Tỉnh nhỏ nhất Vùng Thủ đô có 2 đô thị di sản

27-03-2024 16:57|Nhật Linh

Tỉnh này có 2 đô thị di sản nằm chuỗi đô thị di sản Vùng Thủ đô.

Vùng Thủ đô có tổng diện tích khoảng hơn 24.000km2, gồm 10 tỉnh, thành phố là Hà Nội và 9 tỉnh xung quanh: Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình và Phú Thọ. Trong đó, Bắc Ninh là tỉnh nhỏ nhất. Vùng Thủ đô được xác định sẽ trở thành vùng kinh tế tổng hợp lớn của quốc gia và khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Theo PGS.TS Lưu Đức Hải - Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng, tỉnh Bắc Ninh có 2 đô thị di sản nằm chuỗi đô thị di sản Vùng Thủ đô gồm: Luy Lâu (thị xã Thuận Thành) và Vũ Ninh (thị xã Quế Võ) cần được bảo tồn và phát huy giá trị.

Khu lăng mộ và đền thờ Kinh Dương Vương, nằm trong cụm di tích Kinh Dương Vương (thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh)

Khu lăng mộ và đền thờ Kinh Dương Vương, nằm trong cụm di tích Kinh Dương Vương (thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh)

Đô thị di sản Vũ Ninh

Theo sử sách ghi lại, vào thế kỷ VI, Triệu Việt Vương dời kinh đô của nhà nước Vạn Xuân từ Long Biên về Vũ Ninh, nay là thị xã Quế Võ. Năm 1086 đến năm 1094 thì xây chùa Dạm. Thời 12 sứ quân, vùng đất thuộc châu Vũ Ninh do Dương Huy rồi Nguyễn Thủ Tiệp cai quản. Vào thời nhà Lý, địa phận huyện Quế Võ ngày nay thuộc châu Vũ Ninh. Thời thuộc Minh là huyện Vũ Ninh thuộc châu Vũ Ninh, phủ Bắc Giang.

Đến thời Lê Thánh Tông là các huyện Quế Dương và Võ Giàng, là hai trong năm huyện của phủ Từ Sơn, thuộc thừa tuyên Kinh Bắc. Đến đầu đời Lê Trung Hưng (năm 1533), vì kiêng húy của vua Lê Trang Tông (Lê Duy Ninh) nên đổi huyện Vũ Ninh thành Vũ Giang, sau lại kiêng húy của Uy Nam vương Trịnh Giang nên đọc chệch âm là Vũ Giàng hay Võ Giàng.

Năm 1962, huyện Quế Dương và Võ Giàng được sáp nhập thành huyện Quế Võ. Khi mới hợp nhất, huyện Quế Võ gồm có 24 xã: Bằng An, Bồng Lai, Cách Bi, Châu Phong, Chi Lăng, Cộng Lạc, Đại Phúc, Đại Xuân, Đức Long, Đức Thành, Hán Quảng, Kim Chân, Mộ Đạo, Nam Sơn, Ngọc Xá, Nhân Hòa, Phù Lãng, Phù Lương, Phượng Mao, Quốc Tuấn, Tân Dân, Vân Dương, Việt Hùng, Việt Thống. Riêng xã Võ Cường được tách về huyện Tiên Sơn, từ năm 1985 chuyển về trực thuộc thị xã Bắc Ninh (nay là phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh).

Sơ đồ tổ chức không gian Quy hoạch phân khu được lập trên trọn địa giới hành chính của 3 xã Phù Lãng – Châu Phong – Đức Long, thị xã Quế Võ

Sơ đồ tổ chức không gian Quy hoạch phân khu được lập trên trọn địa giới hành chính của 3 xã Phù Lãng – Châu Phong – Đức Long, thị xã Quế Võ

Trải qua nhiều lần điều chỉnh địa giới hành chính và sát nhập, huyện Quế Võ còn lại 21 xã: Bằng An, Bồng Lai, Cách Bi, Châu Phong, Chi Lăng, Đại Xuân, Đào Viên, Đức Long, Hán Quảng, Mộ Đạo, Ngọc Xá, Nhân Hòa, Phù Lãng, Phù Lương, Phương Liễu, Phượng Mao, Quế Tân, Việt Hùng, Việt Thống, Yên Giả và thị trấn Phố Mới như hiện nay. Cũng như Luy Lâu, Vũ Ninh thị xã Quế Võ ngày nay, là một trong các đô thị di sản thuộc Vùng Thủ đô.

