Tòa nhà là điểm nhấn của dự án quy hoạch trong khu vực nổi tiếng với các tòa nhà văn phòng chọc trời và chung cư cao cấp.
Tháng 8/2023, Tập đoàn Mori Building của Nhật Bản đã khánh thành tòa nhà chọc trời cao nhất nước này ở trung tâm thủ đô Tokyo - Mori JP Tower với chiều cao đạt 325,2m. Tổng chi phí xây dựng tòa nhà này ước tính lên đến 580 tỷ yên (gần 95 nghìn tỷ đồng).
Tòa nhà được thiết kế với mục tiêu giảm tiêu thụ năng lượng từ lưới điện thông qua việc tích hợp nhiều trang thiết bị bền vững và khả năng chịu địa chấn. Mori JP Tower là công trình do công ty Pelli Clarke & Partners thiết kế và nằm ở Azabudai Hills, quận mới có nhiều không gian xanh bao gồm những tòa nhà của Heatherwick Studio cùng hai tòa tháp chọc trời khác.
Mori JP Tower có bề mặt kính phía trước được thiết kế theo hình dáng đối xứng với 4 mặt kính cong tạo hình dáng như cánh hoa. Bên ngoài, tòa nhà được chiếu sáng bằng các dải đèn tích hợp được thiết kế bởi công ty Mỹ L'Observatoire International, tạo ra một hiệu ứng ánh sáng hài hòa vào ban đêm.
Tòa nhà Mori JP Tower có 64 tầng trên mặt đất và 5 tầng ngầm. Tòa nhà có các văn phòng cho thuê với sức chứa lên đến 20.000 nhân viên. Các tầng cao sẽ là nơi ở của khoảng 3.500 cư dân thượng lưu với nhiều tiện ích.
Mặc dù là tòa nhà chọc trời cao nhất tại Nhật Bản nhưng Mori JP Tower không phải là công trình cao nhất, “ngôi vương” này thuộc về Tokyo Skytree (634m).
Trên thực tế, khi đứng một mình, chiều cao của Mori JP Tower có vẻ không quá ấn tượng, tòa nhà chỉ xếp thứ 134 trên thế giới về chiều cao. Tuy nhiên, nếu xem xét những thách thức về xây dựng tại khu vực chịu động đất mạnh như Tokyo, đây là một công trình đặc biệt. Theo nhà thầu Mori, tòa nhà sẽ vẫn hoạt động bình thường ngay cả trong trường hợp của các trận động đất mạnh mạnh 9 độ richter như đại địa chấn ở Đông Nhật Bản năm 2011.
Để đảm bảo tính ổn định của tòa nhà chọc trời, các cọc ống thép chứa bê tông cường độ cao và một số hệ thống giảm chấn được lắp đặt để giảm thiểu sự rung lắc. Ngoài ra, tòa nhà còn có khu vực ẩn, có sức chứa 3.600 người và nơi lưu trữ nhu yếu phẩm cần thiết để đối phó với thiên tai.
"Thép và bê tông có độ bền cao được sử dụng để duy trì sự ổn định của công trình. Chúng tôi cũng đã lắp đặt các thiết bị kiểm soát rung tại các khu vực chính, giúp giảm thiểu sự rung động trong trường hợp động đất và tăng khả năng chịu lắc. Ngoài ra, thiết bị quy mô lớn gọi là bộ giảm chấn khối lượng chủ động cũng giúp hạn chế đung đưa ở đỉnh tòa nhà khi gió mạnh", nhà thầu Mori giải thích.
Tất cả điện năng dùng cho tòa nhà đều được cung cấp từ nguồn năng lượng tái tạo với nhiệt lượng được khai thác từ hệ thống cống. Ngoài ra, tòa nhà còn thu thập và xử lý nước mưa để dùng tưới cây xanh, trong khi nước thải từ các căn hộ được thu gom và tái sử dụng cho các phòng tắm trong tòa nhà văn phòng.
Theo New Atlas