Tòa nhà chọc trời 117 tầng 'đắp chiếu' gần một thập kỷ có thể được 'sống lại'
Sau nhiều năm nằm bất động vì khó khăn tài chính, tòa nhà cao gần 600m ở Trung Quốc có khả năng sẽ được thi công trở lại.
Goldin Finance 117, tòa nhà cao 597m với 117 tầng, từng được kỳ vọng sẽ trở thành công trình cao nhất Trung Quốc khi khởi công vào năm 2008. Thiết kế độc đáo mang hình dáng “gậy chống”, với phần đỉnh là mái vòm hình kim cương chứa hồ bơi và đài quan sát, đã khiến tòa nhà này trở nên nổi bật giữa trung tâm thành phố cảng Thiên Tân.

Tuy nhiên, đến năm 2015, dự án bất ngờ bị đình trệ do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng thị trường chứng khoán Trung Quốc. Chủ đầu tư là Goldin Properties Holdings, công ty do doanh nhân Pan Sutong sáng lập, rơi vào khủng hoảng tài chính và sau đó buộc phải thanh lý nhiều tài sản.
Kể từ đó, Goldin Finance 117 vẫn trong tình trạng xây dựng dang dở, trở thành một trong những biểu tượng rõ nét nhất của làn sóng “nhà chọc trời bỏ hoang” tại Trung Quốc, những công trình quy mô lớn bị ngưng trệ giữa lúc ngành bất động sản đối mặt với khủng hoảng kéo dài.
Theo truyền thông Trung Quốc, một giấy phép xây dựng mới trị giá gần 569 triệu nhân dân tệ (khoảng 78 triệu USD) đã được cấp, mở ra khả năng tái khởi động dự án. Tên gọi của chủ đầu tư cũ có thể đã bị loại bỏ khỏi công trình, cho thấy quyền sở hữu nhiều khả năng đã được chuyển giao.


Dù vậy, vẫn chưa có thông tin rõ ràng liệu công năng ban đầu của tòa nhà, gồm văn phòng và khách sạn 5 sao, có tiếp tục được giữ nguyên hay không. Các đơn vị thiết kế và thi công trước đây như P&T Group hay công ty quốc doanh BGI Engineering Consultants hiện đều từ chối đưa ra bình luận về diễn biến mới này.
Việc Goldin Finance 117 bất ngờ “sống lại” cùng thời điểm với một dự án cao tầng khác ở Thành Đô khiến nhiều người cho rằng đây không đơn thuần là trùng hợp. Theo nhận định của giới chuyên gia, chính quyền trung ương đang muốn phát đi thông điệp về sự ổn định của thị trường bất động sản thông qua việc tái khởi động các công trình quy mô lớn từng bị đình trệ.
Giáo sư Luật Qiao Shitong thuộc Đại học Duke (Mỹ) cho rằng việc nối lại thi công Goldin Finance 117 không chỉ là một câu chuyện kiến trúc, mà còn là tín hiệu chính trị cho thấy nỗ lực của chính phủ Trung Quốc trong việc vực dậy thị trường nhà đất bằng đầu tư công và tái cấu trúc nợ đối với các dự án lớn.

Từ góc độ hình ảnh đô thị, giới chức địa phương cũng có lý do để mong muốn hoàn thiện công trình này, bởi một tòa nhà khổng lồ bỏ hoang ngay giữa trung tâm thành phố có thể tạo cảm giác tiêu cực về sự trì trệ. Tuy vậy, nhiều chuyên gia như kiến trúc sư Fei Chen từ Đại học Liverpool cảnh báo rằng điều đó không đồng nghĩa Trung Quốc sẽ quay lại với thời kỳ phát triển “chóng mặt” của các tòa nhà siêu cao tầng như trước kia.
Thay vào đó, các dự án hiện nay được cân nhắc kỹ lưỡng hơn, có định hướng chiến lược rõ ràng nhằm khôi phục niềm tin thị trường thay vì chỉ phục vụ mục tiêu thị uy hay phô trương.
Một trong những thách thức lớn nhất là tính khả thi về mặt kinh tế. Mặc dù Goldin Finance 117 được đặt trong một tổ hợp phức hợp gồm khu thương mại, biệt thự, trung tâm hội nghị và câu lạc bộ thể thao, song thị trường hiện đang đối mặt với tỷ lệ bỏ trống văn phòng ở mức cao và sức mua sụt giảm nghiêm trọng.


Giới chức Trung Quốc dường như sẵn sàng chấp nhận rủi ro để đổi lấy hình ảnh phục hồi kinh tế, đồng thời kích hoạt động lực phát triển cho các khu vực lân cận. Nếu được hoàn thiện đúng tiến độ vào năm 2027, Goldin Finance 117 sẽ trở thành tòa nhà cao thứ ba tại Trung Quốc, sau Shanghai Tower và Ping An Finance Centre, đồng thời đứng thứ sáu trên thế giới. Dù từng được kỳ vọng vươn lên dẫn đầu khi khởi công, nhưng hiện nay vị trí của công trình này đã tụt lại phía sau trong cuộc đua nhà chọc trời.
Ngoài ra, nếu các dự án khác như tháp Jeddah ở Saudi Arabia và Burj Azizi tại Dubai được hoàn tất đúng kế hoạch, Goldin Finance 117 sẽ tiếp tục bị đẩy xuống vị trí thứ tám toàn cầu.
Trong thời gian Goldin Finance 117 bị “đắp chiếu”, Thiên Tân đã kịp hoàn thành một siêu cao ốc khác là Tianjin CTF Finance Centre, cao 530m và hiện giữ vị trí thứ tám thế giới về chiều cao. Thực tế này phản ánh tốc độ phát triển nhanh chóng nhưng cũng đầy biến động của thị trường nhà chọc trời tại Trung Quốc trong hơn một thập kỷ qua.
>> Tòa nhà chọc trời từng cao nhất thế giới bị ‘đắp chiếu’ gần 40 năm, không có người ở