đồng. Trên thị trường, thị giá của hai cổ phiếu này đều đã điều chỉnh khoảng hơn 20% về giá trị từ đầu năm đến nay.
Ở chiều ngược lại, dẫn đầu trong số các mã chứng khoán bị khối ngoại rút ròng mạnh nhất trong nửa đầu năm 2022 là HPG của Tập đoàn Hòa Phát, giá trị ghi nhận hơn 2.353 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục "tháo chạy" khỏi cổ phiếu ngành thép này sau khi vừa bán ròng lên tới 18.925 tỷ đồng trong cả năm 2021.
Xét về diễn biến cổ phiếu này, thị giá kết thúc phiên 30/6 tại mức 22.300 đồng/cổ phiếu, vùng đáy giá 17 tháng, tương ứng giảm gần 37% kể từ đầu năm. Vốn hoá theo đó cũng bốc hơi hàng tỷ USD.
Mã cổ phiếu "họ Vin" là VHM xếp thứ 2 trong danh sách bán ròng của khối ngoại 6 tháng đầu năm với giá trị trên 1.000 tỷ đồng. Tương tự HPG, thị giá VHM hiện đã giảm 23% so với thời điểm đầu năm.
Danh sách bán ròng còn có sự xuất hiện của 2 đại diện tiêu biểu nhóm chứng khoán là VND và SSI, giá trị bán ròng cụ thể là SSI (-958 tỷ đồng) và VND (-392 tỷ đồng). Xu hướng điều chỉnh của thị trường tác động trực tiếp tới triển vọng nhóm ngành chứng khoán qua đó dẫn tới việc khối ngoại đẩy mạnh bán ra những mã cổ phiếu này. Đáng nói hơn, việc hai cổ phiếu đầu ngành chứng khoán giảm mạnh thời gian qua cũng khiến cho ngành chứng khoán sạch bóng đại diện góp mặt trong danh sách doanh nghiệp vốn hóa tỷ USD trên sàn chứng khoán.
Ngược với FUEVFVND, một chứng chỉ quỹ là E1VFVN30 (lấy chỉ số VN30 làm tham chiếu) lại ghi nhận việc bị rút ròng 554 tỷ đồng.
Ngoài ra, khối ngoại cũng ghi nhận đà bán ròng mạnh 6 tháng đầu năm 2021 với các cổ phiếu VIC (-864 tỷ đồng), NVL (-485 tỷ đồng), VCB (-339 tỷ đồng), PVD (-174 tỷ đồng).
Dự báo về xu hướng khối ngoại, ông Trịnh Hoài Giang, Tổng Giám đốc CTCK TP. HCM (HSC) cho biết, hành động của khối ngoại còn phụ thuộc vào nền kinh tế Việt Nam, nhìn chung vẫn tiếp tục là xu hướng mua vào dù lãi suất đồng USD đi lên. Điều này đến từ điều hành của NHNN Việt Nam giúp ổn định tỷ giá là yếu tố hỗ trợ cho khối ngoại tiếp tục đầu tư vào thị trường Việt.
Cũng theo ông Giang, thị trường đã lớn hơn nhiều so với trước đây. Khối ngoại vẫn tích cực tìm cơ hội đầu tư ở Việt Nam khi có cổ phiếu tốt. Hiện nay không chỉ có một mà nhiều ngân hàng, số lượng công ty có vốn hóa trên 1 tỷ USD cũng tăng lên.
Theo ông Giang, khối ngoại khi đầu tư vào thị trường lưu ý đến 4 yếu tố: Một là độ rộng, tính bao phủ của thị trường, số lượng cổ phiếu giao dịch trên thị trường. Ví dụ toàn thị trường hiện chiếm khoảng 75 - 85% GDP. Hai là độ sâu, tức vấn đề giao dịch trên từng mã cổ phiếu, họ có thể mua bán dễ dàng với chi phí phải chăng. Ba là minh bạch thông tin. Bốn là hệ thống pháp lý bảo vệ quyền lợi, sự minh bạch của thị trường, thông thoáng để giao dịch.
"Trước đây tỷ lệ giao dịch của khối ngoại chiếm khoảng 15 - 16% tổng giao dịch nhưng vừa qua chỉ còn khoảng 6 - 7%. Không phải giao dịch khối ngoại tụt lùi mà do lượng nhà đầu tư cá nhân trong nước gia nhập, gia tăng giao dịch. Tương lai 1 - 2 năm tới tỷ trọng giao dịch của khối ngoại sẽ tăng trở lại như trước", CEO HSC đánh giá.
Nhận định chứng khoán 22/11: Nhiều CTCK đồng thuận VN-Index lên 1.240 điểm
Kéo trụ ngân hàng, VN-Index bật tăng 12 điểm trong phiên đáo hạn phái sinh