Tỉnh đông dân nhất cả nước cần 1,65 triệu tỷ đồng để đạt GRDP bình quân trên 10,1%
Giai đoạn 2021-2030, tỉnh này đặt mcuj tiêu tăng trưởng GRDP bình quân đạt trên 10,1% mỗi năm.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký ban hành Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 31/8/2024 về Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, Thanh Hóa đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP bình quân trên 10,1% mỗi năm trong giai đoạn 2021-2030, đồng thời cần huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 1,65 triệu tỷ đồng để đạt được mục tiêu này.
Kế hoạch nhằm triển khai hiệu quả quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, trách nhiệm được phân công rõ ràng giữa tỉnh Thanh Hóa và các bộ, ngành Trung ương nhằm đảm bảo sự thống nhất giữa quy hoạch tỉnh với quy hoạch tổng thể quốc gia.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của kế hoạch là rà soát và bãi bỏ các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ không còn phù hợp với thực tế và quy định của pháp luật. Đồng thời, các quy hoạch tích hợp vào quy hoạch tỉnh sẽ được công khai thông báo theo quy định của Luật Quy hoạch.
Đến năm 2025, Thanh Hóa sẽ hoàn thành việc rà soát, lập và điều chỉnh các quy hoạch đô thị, nông thôn, và các quy hoạch chuyên ngành trên địa bàn tỉnh, đảm bảo sự đồng bộ với quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt.
TP. Thanh Hoá
Kế hoạch cũng nhấn mạnh nguyên tắc ưu tiên đầu tư công cho các dự án kết cấu hạ tầng có sức lan tỏa lớn, nhất là hạ tầng giao thông chiến lược, Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp, hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, an sinh xã hội, khoa học, và các dự án bảo vệ môi trường.
Trong lĩnh vực công nghiệp, kế hoạch ưu tiên sản xuất hóa chất, phụ trợ lọc hóa dầu, luyện kim, cơ khí chế tạo, công nghiệp năng lượng, sản xuất thiết bị điện tử, viễn thông, thiết bị tự động hóa, thiết bị y tế, dược phẩm, vật liệu xây dựng, và dệt may.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh sẽ tập trung vào sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao, gắn với phát triển vùng nguyên liệu và chế biến sản phẩm. Các dự án nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, và các dự án bảo quản, chế biến nông, lâm sản xuất khẩu cũng sẽ được đẩy mạnh.
Lĩnh vực dịch vụ sẽ tập trung thu hút đầu tư vào các dự án du lịch, khách sạn nghỉ dưỡng cao cấp, phát triển phần mềm, công nghệ số, và dịch vụ logistics tại các vùng kinh tế trọng điểm.
Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa được giao tổ chức công bố, tuyên truyền và phổ biến rộng rãi Kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh, đồng thời chỉ đạo triển khai các dự án phát triển đã được xác định. Tỉnh cũng sẽ chủ động rà soát và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh quy hoạch phù hợp với tình hình thực tế.
Thanh Hóa là tỉnh nằm ở khu vực phía Bắc Trung Bộ, sở hữu diện tích hơn 11.000km2. Theo số liệu thống kê năm 2022, tỉnh Thanh Hóa có dân số 3,72 triệu người, được xem là tỉnh có dân cư đông nhất tại Việt Nam và chỉ đứng sau 2 thành phố trực thuộc Trung ương là TP. Hà Nội và TP. HCM.
>> Thu ngân sách Thanh Hóa 'về đích' sau 8 tháng, bất ngờ những cái tên đóng góp nhiều nhất
Cửa hàng 888 của công ty xăng dầu hàng đầu Thanh Hóa bị xử phạt
Thu ngân sách Thanh Hóa 'về đích' sau 8 tháng, bất ngờ những cái tên đóng góp nhiều nhất