Tính đến ngày 20/3, toàn tỉnh có 972 dự án đầu tư còn hiệu lực hoạt động, với vốn đăng ký đầu tư hơn 145.500 tỷ đồng, quy mô diện tích hơn 104.300ha.
Chiều 10/4, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong quý I/2024, nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội địa phương đạt và vượt so với kế hoạch và cùng kỳ năm 2023: Tổng sản phẩm GRDP tăng 3% so cùng kỳ năm ngoái, tổng kim ngạch xuất khẩu hơn 222 triệu USD, tăng 5,1%; khách du lịch tăng 11% so cùng kỳ năm 2023…
Tuy nhiên, trong quý I, toàn tỉnh chỉ có 277 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký 1.138 tỷ đồng, giảm 10,4% về số doanh nghiệp và giảm 38,1% về vốn đăng ký so cùng kỳ 2023; sản xuất kinh doanh một số ngành, lĩnh vực còn nhiều khó khăn; thu ngân sách chưa đạt yêu cầu; giải ngân vốn đầu tư công thấp, đạt 9,1% kế hoạch; tiến độ các công trình trọng điểm chưa bảo đảm yêu cầu…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng thông tin, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh quý I đạt được nhiều kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực, hoạt động xuất khẩu có dấu hiệu hồi phục; các nhiệm vụ lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được chú trọng và phát triển; chuyển đổi số được quan tâm; an ninh chính trị được giữ vững…
Tuy nhiên, tỉnh vẫn còn có 11 hạn chế, trong đó, tình hình phát triển kinh tế không đáp ứng yêu cầu, thể hiện 3 tiêu chí rất quan trọng là thu ngân sách, tỷ trọng tăng trưởng so với cả nước, cả quý I không thu hút được nhà đầu tư nào đến Lâm Đồng.
Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, quý I/2024, tỉnh không có dự án đầu tư cấp mới; có 7 dự án điều chỉnh nội dung đầu tư, gồm 4 dự án trong khu công nghiệp, 3 dự án ngoài khu công nghiệp, tổng vốn điều chỉnh tăng 3.528 tỷ đồng; 3 dự án chấm dứt hoạt động đầu tư, với số vốn đăng ký 57 tỷ đồng.
Tính đến ngày 20/3, toàn tỉnh Lâm Đồng có 972 dự án đầu tư còn hiệu lực hoạt động, với vốn đăng ký đầu tư hơn 145.500 tỷ đồng, quy mô diện tích hơn 104.300ha.
Trong đó, có 99 dự án vốn nước ngoài (FDI), vốn đăng ký đầu tư hơn 14.000 tỷ đồng, quy mô diện tích hơn 2.239ha.
Tỉnh Lâm Đồng đã được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, đến năm 2030, Lâm Đồng trở thành "Thiên đường xanh" với sức hút của các trung tâm du lịch nghỉ dưỡng - sinh thái - chăm sóc sức khỏe - thể thao cao cấp hàng đầu Việt Nam và Đông Nam Á.
Tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Lâm Đồng đạt các tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương hiện đại, có bản sắc, xanh, thông minh và đáng sống với các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển.
Lâm Đồng là tỉnh duy nhất của Tây Nguyên được quy hoạch sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.