Tòa nhà được xây dựng bằng gỗ tồn tại được 500 năm, có khả năng chịu được những trận động đất mạnh và tự cung cấp điện sử dụng suốt 100 ngày
Hệ thống tấm pin mặt trời 133kW trên mái và 215kW ở bên ngoài cho phép toà nhà hoạt động với mức tiêu thụ điện năng cực thấp.
Tòa nhà PAE Living, tọa lạc tại Portland, bang Oregon, Mỹ được đánh giá là một kiệt tác của công ty kiến trúc ZGF Architects. Được thiết kế với khả năng chịu đựng các trận động đất nghiêm trọng và có thể tồn tại đến 500 năm, tòa nhà này là minh chứng điển hình cho sự bền vững trong xây dựng. Phần lớn công trình được làm từ gỗ, đồng thời sử dụng công nghệ pin quang điện để giảm thiểu sự phụ thuộc vào năng lượng từ lưới điện.
PAE Living được xây dựng trên nền một bãi đậu xe cũ, sử dụng vật liệu gỗ ghép thanh và gỗ nhiều lớp, chỉ một số phần cần thiết mới dùng bê tông. Mặc dù là công trình hiện đại, tòa nhà vẫn hòa hợp với phong cách kiến trúc tổng thể của thành phố.
Với diện tích 5.400m² và 5 tầng, tầng trệt của tòa nhà được dành cho các cửa hàng bán lẻ và trung tâm thể dục, trong khi các tầng trên là không gian văn phòng. Nội thất cũng đồng bộ với vẻ ngoài, mang nét đẹp tự nhiên từ gỗ, tạo nên không gian ấm áp và hài hòa.
Mặt tiền của tòa nhà lấy cảm hứng từ kiến trúc bản địa và nguồn cung cấp nguyên liệu địa phương và khung cửa sổ bằng sợi thủy tinh hiệu suất cao. Hệ thống kết cấu của tòa nhà sử dụng gỗ ghép thanh chéo (CLT), gỗ ghép keo và bê tông chống cắt giúp công trình chống lại các lực bên như gió và động đất một cách hiệu quả. Các vật liệu thân thiện giúp tòa nhà đứng vững, đóng vai trò là lớp hoàn thiện cuối cùng cho nội thất và giảm lượng khí thải của dự án xuống 30%.
Tầng trệt của tòa nhà được thiết kế đa chức năng, bao gồm không gian bán lẻ, trung tâm thể dục, phòng tắm, nhà vệ sinh, tủ khóa và khu để xe đạp. Từ tầng 1 đến tầng 4 là không gian văn phòng cho thuê, với tổng diện tích lên tới 3.066 m². Đặc biệt, trên tầng cao nhất là một không gian kín, với cửa kính gấp mở ra ban công được gọi là "boong-ke".
Nhóm thiết kế đã quyết định giữ nguyên các yếu tố cấu trúc bằng gỗ và bê tông lộ thiên để tạo nét độc đáo cho nội thất. Ngoài ra, gỗ thừa được tận dụng làm vật liệu bổ sung, và các vách ngăn cách âm được thiết kế từ nỉ.
Để giảm thiểu tối đa việc sử dụng năng lượng, nhóm đã tích hợp nhiều lớp kính cho phép ánh sáng tự nhiên tràn vào tòa nhà và sử dụng các cửa sổ mở để tận dụng thông gió tự nhiên.
Theo ZGF Architects, tòa nhà chỉ sử dụng khoảng 1/5 năng lượng so với các tòa văn phòng tiêu chuẩn cùng quy mô. Với hệ thống tấm pin mặt trời 133kW trên mái và 215kW ở bên ngoài, tòa nhà có khả năng kết nối hai chiều với lưới điện thành phố, cho phép hoạt động với mức tiêu thụ điện năng cực thấp. Trong trường hợp thành phố mất điện, tòa nhà có thể tự cung cấp điện cho các thiết bị trong suốt 100 ngày mà không cần sử dụng lưới điện.
Hệ thống thu thập và tái chế nước mưa cũng được triển khai, với các bể chứa có sức chứa tới 237.000 lít nước mưa, đáp ứng toàn bộ nhu cầu về nước của tòa nhà.
Bên cạnh đó, tòa nhà còn được trang bị hệ thống ủ phân hữu cơ, biến chất thải sinh hoạt thành phân bón lỏng và phân trộn nông nghiệp tại chỗ, mang lại tiềm năng thu nhập cho các chủ sở hữu.
Hơn 50% khu vực làm việc trong tòa nhà được chiếu sáng tự nhiên và 70% chu vi có thể thông khí tự nhiên qua hệ thống cửa sổ mở. PAE Living được thiết kế với khả năng chịu đựng các thảm họa tự nhiên, bao gồm khả năng chống chọi động đất lên đến 8 độ Richter, đảm bảo sự bền vững và thích nghi cho nhiều thế hệ người sử dụng.