Tỉnh nhỏ nhất Đông Nam Bộ tương lai là thành phố trực thuộc Trung ương, giao thông phát triển vượt bậc với 3 sân bay
Địa phương phấn đấu đến năm 2030 sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đồng thời tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện hệ thống giao thông theo hướng hiện đại.
Theo quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030, tỉnh sẽ trở thành một trong những khu vực động lực phát triển quan trọng của vùng Đông Nam Bộ. Bà Rịa - Vũng Tàu không chỉ là trung tâm kinh tế biển quốc gia mà còn thuộc nhóm 4 địa phương dẫn đầu về phát triển kinh tế biển trên cả nước. Đồng thời, tỉnh dự kiến đạt đủ tiêu chuẩn trở thành đô thị trực thuộc Trung ương, với cơ cấu đô thị đa trung tâm và hệ thống hạ tầng giao thông đa phương thức.
Sau năm 2030, thành phố Bà Rịa, trung tâm hành chính của tỉnh, sẽ là hạt nhân của khu vực dự kiến được thành lập thành phố Bà Rịa - Vũng Tàu trực thuộc Trung ương.
Một góc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Internet |
Đến năm 2050, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ khẳng định vai trò là trung tâm kinh tế biển quốc gia, trung tâm dịch vụ hàng hải của khu vực Đông Nam Á, điểm đến du lịch chất lượng cao tầm cỡ quốc tế và là một trong những trung tâm công nghiệp lớn của vùng Đông Nam Bộ.
Tỉnh đặt mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông hiện đại, môi trường sống an toàn, trong lành, và xã hội hài hòa với thiên nhiên. Đồng thời, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các bon thấp, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng "0".
Về kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông, với đường bộ, bên cạnh các tuyến đường hiện hữu, quy hoạch cũng đề cập bổ sung 10 tuyến đường tỉnh.
Theo đó, tỉnh sẽ điều chỉnh một số tuyến đường hiện hữu, nâng cấp và đầu tư các đoạn mở mới để hình thành mạng lưới giao thông thông suốt. Các tuyến đường này bao gồm: ĐT.992B (đường Phước Hòa - Cái Mép); ĐT.992C (đường 965); ĐT.994B (đường trục chính Bà Rịa - Vũng Tàu); ĐT.994C (đoạn đường Quốc lộ 51 chuyển thành đường địa phương); ĐT.994D (đường 30/4); ĐT.994E (đường Hoàng Sa); ĐT.995C (Nghĩa Thành - Cù Bị); ĐT.996D (Châu Đức-Long Điền); ĐT.999B (Hồ Cốc - Hòa Hiệp); đường vòng huyện Côn Đảo.
>> Hiện trạng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu qua địa bàn Đồng Nai
Về phát triển đường sắt, tỉnh sẽ xây dựng tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tỉnh sẽ phát triển giao thông đường hàng không với 3 sân bay. Ảnh minh họa |
Sau năm 2030, tỉnh nghiên cứu đầu tư xây dựng 3 tuyến đường sắt đô thị. Tuyến số 1: hoạt động chính trên đường ven biển và bao quanh khu nội thành của thành phố Vũng Tàu; Tuyến số 2: Kết nối các đô thị ven biển Vũng Tàu, Long Hải, Phước Hải, Hồ Tràm, Bình Châu; Tuyến số 3: Kết nối Vũng Tàu - Bà Rịa - Phú Mỹ (tuyến này có phương án kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành và thành phố Nhơn Trạch thuộc tỉnh Đồng Nai).
Về phát triển đường hàng không, quy hoạch cũng đề cập phát triển cảng hàng không Côn Đảo theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ngoài ra, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng quy hoạch 2 sân bay chuyên dùng, đó là sân bay Gò Găng (thay thế sân bay Vũng Tàu hiện nay để chuyển sang mục đích phát triển thương mại dịch vụ) và sân bay Đất Đỏ, bên cạnh sân bay Côn Đảo.
Việc thực hiện các dự án này không chỉ giúp Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển thành trung tâm kinh tế và đô thị lớn, mà còn tạo nền tảng để thúc đẩy du lịch, công nghiệp và giao thông thông minh. Với những bước đi bài bản và chiến lược, tỉnh sẽ không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần định hình một đô thị hiện đại và bền vững trong tương lai.
Đông Nam Bộ gồm 6 tỉnh, thành là TP. HCM, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng diện tích hơn 23.500km2. Trong đó, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhỏ nhất với diện tích hơn 1.980km2. |
>> Bà Rịa - Vũng Tàu đấu giá 2 khu đất xây bệnh viện, giá khởi điểm hơn 500 tỷ đồng