Tỉnh giáp biên có 16 cửa khẩu huy động 628.000 tỷ cho hàng chục dự án quyết trở thành nơi đáng sống
Tỉnh này nằm trong vùng Đông Nam Bộ, là vị trí cầu nối giữa TP. HCM và thủ đô Phnôm Pênh - Vương quốc Campuchia.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định số 565/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, Tây Ninh sẽ quy hoạch trở thành địa phương phát triển năng động, văn minh, có môi trường sống tốt, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, trở thành địa phương đáng đến và đáng sống.
Tỉnh này dự kiến cần huy động tổng số vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 628.000 tỷ đồng để phát triển kinh tế. Cơ cấu kinh tế của tỉnh được phân bổ với nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 11%, công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 58%, dịch vụ chiếm 25%, và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 6%.
UBND tỉnh Tây Ninh mới đây đã ban hành Quyết định số 857/QĐ-UBND ngày 26/4/2024 về Danh mục dự án thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh năm 2024. Danh mục này bao gồm: lĩnh vực đầu tư xây dựng khu đô thị 6 dự án, lĩnh vực đầu tư xây dựng nhà ở 15 dự án, lĩnh vực Khu thương mại dịch vụ và chợ 10 dự án, Lĩnh vực Giao thông vận tải 1 dự án, lĩnh vực Kho bãi xuất nhập khẩu hàng hoá 2 dự án, lĩnh vực du lịch 3 dự án và nhiều dự án thuộc các lĩnh vực y tế, giáo dục, thể thao... khác.
Tây Ninh nằm trong vùng Đông Nam Bộ, ở vị trí cầu nối giữa TP. HCM và thủ đô Phnôm Pênh, Campuchia. Tây Ninh là một trong những tỉnh nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có 16 cửa khẩu (3 cửa khẩu quốc tế gồm: Mộc Bài, Xa Mát, Tân Nam; 3 cửa khẩu chính gồm: Chàng Riệc, Kà Tum, Phước Tân và 10 cửa khẩu phụ).
>> TP. HCM mở rộng con đường độc đạo, xoá điểm đen 'tử thần' 1,6km hàng chục vụ tai nạn mỗi năm
Theo Sở Giao thông vận tải Tây Ninh, tỉnh có 8.260km đường bộ, 3 tuyến Quốc lộ 132km gồm: Đường Xuyên Á (Quốc lộ 22), Quốc lộ 22B và Quốc lộ 22B kéo dài, còn lại hệ thống đường địa phương khoảng 8.128km.
Ngoài ra, 2 tuyến vận tải đường thuỷ theo sông Sài Gòn và Vàm Cỏ Đông có tổng chiều dài 140km, 4 cảng thuỷ nội địa đang khai thác trên sông Vàm Cỏ Đông gồm: cảng Bến Kéo (cảng hàng hoá), cảng Thanh Phước (cảng hàng hoá), cảng xăng dầu LPG (cảng chuyên dùng) và cảng xi măng Fico (cảng chuyên dùng). Bên cạnh đó còn có 134 bến thuỷ nội địa (129 bến hàng hoá và 5 bến khách ngang sông).
Tỉnh đang đầu tư trung tâm logistics, cảng cạn và cảng tổng hợp Tây Ninh (xã Hưng Thuận, thị xã Trảng Bàng), quy mô 259ha, dự kiến đưa vào khai thác sử dụng giai đoạn 1 trước năm 2025; cảng thuỷ nội địa Thành Thành Công, dự kiến đưa vào khai thác sử dụng trước năm 2025.
Tuy nhiên, hạ tầng giao thông kết nối Tây Ninh với các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam quy mô nhỏ, kết nối với TP. HCM gần như chỉ có Quốc lộ 22, hiện đã xuống cấp và quá tải. Đây chính là điểm “nghẽn” hạn chế sự phát triển của tỉnh thời gian qua.
Việc tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng trọng điểm, nhất là hạ tầng giao thông góp phần thúc đẩy, dẫn dắt các ngành kinh tế khác phát triển, đặc biệt là trong giai đoạn hội nhập hiện nay. Có thể nói, với tầm nhìn chiến lược, Tây Ninh đã tạo ra đột phá để phát triển bền vững về mọi mặt, khẳng định tầm vóc, diện mạo, vị thế mới.
>> Thủ tướng ra thời hạn 'nóng' cho dự án 22.300 tỷ kéo dài qua 9 tỉnh 211 phường, xã