Đô thị di sản Luy Lâu

Lịch sử Việt Nam từ thời Kinh Dương Vương cho đến Ngô Quyền, việc chọn đô thị có xu hướng theo trục kinh đô hóa - đô thị hóa hướng Đông - Tây. Từ Bắc Ninh đến Phong Châu (Bạch Hạc), qua Cổ Loa, Mê Linh, rồi quay lại Bắc Ninh và lại về Cổ Loa.

Trong đó, vị trí của vùng Bắc Ninh đóng vai trò rất quan trọng, có Kinh đô Cổ Loa thời An Dương Vương, Ngô Quyền và Luy Lâu. Có nhiều thời điểm, nơi đây được chọn để định đô và là một trung tâm kinh tế, xã hội lớn nhiều thời. Thông qua khai quật khảo cổ học, đây cũng là nơi tìm được mảnh khuôn đúc trống đồng Đông Sơn bằng đất nung duy nhất ở nước ta, chứng tỏ vào thời Đông Sơn đây là một trung tâm văn minh lớn, đồng thời khẳng định sức sống mạnh mẽ của nền văn hóa Đông Sơn.

Theo sử sách ghi lại, Luy Lâu địa danh gắn với toà thành cổ - thành Luy Lâu, là nơi đầu tiên mà Phật Giáo từ Ấn Độ đã truyền bá sang ta trên đất quận Giao Chỉ thời thuộc Hán.

Vào thế kỷ thứ II sau CN, những đoàn thuyền buôn của thương nhân Ấn Độ đầu tiên đã đến buôn bán tại Luy Lâu; đi theo họ còn có những tăng lữ Phật Giáo, để rồi con đường buôn cũng trở thành con đường truyền giáo. Đạo Phật theo con đường này vào Việt Nam. Như vậy, có thể khẳng định trung tâm Phật Giáo đầu tiên của nước ta là vùng Dâu với khu di tích khảo cổ học thành Luy Lâu, chùa Dâu và quần thể di tích thờ Tứ Pháp,…

Di tích quốc gia đặc biệt chùa Dâu

Di tích quốc gia đặc biệt chùa Dâu

Minh chứng rõ hơn là Phật tích, chứng tích trong chùa Dâu; bộ ván in và cuốn "Cổ Châu Phật Bản Hạnh" được ấn hành, đã xác định nhiều chi tiết cho biết đây là đô thị trung tâm của những thế kỷ II, III.

Một điểm nhấn quan trong trong điển tích lịch sử đó là, nơi đây còn là địa danh duy nhất của nước ta có một ngôi đền thờ 3 vị thuỷ tổ của người Việt là Kinh Dương Vương; Lạc Long Quân và Âu Cơ. Đây cũng là điều đặc biệt riêng có trong bản sắc văn hoá lịch sử của tỉnh Bắc Ninh mà không nơi nào có được.

Vì thế, trong điều chỉnh quy hoạch Vùng Thủ đô, đô thị di sản Luy Lâu tức thị xã Thuận Thành (ngày nay), hứa hẹn nhiều khả năng là khu du lịch văn hóa lịch sử về nguồn, khu tâm linh lớn và quan trọng nhất nước Việt Nam ta, với gần 5.000 năm lịch sử.

>> Tỉnh duy nhất Việt Nam nằm trong Vùng Thủ đô nhưng không tiếp giáp Thủ đô, diện tích tự nhiên gần 2.000km2

Ngôi chùa nằm ở tỉnh nhỏ nhất Việt Nam có tòa tháp nắm giữ 2 kỷ lục thế giới

Tỉnh nhỏ nhất Việt Nam nhưng giàu thứ 6 cả nước, từng được tỷ phú Bill Gates ghé thăm

Theo Chất lượng và cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/tinh-nho-nhat-vung-thu-do-co-2-do-thi-di-san-d119037.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Tỉnh nhỏ nhất Vùng Thủ đô có 2 đô thị di sản
    POWERED BY ONECMS & INTECH