Xã hội

Tòa dinh thự từng bị bỏ hoang của Hoàng hậu cuối cùng trong lịch sử Việt Nam

Vĩ Hạ 01/07/2024 13:46

Dinh thự này từng được thân phụ của Nam Phương Hoàng hậu tặng làm của hồi môn khi bà kết hôn với vua Bảo Đại.

Tọa lạc trên một ngọn đồi thuộc đường Hùng Vương (thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng), biệt thự Nam Phương Hoàng hậu có vị trí đẹp, bao quát không gian của thành phố.

Dinh thự được xây vào năm 1932 bởi ông Nguyễn Hữu Hào, một đại điền chủ xứ Gò Công (nay thuộc tỉnh Tiền Giang). Sau đó, ông đã tặng cho con gái là bà Nguyễn Hữu Thị Lan (sau là Nam Phương Hoàng hậu) làm của hồi môn đi lấy chồng nên dinh thự được đổi tên thành cung Nam Phương Hoàng hậu.

Cung Nam Phương Hoàng hậu ngự trên một mảnh đất cao, yên tĩnh. Ảnh: Mai Hương/Báo Lao Động

Cung Nam Phương Hoàng hậu ngự trên một mảnh đất cao, yên tĩnh. Ảnh: Mai Hương/Báo Lao Động

Trong thời kỳ Dinh 3 - nơi nghỉ dưỡng của vua Bảo Đại và Hoàng hậu chưa được xây dựng thì hai người thường nghỉ tại dinh thự này. Không gian trong ngoài dinh đều có nước sơn vàng thường thấy của biệt thự kiểu Pháp.

Màu vàng cũng là biểu tượng hoàng gia. Ảnh: Agotourist

Màu vàng cũng là biểu tượng hoàng gia. Ảnh: Agotourist

Hệ thống cầu thang, cửa sổ, trần mái, đồ nội thất được ốp gỗ quý tạo nên vẻ ấm áp, sang trọng.

Dinh thự gồm 3 tầng với diện tích khoảng 500m2, nằm trong khu vườn rộng giữa ngút ngàn thông xanh. Công trình có lối kiến trúc Pháp kết hợp với nét Á Đông, kết hợp hài hòa giữa nét cổ điển và hiện đại.

Tầng 1 gồm có phòng chờ, phòng tiếp khách, phòng mời cơm với các nhóm bạn bè ít người của Nam Phương Hoàng hậu.

Phòng ăn ở biệt thự Nam Phương Hoàng hậu. Ảnh: Báo Lâm Đồng

Phòng ăn ở biệt thự Nam Phương Hoàng hậu. Ảnh: Báo Lâm Đồng

Hiện các phòng ở tầng 1 được Bảo tàng tỉnh Lâm Đồng lưu giữ và trưng bày các hiện vật, đồ dùng hằng ngày được Hoàng hậu cùng gia đình sử dụng khi có thời gian lưu trú vài tháng ngắn ngủi vào năm 1946 trước khi bà sang Pháp.

Tầng 2 là nơi ở chính của Nam Phương Hoàng hậu và gia đình. Mỗi phòng đều có lò sưởi riêng làm từ nhiều loại đá hoa cương màu sắc khác nhau. Hầu hết phòng đều có ban công để ngắm cảnh.

Ngay phía bên tay trái khi bước lên tầng 2 là phòng ở cho khách. Đối diện là phòng của Thái tử Bảo Long, hiện phòng được bày trí với một vài bức tranh về vị Thái tử này, 2 thanh bảo kiếm cùng chiếc bàn làm việc được sơn son thếp vàng đầy uy nghiêm.

Phía cuối tầng 2 là căn phòng của Nam Phương Hoàng hậu có diện tích khoảng 35m2 với thiết kế sang trọng và nhiều nội thất bên trong. Trong căn phòng, nhiều đồ đạc của bà như tủ quần áo, giường ngủ, bàn trang điểm, triều phục... vẫn còn nguyên vẹn.

