Tỉnh miền núi vùng Tây Bắc Bộ sở hữu 2 hang đá vừa được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt
Hai hang đá này lần lượt được công nhận là di tích khảo cổ học cấp quốc gia vào năm 2001 và 2004.
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã ký Quyết định số 694/QĐ-TTg xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt (đợt 15) cho ba di tích, trong đó có di tích khảo cổ Hang Xóm Trại và Mái Đá Làng Vành thuộc huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng - ông Lê Thành Long cũng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Chủ tịch UBND các cấp tại tỉnh Hòa Bình thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với di tích này, theo đúng quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Theo thông tin tìm hiểu, di tích Mái Đá Làng Vành là một di tích khảo cổ học thời đại đá tiêu biểu thuộc nền văn hóa Hòa Bình.
Di tích này được nữ khảo cổ học người Pháp M. Colani phát hiện và khai quật từ năm 1929, cách đây gần 100 năm. Di tích đã được xếp hạng là di tích khảo cổ cấp quốc gia vào năm 2004.
Đến thời điểm hiện tại, mái đá Làng Vành vẫn giữ được phần nào tầng văn hóa gốc, và trên vách mái đá còn lưu lại nhiều lớp trầm tích từ kỷ đệ tứ.
Đối với di tích Hang Xóm Trại, đây là hang đá được phát hiện vào năm 1975, là một ví dụ tiêu biểu của văn hóa Hòa Bình không chỉ ở Việt Nam mà còn ở Đông Nam Á. Hang này có niên đại khoảng 21.000 năm và đã được xếp hạng là di tích khảo cổ học cấp quốc gia vào năm 2001.
Qua nhiều lần điều tra, thám sát và khai quật hang đá này, các nhà nghiên cứu đã phát hiện một khối lượng tư liệu khổng lồ, bao gồm vỏ nhuyễn thể, xương răng thú, di cốt người, gốm và đặc biệt là hàng nghìn di vật đá.
Cho đến nay, Hang Xóm Trại vẫn được coi là di tích văn hóa Hòa Bình có bộ sưu tập công cụ đá phong phú nhất. Mặc dù số lượng công cụ tìm thấy qua các đợt khai quật (1980, 1981, 1982, 1986) không lớn, nhưng chúng vẫn đóng góp quan trọng vào việc hiểu biết về công cụ đá của thời kỳ này.
Được biết, ngoài di tích khảo cổ Hang Xóm Trại và Mái Đá Làng Vành, 2 di tích còn lại được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt trong đợt xếp hạng này là di tích khảo cổ Vĩnh Hưng (huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) và di tích lịch sử các địa điểm khởi nghĩa Trương Định (thị xã Gò Công, huyện Gò Công Đông và huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang).
Hòa Bình là một tỉnh miền núi thuộc vùng Tây Bắc Bộ, Việt Nam. Tỉnh này có diện tích lớn thứ 29/63 tỉnh thành của Việt Nam và đông thứ 49/63 về số dân. Theo số liệu từ Sở Du lịch Hoà Bình, năm 2023 toàn tỉnh đón 3.800.000 lượt khách tham quan du lịch, so với cùng kỳ năm trước tăng 21,5%, đạt 108,6% kế hoạch năm.
>> Hé lộ dự án sẽ làm ‘át chủ bài’ giúp Khang Điền (KDH) tăng lợi nhuận vào nửa cuối năm 2024
Huyện sắp lên quận TP. Hà Nội: Giá đất có nơi lên tới gần 100 triệu đồng/m2
Khu kinh tế quy mô bậc nhất Việt Nam ‘mở cửa’ đón đô thị 6.000 tỷ đồng