Tỉnh này vừa đón loạt dự án "khủng", nâng tổng dự án FDI toàn tỉnh lên con số 534, thu hút 27 quốc gia và vùng lãnh thổ với vốn đăng ký hơn 10 tỷ USD.
Sáng 10/1, tỉnh Hải Dương tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng thông tin những năm qua, kinh tế của tỉnh không ngừng phát triển với mức tăng trưởng bình quân 8,58%/năm. Quy mô nền kinh tế năm 2023 trên 184.000 tỷ đồng, đứng thứ 11 cả nước. Giải ngân vốn đầu tư công vượt kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 1,136 tỷ đồng, gấp 3,1 lần; thu hút đầu tư trong nước hơn 11.600 tỷ đồng, gấp 5,6 lần so với năm 2022.
Về quy hoạch, đến năm 2030, tỉnh đạt một số tiêu chí cơ bản của thành phố trực thuộc trung ương. Tầm nhìn đến 2050, Hải Dương đạt tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương.
Hải Dương thuộc Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, giáp tới 6 tỉnh là Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hưng Yên và Thái Bình. Diện tích tự nhiên của Hải Dương là 1.668,2 km2 (đứng thứ 51/63 tỉnh thành cả nước). Trong khi đó, với gần 2 triệu người, dân số của Hải Dương hiện đứng thứ 8 cả nước, chỉ sau TP. HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Đồng Nai và Bình Dương. Cơ cấu dân số trẻ nên tỉnh có nguồn lao động dồi dào.
Có 27 doanh nghiệp trong và ngoài nước được trao giấy chứng nhận đầu tư dịp này. Trong đó có thể kể đến như Công ty TNHH Công nghệ văn phòng Deli Việt Nam với dự án nhà máy sản xuất văn phòng phẩm, tổng mức đầu tư 270 triệu USD (tương đương 6.480 tỷ đồng); Công ty TNHH Sản xuất công nghệ Biel Crystal với dự án Công ty TNHH sản xuất công nghệ Biel Crystal, tổng mức đầu tư 260 triệu USD (tương đương 6.240 tỷ đồng); Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật năng lượng mặt trời Boviet Hải Dương với dự án Nhà máy sản xuất tấm tế bào quang điện năng lượng mặt trời Boviet Hải Dương, tổng mức đầu tư 120 triệu USD (tương đương 2.880 tỷ đồng), dự án xây dựng trung tâm thương mại Hải Dương với tổng mức đầu tư 51 triệu USD (tương đương 1.220 tỷ đồng)…
Thông tin thêm về thu hút FDI tại địa phương, đến nay, toàn tỉnh có 534 dự án FDI từ 27 quốc gia và vùng lãnh thổ với vốn đăng ký là hơn 10 tỷ USD; có 284 dự án nằm trong khu công nghiệp (KCN), tổng số vốn gần 6 tỷ USD.
Hải Dương hiện có 17 khu công nghiệp (KCN) đã được thành lập, với diện tích hơn 2.700ha. Tỷ lệ lấp đầy đạt gần 53%. Trong đó, có 12 KCN đã đầu tư xây dựng và kinh doanh với diện tích, tỷ lệ lấp đầy hơn 72%. Có 4 KCN đang triển khai công tác giải phóng mặt bằng, gồm Gia Lộc, Tân Trường mở rộng, Phúc Điền mở rộng, Kim Thành; và giai đoạn 2 của Đại An mở rộng. Còn có thêm 1 KCN Lương Điền - Ngọc Liên có diện tích gần 150ha đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đầu tư năm 2023.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng có 58 cụm công nghiệp (CCN) đã được thành lập với tổng diện tích gần 3.000ha. Trong đó, 32 CCN đã có dự án thứ cấp vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt trên 80%. Riêng CCN Lương Điền đang triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, chưa có dự án thứ cấp vào hoạt động, còn lại 25 CCN đang được các chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật triển khai các thủ tục để thực hiện đầu tư.
>> Lộ diện nhà đầu tư dự án trung tâm thương mại Aeon Mall 1.200 tỷ đồng tại Hải Dương
Một tỉnh 'bé hạt tiêu' được định hướng lên thành phố trực thuộc Trung ương
Thủ tướng yêu cầu sớm triển khai tuyến đường kết nối kết nối Bắc Giang – Hải Dương – Quảng Ninh