Phòng riêng của Nam Phương Hoàng hậu với giường ngủ và chiếc đàn piano bà từng sử dụng. Ảnh: Redsvn

Phòng riêng của Nam Phương Hoàng hậu với giường ngủ và chiếc đàn piano bà từng sử dụng. Ảnh: Redsvn

Tầng 3 trước là nơi để tổ chức yến tiệc nhưng hiện tại đã được thay đổi công năng bằng việc trưng bày tất cả vật dụng đã được gia đình Nam Phương Hoàng hậu sử dụng ở thế kỷ trước.

Một số bức thư của Nam Phương Hoàng hậu gửi cho vua Bảo Đại từ Pháp. Ảnh: Tạp chí Du lịch TP. HCM

Một số bức thư của Nam Phương Hoàng hậu gửi cho vua Bảo Đại từ Pháp. Ảnh: Tạp chí Du lịch TP. HCM

Ngoài dồ dùng gia đình, những bức thư mà Nam Phương Hoàng hậu đã viết từ Pháp gửi về cho vua Bảo Đại vào năm 1949, các văn bản, giấy tờ của gia đình... được trưng bày trong tủ kính.

Cung-Nam-Phuong anh1
Cung-Nam-Phuong anh3

Bên trong trưng bày rất nhiều hình ảnh về Nam Phương hoàng hậu và gia đình của bà. Ảnh: Tạp chí Du lịch TP. HCM

Các phòng đều treo nhiều hình ảnh Hoàng hậu Nam Phương, vua Bảo Đại, Thái tử Bảo Long... khi còn ở Việt Nam và lúc sang Pháp, góp phần tái hiện một phần lịch sử hơn 70 năm trước.

Năm 1947, bà sang Pháp sinh sống và từ đó không quay trở lại cung. Tòa dinh thự sau khi vắng chủ bị bỏ hoang một thời gian dài trước khi được người Pháp sử dụng vào một số mục đích. Sau năm 1975, cung được chính quyền mới tiếp quản.

Trải qua gần 100 năm, giờ đây, căn biệt thự là điểm đến của rất nhiều du khách khi đến Đà Lạt. Đến với nơi này, du khách có dịp chiêm ngưỡng và phần nào hình dung về cuộc sống của bà Hoàng hậu cuối cùng của triều đại phong kiến Việt Nam.

Dinh mở cửa từ 8-17h hàng ngày để du khách thoải mái tham quan và chụp ảnh, với vé vào cổng chỉ 20.000 đồng/người.

Hoàng hậu Nam Phương tên thật là Nguyễn Hữu Thị Lan (sinh năm 1913) tại Gò Công, Tiền Giang, trong một gia đình giàu có và quyền quý. Năm 1934, bà kết hôn với vua Bảo Đại và có 5 người con gồm: Thái tử Bảo Long, Hoàng tử Bảo Thăng và 3 Công chúa Phương Mai, Phương Liên, Phương Dung.

Trong lịch sử Việt Nam, Nam Phương là bà Hoàng hậu đặc biệt không chỉ vì sau bà, vĩnh viễn không còn người phụ nữ nào được phong danh hiệu này nữa mà còn vì trong suốt lịch sử Việt Nam, bà là người phụ nữ duy nhất được phong hậu dù theo đạo Công giáo.

>> Ngọn thác sở hữu cái tên gắn liền với vị Hoàng đế cuối cùng trong lịch sử Việt Nam: Được ví như ‘viên ngọc quý’ ẩn mình giữa núi rừng Tây Nguyên

Bãi tắm đẹp bậc nhất chỉ cách Quy Nhơn 2km, từng là nơi chỉ dành riêng cho Nam Phương hoàng hậu

Lộ diện ‘kho báu’ của Nam Phương hoàng hậu, nổi bật với bộ sưu tập trang sức quý giá và hàng loạt bất động sản xa hoa

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/toa-dinh-thu-tung-bi-bo-hoang-cua-hoang-hau-cuoi-cung-trong-lich-su-viet-nam-d126487.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Tòa dinh thự từng bị bỏ hoang của Hoàng hậu cuối cùng trong lịch sử Việt Nam
POWERED BY ONECMS & INTECH