Tỉnh đông dân nhất Việt Nam sắp sáp nhập, TP gần 1.000 năm tuổi sẽ được mở rộng gấp rưỡi
Sau khi sáp nhập, TP gần 1.000 năm tuổi ở tỉnh đông dân nhất Việt Nam sẽ có diện tích 228,22km2 và quy mô dân số là 615.106 người.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tại tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2023-2025.
Nghị quyết quy định nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của huyện Đông Sơn vào TP. Thanh Hóa. Diện tích của thành phố Thanh Hóa là hơn 145km2, sau khi sáp nhập, TP. Thanh Hóa có diện tích tự nhiên 228,22km2 (tăng gấp 1,5 lần) và quy mô dân số 615.106 người.
TP. Thanh Hóa sẽ thành lập các phường mới, giữ nguyên tên từ các thị trấn, xã: Rừng Thông, Đông Thịnh, Hoằng Quang, Hoằng Đại. Trong khi đó, phường Tân Sơn sẽ nhập vào phường Phú Sơn. Sau sắp xếp, TP. Thanh Hóa có 47 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 33 phường và 14 xã.
Bản đồ hành chính tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Internet |
Tại TP. Sầm Sơn, thành lập xã Đại Hùng trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích và dân số của xã Quảng Đại và Quảng Hùng. Sau sắp xếp, TP. Sầm Sơn có 10 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 8 phường và 2 xã.
Tại thị xã Nghi Sơn, điều chỉnh một phần diện tích 1,73km² của phường Tĩnh Hải và 3,23km2 của xã Hải Yến để nhập vào phường Mai Lâm. Tiếp tục, điều chỉnh 0,45km2 và dân số 795 người của xã Hải Yến nhập vào phường Tĩnh Hải; đồng thời nhập toàn bộ 3,12km2 và 55 người của xã Hải Yến vào phường Hải Thượng. Phần dân số 4.471 người còn lại của xã Hải Yến sẽ nhập vào phường Nguyên Bình. Sau sắp xếp, thị xã Nghi Sơn có 30 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 16 phường và 14 xã.
Tại huyện Hậu Lộc, xã Phong Lộc sẽ nhập vào xã Tuy Lộc. Sau sắp xếp, huyện Hậu Lộc có 22 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 21 xã và 1 thị trấn.
Tỉnh Thanh Hóa tiến hành sắp xếp lại đơn vị hành chính. Ảnh: Internet |
Ở huyện Nga Sơn, xã Nga Hiệp sẽ thành lập trên cơ sở nhập xã Nga Bạch và Nga Trung. Sau sắp xếp, huyện Nga Sơn có 23 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 22 xã và 1 thị trấn.
Tại huyện Hoằng Hóa, xã Hoằng Phượng sẽ nhập vào xã Hoằng Giang. Sau sắp xếp, huyện Hoằng Hóa có 36 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 35 xã và 1 thị trấn.
Huyện Hà Trung sẽ thành lập xã Thái Lai trên cơ sở nhập xã Hà Thái và Hà Lai; thành lập thị trấn Hà Long từ toàn bộ diện tích và dân số của xã Hà Long; thành lập thị trấn Hà Lĩnh từ toàn bộ diện tích và dân số của xã Hà Lĩnh. Sau sắp xếp, huyện Hà Trung có 19 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 16 xã và 3 thị trấn.
Tại huyện Thạch Thành, xã Thạch Đồng sẽ nhập vào xã Thạch Long. Sau sắp xếp, huyện Thạch Thành có 24 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 22 xã và 2 thị trấn.
Tại huyện Triệu Sơn, xã Xuân Thịnh nhập vào xã Xuân Lộc; xã Thọ Vực nhập vào xã Thọ Phú. Sau sắp xếp, huyện Triệu Sơn có 32 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 30 xã và 2 thị trấn.
Ở huyện Yên Định, xã Yên Lạc sẽ nhập vào xã Yên Ninh. Sau sắp xếp, huyện Yên Định có 25 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 21 xã và 4 thị trấn.
Nghị quyết này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, khi đó tỉnh Thanh Hóa có 26 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 22 huyện, 2 thị xã và 2 thành phố; 547 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 452 xã, 63 phường và 32 thị trấn.
Trước đó vào ngày 30/7, HĐND tỉnh Thanh Hóa đã họp và ra Nghị quyết tán thành việc sáp nhập huyện Đông Sơn vào TP. Thanh Hóa. Tỉnh đồng thời cũng thành lập các phường và sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025 của TP. Thanh Hóa.
Trước khi có quyết định sáp nhập TP. Thanh Hóa hiện hữu với huyện Đông Sơn hiện hữu, đã có ý kiến đề xuất đổi tên TP. Thanh Hóa sau khi sáp nhập là TP. Đông Sơn.
Tuy nhiên, phía tỉnh Thanh Hóa cho biết, việc đổi tên gọi sẽ nảy sinh một số bất cập, lãng phí về mặt kinh tế. Bên cạnh đó, danh xưng Thanh Hóa đã có từ gần 1.000 năm xuyên suốt quá trình chia tách, mở rộng, thành lập các đơn vị hành chính.
Trải qua lịch sử, qua từng thời kỳ phát triển của tỉnh Thanh Hóa thì lỵ sở, đô thị tỉnh lỵ tên gọi Thanh Hóa vẫn không thay đổi và trở thành tên gọi mang tính nhận diện của địa phương.
Thanh Hóa là tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung Bộ, có diện tích hơn 11.000km2 và dân số 3,72 triệu người (số liệu năm 2022), là tỉnh có dân số đông nhất Việt Nam, chỉ đứng sau hai thành phố Hà Nội và TP. HCM.
Thành phố Thanh Hóa ban đầu là một thành phố cấp III (thành phố trực thuộc tỉnh) do người Pháp thành lập năm 1929, sau Cách mạng Tháng Tám thì chuyển thành thị xã Thanh Hóa. Qua quá trình phát triển và mở rộng, thành phố Thanh Hóa được thành lập vào ngày 1/5/1994 và được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Thanh Hóa ngày 29/4/2014.
Hà Nội sắp có dự án đường cao tốc vành đai hơn 56.000 tỷ, đi qua 3 tỉnh và TP
Kiểm toán Nhà nước nói gì về Dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam?