Vĩ mô

Tình hình giá tháng 12, quý IV và năm2023

Tổng Cục Thống Kê 29/12/2023 - 12:06

So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng Mười Hai tăng 3,58%, CPI bình quân quý IV/2023 tăng 3,54% và CPI bình quân năm 2023 tăng 3,25%, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.

Năm 2023, thị trường hàng hóa thế giới có nhiều biến động và chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố kinh tế, chính trị, xã hội. Xung đột quân sự Nga – Ucraina vẫn tiếp diễn cùng với bất ổn gia tăng tại Trung Đông. Nhiều quốc gia duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, tổng cầu suy yếu, kinh tế tăng trưởng chậm trong khi thị trường tài chính tiền tệ, bất động sản tại một số nước tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tình trạng thời tiết cực đoan diễn ra ở nhiều nơi, hạn hán kéo dài trên phạm vi rộng, bão lũ, thiên tai ở các quốc gia làm cho sản xuất và tiêu dùng lương thực mất cân đối. Lạm phát toàn cầu từ đầu năm đến nay có xu hướng giảm dần sau thời gian các nước đồng loạt tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát cùng với giá năng lượng giảm. Nhưng so với mục tiêu dài hạn, mức lạm phát hiện tại vẫn ở mức cao đối với nhiều quốc gia. Lạm phát của Mỹ tháng 11/2023 tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 5,25%-5,5% trong nhiều tháng liên tiếp nhằm đưa lạm phát về mức mục tiêu. Trong tháng 11/2023, lạm phát của khu vực đồng Euro tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước; Pháp tăng 3,5%; Đức tăng 3,2%. Tại châu Á, lạm phát tháng 11/2023 của Lào tăng 25,24%; Ấn Độ tăng 5,55%; Phi-lip-pin tăng 4,1%; Hàn Quốc tăng 3,3%; In-đô-nê-xi-a tăng 2,86%. Việt Nam tiếp tục thuộc nhóm các nước kiểm soát tốt lạm phát khi CPI tháng 12/2023 tăng 3,58% so với tháng 12/2022.

Trong nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động, quyết liệt, sát sao chỉ đạo các Bộ, ngành triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Nhiều giải pháp được tích cực triển khai như: Giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định thị trường ngoại hối; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; triển khai các gói tín dụng hỗ trợ các ngành, lĩnh vực; giảm thuế giá trị gia tăng với một số nhóm hàng hóa và dịch vụ từ 10% xuống 8% từ ngày 01/7/2023; giảm thuế môi trường với nhiên liệu bay; miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất, hỗ trợ doanh nghiệp; gia hạn visa cho khách du lịch; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản; công tác an sinh xã hội được quan tâm thực hiện. Theo đó, thị trường các mặt hàng thiết yếu không có biến động bất thường, nguồn cung được bảo đảm, giá hàng hóa tăng giảm đan xen. Bình quân năm 2023, CPI tăng 3,25% so với năm 2022; lạm phát cơ bản tăng 4,16%.

PHẦN I. CHỈ SỐ GIÁ TIÊU DÙNG

Một số địa phương tăng giá dịch vụ y tế theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT, tăng học phí theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, giá điện sinh hoạt tăng do Tập đoàn Điện lực Việt Nam điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và giá gạo trong nước tiếp tục tăng theo giá gạo xuất khẩu là những nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2023 tăng 0,12% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng Mười Hai tăng 3,58%, CPI bình quân quý IV/2023 tăng 3,54% và CPI bình quân năm 2023 tăng 3,25%, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.

I. CHỈ SỐ GIÁ TIÊU DÙNG THÁNG 12 NĂM 2023

So với tháng trước, CPI tháng 12/2023 tăng 0,12% (khu vực thành thị tăng 0,04%, khu vực nông thôn tăng 0,2%). Có 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có chỉ số giá tháng Mười Hai tăng so với tháng trước. Trong đó, nhóm thuốc và dịch vụ y tế tháng 12/2023 tăng 2,15% so với tháng trước làm CPI chung tăng 0,12 điểm phần trăm. Nguyên nhân chủ yếu do các địa phương triển khai áp dụng giá dịch vụ y tế mới theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT ngày 17/11/2023 của Bộ Y tế. Nhóm giáo dục tăng 0,44% do một số trường công lập tăng học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục trung học cơ sở, giáo dục phổ thông trên địa bàn theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và một số trường đại học, cao đẳng dân lập, tư thục cũng tăng học phí năm học 2023-2024 để bảo đảm thu chi thường xuyên. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,43%, tác động làm tăng CPI chung 0,08 điểm phần trăm, chủ yếu do giá điện sinh hoạt tăng 1,05%[1] khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân từ ngày 09/11/2023 và giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,59%; giá dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng 0,44%. Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,26%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,14%, chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng, đặc biệt vào dịp Giáng sinh, Tết Dương lịch và chuẩn bị cho Tết Nguyên đán sắp tới. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,11%, tác động làm CPI chung tăng 0,04 điểm phần trăm, trong đó nhóm lương thực tăng 1,75% do giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu; nhóm thực phẩm giảm 0,16% do giá thịt lợn giảm 0,81%; nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 0,07%. Chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tháng 12/2023 tăng 0,09% so với tháng trước; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,09%; nhóm bưu chính, viễn thông tăng 0,02%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,31%.

Ở chiều ngược lại, nhóm giao thông tháng Mười Hai giảm 1,88% so với tháng trước, chủ yếu do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu trong nước làm cho chỉ số giá xăng giảm 5,31%; chỉ số giá dầu diezen giảm 7,61%.

So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 12/2023 tăng 3,58%. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 10 nhóm tăng giá, riêng nhóm bưu chính, viễn thông giảm 1,36% do giá điện thoại cố định và di động giảm.

Các nhóm hàng có chỉ số giá tháng 12/2023 tăng so với cùng kỳ năm trước như sau: Nhóm giáo dục tăng 8,36%, làm CPI chung tăng 0,52 điểm phần trăm, nguyên nhân do một số địa phương tăng học phí trường công lập năm học 2023-2024 theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Đồng thời, các trường dân lập và tư thục cũng tăng học phí để bù đắp chi phí hoạt động thường xuyên, nâng cao chất lượng đào tạo. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 5,67%, làm CPI chung tăng 1,07 điểm phần trăm do giá vật liệu xây dựng và giá nhà ở thuê tăng. Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 5,53% do giá dịch vụ y tế được điều chỉnh theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT ngày 17/11/2023 của Bộ Y tế. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,93%, tác động làm CPI chung tăng 0,98 điểm phần trăm, trong đó nhóm lương thực tăng 14,66%; thực phẩm tăng 0,7%; ăn uống ngoài gia đình tăng 3,77%. Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 2,46% làm CPI chung tăng 0,07 điểm phần trăm do chi phí đầu vào sản xuất tăng. Nhóm giao thông tăng 2,57%, làm CPI chung tăng 0,25 điểm phần trăm. Bên cạnh đó, nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tháng Mười Hai tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,37%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,22%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 6,11% do giá dịch vụ hành chính, pháp lý tăng ở một số địa phương.

Chỉ số giá vàng

Giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới. Tính đến ngày 25/12/2023, bình quân giá vàng thế giới ở mức 2.040,77 USD/ounce, tăng 2,93% so với tháng 11/2023 do FED quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 5,25%-5,5% và dự kiến có ba đợt giảm lãi suất trong năm 2024. Bên cạnh đó, những khó khăn đến từ thị trường chứng khoán cùng nhu cầu dự trữ vàng của các ngân hàng Trung ương và khu vực châu Á trong dịp cuối năm cũng là nguyên nhân tác động đến giá vàng trên thế giới. Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 12/2023 tăng 3,98% so với tháng trước; tăng 13,13% so với cùng kỳ năm trước; bình quân năm 2023 tăng 4,16%.

Chỉ số giá đô la Mỹ

Trên thế giới, giá đồng đô la Mỹ có xu hướng giảm khi triển vọng kinh tế toàn cầu đang suy yếu. Tính đến ngày 25/12/2023, chỉ số đô la Mỹ trên thị trường quốc tế đạt mức 102,94 điểm, giảm 2,02% so với tháng trước. Trong nước, giá đô la Mỹ bình quân trên thị trường tự do quanh mức 24.426 VND/USD. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 12/2023 giảm 0,56% so với tháng trước; tăng 1,04% so với cùng kỳ năm trước; bình quân năm 2023 tăng 1,86%.

II. CHỈ SỐ GIÁ TIÊU DÙNG QUÝ IV NĂM 2023

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân quý IV năm 2023 tăng 3,54% so với cùng kỳ năm 2022.

1. Các yếu tố làm tăng CPI trong quý IV năm 2023

– Giá nhóm lương thực quý IV/2023 tăng 13,07% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung tăng 0,48 điểm phần trăm, trong đó giá gạo tăng 15,87% làm CPI chung tăng 0,4 điểm phần trăm; bột mỳ và ngũ cốc khác tăng 11,61%.

– Giá dịch vụ giáo dục quý IV tăng 8,33% so với cùng kỳ năm trước do một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tăng học phí năm học mới 2023-2024, tác động làm CPI chung tăng 0,45 điểm phần trăm.

– Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở quý IV tăng 2,23% so với cùng kỳ năm 2022 do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, góp phần làm CPI chung tăng 0,05 điểm phần trăm.

– Giá dịch vụ y tế quý IV tăng 3,61% so với cùng kỳ năm trước do giá khám chữa bệnh được điều chỉnh theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT ngày 17/11/2023 của Bộ Y tế.

– Giá đồ uống và thuốc lá quý IV năm nay tăng 2,69% so với quý IV/2022 do chi phí vận chuyển tăng, tác động làm CPI chung tăng 0,07 điểm phần trăm.

– Giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 33,76% do nhu cầu đi lại, du lịch của người dân tăng so với cùng kỳ năm trước.

2. Các yếu tố làm giảm CPI trong quý IV năm 2023

– Giá thịt lợn quý IV/2023 giảm 1,84% so với cùng kỳ năm trước do chịu tác động của dịch tả lợn châu Phi tại một số địa phương và nhu cầu tiêu dùng của người dân không cao, tác động làm CPI chung giảm 0,06 điểm phần trăm.

– Giá bưu chính, viễn thông quý IV/2023 giảm 1,37% so với quý IV/2022, làm CPI chung giảm 0,04 điểm phần trăm.

III. CHỈ SỐ GIÁ TIÊU DÙNG NĂM 2023

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2023 tăng 3,25% so với năm 2022, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.

1. Các yếu tố làm tăng CPI trong năm 2023

– Chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 7,44% so với năm trước do một số địa phương tăng học phí năm học 2023-2024 theo lộ trình của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, tác động làm CPI chung tăng 0,46 điểm phần trăm.

– Chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 6,58% so với năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,24 điểm phần trăm, do giá xi măng, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, cùng với đó giá thuê nhà ở tăng cao.

– Chỉ số giá nhóm lương thực tăng 6,85% tác động làm CPI chung tăng 0,25 điểm phần trăm. Trong đó, giá gạo tăng 6,77% theo giá gạo xuất khẩu, tác động làm CPI chung tăng 0,17 điểm phần trăm. Chỉ số giá nhóm thực phẩm tăng 2,33%, chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng tăng trong các dịp Lễ, Tết, tác động làm CPI chung tăng 0,5 điểm phần trăm.

– Chỉ số giá nhóm điện sinh hoạt tăng 4,86%, tác động làm CPI chung tăng 0,16 điểm phần trăm do nhu cầu sử dụng điện tăng cùng với từ ngày 04/5/2023 và ngày 09/11/2023, EVN điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.

– Chỉ số giá nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 3,29% so với năm trước, tác động làm CPI chung tăng 0,09 điểm phần trăm, do nguyên liệu sản xuất và chi phí nhân công tăng.

– Chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế năm 2023 tăng 1,23% so với năm 2022 do giá dịch vụ y tế được điều chỉnh theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT ngày 17/11/2023 của Bộ Y tế.

– Chỉ số giá nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 4,65% so với năm trước, tác động làm CPI tăng 0,16 điểm phần trăm, chủ yếu do từ tháng 7/2023, dịch vụ bảo hiểm y tế tăng theo mức lương cơ sở mới.

2. Các yếu tố làm giảm CPI trong năm 2023

– Chỉ số giá nhóm xăng dầu trong nước năm 2023 giảm 11,02% so với năm 2022 theo biến động của giá thế giới, làm CPI chung giảm 0,4 điểm phần trăm; chỉ số giá nhóm dầu hỏa giảm 10,02%.

– Chỉ số giá nhóm gas giảm 6,94% so với năm 2022, làm CPI chung giảm 0,1 điểm phần trăm.

– Chỉ số giá nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,81% so với năm trước do giá điện thoại di động thế hệ cũ giảm.

– Để chủ động ứng phó với những thách thức trước áp lực lạm phát gia tăng, trong thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp bình ổn giá, hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế -xã hội và qua đó giúp kiềm chế lạm phát của năm 2023.

IV. LẠM PHÁT CƠ BẢN

Lạm phát cơ bản[2] tháng 12/2023 tăng 0,17% so với tháng trước, tăng 2,98% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,16% so với năm 2022, cao hơn mức tăng CPI bình quân chung (tăng 3,25%). Nguyên nhân chủ yếu do bình quân giá xăng dầu trong nước năm 2023 giảm 11,02% so với năm trước, giá gas giảm 6,94% là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

[1] Chỉ số giá điện sinh hoạt tháng 12/2023 phản ánh biến động trễ một tháng so với các mặt hàng khác do được tính dựa trên doanh thu và sản lượng tiêu dùng của tháng 11/2023.

[2] CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống, năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và giáo dục.

CPI năm 2023 tăng thấp 3,25%, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra

CPI Mỹ tháng 11 tăng đúng như dự báo, nhiều khả năng Fed sẽ tiếp tục giữ nguyên lãi suất

Chứng khoán thế giới ngóng tin CPI Mỹ và cuộc họp FOMC

Theo Tổng Cục Thống Kê
https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2023/12/thong-cao-bao-chi-ve-tinh-hinh-gia-thang-12-quy-iv-va-nam-2023/
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Tình hình giá tháng 12, quý IV và năm2023
POWERED BY ONECMS & INTECH