Tỉnh nhỏ thứ 2 cả nước sắp lên TP trực thuộc Trung ương, sẽ có thêm một thành phố và loạt khu công nghiệp

29-04-2024 19:18|Thảo Đan

Tỉnh này sẽ là TP trực thuộc Trung ương, là tung tâm hậu cần về công nghiệp, công nghệ cao, y tế... vùng đồng bằng sông Hồng.

Theo Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nam đến năm 2030 phấn đấu đạt mức phát triển khá của Vùng đồng bằng sông Hồng với tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân đạt khoảng 11,2 %/năm; GRDP bình quân đầu người đạt trên 230 triệu đồng; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt trên 21.000 tỷ đồng; tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 60%; 70% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và phấn đấu có ba huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Đến năm 2050, Hà Nam trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đô thị thông minh, hiện đại; là trung tâm hậu cần về công nghiệp, công nghệ cao, y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục đào tạo, dịch vụ du lịch, thương mại của vùng đồng bằng sông Hồng.

Hà Nam sẽ tổ chức các hoạt động kinh tế, xã hội theo ba vùng, gồm: Vùng đô thị trung tâm - dịch vụ chất lượng cao - công nghiệp công nghệ cao - đào tạo nguồn nhân lực gồm toàn bộ TP. Phủ Lý, thị xã Duy Tiên và một phần huyện Thanh Liêm); vùng đô thị - sinh thái - công nghiệp (phía tây) là khu vực phía tây sông Đáy phần lớn thuộc địa bàn huyện Kim Bảng và khu vực phía tây sông Đáy của huyện Thanh Liêm và vùng cảnh quan nông nghiệp - công nghiệp, công nghệ cao là khu vực phía đông và phía nam của tỉnh, chủ yếu thuộc địa bàn các huyện Lý Nhân, Bình Lục và một phần huyện Thanh Liêm.

>> Tỉnh là cửa ngõ Thủ Đô sắp lên thành phố trực thuộc Trung ương: Vừa hút 11 dự án đầu tư, trong đó 4 dự án FDI

Về hành lang phát triển kinh tế chủ yếu của tỉnh, Hà Nam có hành lang kinh tế Bắc - Nam chạy dọc theo đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình và Quốc lộ 1 với chức năng chính là phát triển đô thị, công nghiệp, dịch vụ, logistics; và hành lang kinh tế Đông - Tây hình thành theo tuyến đường vành đai 5, Thủ đô Hà Nội với chức năng chính là phát triển du lịch, đô thị, công nghiệp, dịch vụ, logistics, kinh tế nông nghiệp.

Tỉnh Hà Nam có diện tích 860,5km², trên bản đồ Việt Nam, đây là tỉnh nhỏ thứ 2 nước ta (sau tỉnh Bắc Ninh 822,71km2).

Kỷ niệm 60 năm giải phóng Phủ Lý (3/7/1954- 3/7/2014) Vóc dáng 60 năm

TP. Phủ Lý

Quy hoạch cũng đưa ra định hướng sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Cụ thể, đối với đơn vị hành chính cấp huyện, Hà Nam không có đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện phải sắp xếp.

Đối với đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn, TP. Phủ Lý dự kiến sắp xếp: Sáp nhập xã Tiên Hiệp với xã Tiên Tân thành lập một phường mới; sáp nhập xã Tiên Hải với phường Lam Hạ thành lập một phường mới; sáp nhập 4 phường Minh Khai, Lương Khánh Thiện, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo thành một phường mới; sáp nhập xã Liêm Tuyền với xã Liêm Tiết thành lập một phường mới; sáp nhập xã Liêm Chung với phường Liêm Chính thành lập một phường mới.

Thị xã Duy Tiên dự kiến sáp nhập xã Mộc Bắc và xã Mộc Nam thành một xã mới. Huyện Kim Bảng dự kiến sáp nhập xã Nhật Tựu với xã Nhật Tân thành lập một phường mới. Huyện Bình Lục dự kiến sáp nhập xã Bối Cầu với xã Hưng Công và xã An Nội thành một xã mới.

Về quy hoạch hệ thống đô thị, đến năm 2030, tỉnh Hà Nam có 9 đô thị, gồm: TP. Phủ Lý phấn đấu đạt tiêu chí đô thị loại I, trong đó tập trung xây dựng phát triển đô thị Bắc Châu Giang là đô thị xanh, thông minh, có hạ tầng hiện đại, hạt nhân phát triển của TP. Phủ Lý và đồng thời là trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh;

Thị xã Duy Tiên là đô thị loại III tiến tới thành lập TP. Duy Tiên; huyện Kim Bảng là thị xã, cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại III; các đô thị loại V (Phố Cà, Nhân Mỹ, Hòa Hậu, Thái Hà) sẽ được tập trung đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng làm tiền đề xây dựng hai đô thị loại IV cấp tỉnh: Đô thị Thanh Liêm, đô thị Lý Nhân (tiến tới thành lập thị xã);

2 đô thị loại IV thuộc huyện Bình Lục: thị trấn Bình Mỹ (mở rộng theo phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã), đô thị Chợ Sông (thành lập thị trấn); các đô thị loại V (An Lão, Tiêu Động) được hoàn thiện cơ sở hạ tầng và phát triển, hướng tới phát triển và nâng cấp đô thị trên địa bàn huyện Bình Lục.

Tỉnh sẽ xây dựng và thành lập mới 4 khu công nghiệp (KCN) đã được chấp thuận bổ sung quy hoạch (Kim Bảng I, Châu Giang I, Đồng Văn V, Đồng Văn VI); sáp nhập cụm công nghiệp (CCN) Châu Giang vào KCN Châu Giang I và CCN Lê Hồ vào KCN Kim Bảng I khi có đủ các điều kiện theo quy định.

Đến năm 2030, Hà Nam ưu tiên thành lập mới, mở rộng phát triển các khu công nghiệp gồm: Kim Bảng II, Kim Bảng III, Kim Bảng IV, Thanh Bình I (Thanh Bình IA, Thanh Bình IB, Thanh Bình IC), Thanh Bình II, Bình Lục, Thái Hà III.

Các KCN Châu Giang II, Thái Hà II, Đạo Lý sẽ được thành lập mới tùy theo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội thực tế của địa phương trong thời kỳ quy hoạch.

>> Sắp có đường cao tốc nối liền Hà Nam với Nam Định

Sắp có đường cao tốc nối liền Hà Nam với Nam Định

Tỉnh nhỏ thứ 2 cả nước xây dựng khu công nghệ cao, rộng hơn một quận trung tâm Hà Nội

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/tinh-nho-thu-2-ca-nuoc-sap-len-tp-truc-thuoc-trung-uong-se-co-them-mot-thanh-pho-va-loat-khu-cong-nghiep-232841.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Tỉnh nhỏ thứ 2 cả nước sắp lên TP trực thuộc Trung ương, sẽ có thêm một thành phố và loạt khu công nghiệp
    POWERED BY ONECMS & INTECH