Tòa thành đá của Việt Nam được xây trong 3 tháng nhưng tồn tại hơn 600 năm, được đánh giá là "một trong những di sản nổi bật và vĩ đại nhất thế giới"
Đây là một trong số ít những tòa thành bằng đá còn sót lại trên thế giới nên thu hút được sự quan tâm của rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước.
Thành Nhà Hồ (còn gọi là Thành Tây Đô) được xây dựng chỉ trong 3 tháng (từ tháng Giêng đến tháng Ba) năm 1397. Thành rộng 155,5ha, bao gồm Thành nội (rộng 142,2ha), La thành (9,0ha) và Đàn tế Nam Giao (4,3ha), nằm trong vùng đệm với diện tích 5.078,5ha. Thành được kiến thiết trong khu vực có cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, giữa hai dòng sông Mã và sông Bưởi (thuộc huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa).
Tòa thành đá cổ hơn 600 năm tuổi
Theo sử liệu, năm 1397, trước nguy cơ đất nước bị giặc Minh từ phương Bắc xâm lăng, Hồ Quý Ly đã chọn đất An Tôn (nay là Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) để xây dựng kinh thành nhằm chuẩn bị cho một cuộc kháng chiến lâu dài.
Với tư cách là kinh đô của nhà nước Đại Việt cuối Trần đầu Hồ, Tây Đô được xây dựng dựa trên những nguyên tắc cơ bản về địa thế, phong thủy, tiền án hậu chẩm đều có hình sông thế núi bao bọc. Thành tọa lạc ở vị trí giáp ranh đồng bằng và miền núi, cảnh quan đẹp, sông núi hài hòa, địa hình đa dạng tạo lợi thế về quân sự. Phía Bắc có núi Thổ Tượng, phía Tây có núi Ngưu Ngọa, phía Đông có núi Hắc Khuyển, phía Nam còn là nơi hội tụ của sông Mã chảy từ phía Tây về và sông Bưởi chảy tới. Thành Nhà Hồ được kết cấu gồm 3 phần: La thành, Hào thành và Hoàng thành.
La thành là vòng thành ngoài bảo vệ toàn bộ kiến trúc và cư dân trong Kinh thành, được Hồ Quý Ly cho xây dựng vào tháng 9/1399, dài khoảng 10km. La thành cách Hoàng thành khoảng 2-3km về các hướng. Giới hạn từ khu vực tường thành đá vào trong là khu vực Hoàng thành. Đây là nơi sinh sống, làm việc của quan lại và hoàng tộc trong triều đình.
Theo các nhà sử học, Hào thành là một bộ phận quan trọng cấu thành Thành Nhà Hồ. Hào có chiều rộng 50-60 m, sâu khoảng 6,8 đến 7,2 m, còn chiều dài chưa thể xác định. Hào thành được gia cố cẩn thận bằng nhiều lớp đất đá dăm, đất sét kiên cố, có khả năng chống chọi thiên tai và biến động của thời gian. Hào không chỉ là nơi tiêu thoát nước mà có chiến thuật về mặt quân sự.
Cuối cùng là khu vực Hoàng thành có bình đồ gần vuông, mặt chính quay về hướng Đông Nam, với mỗi bức tường có chiều dài gần 900m. Trong Hoàng thành có cung Nhân Thọ (nơi ở của Hồ Quý Ly), điện Hoàng Nguyên (nơi Vua thiết triều), cung Phù Cực, Đông Thái Miếu, Tây Thái Miếu...
Thành nội có 4 cổng: Đông, Tây, Nam, Bắc. Cửa Nam được xây dựng lớn nhất, mở ba vòm cửa, các cửa còn lại chỉ có 1 vòm. Phía trên cửa Nam và cửa Bắc là vọng lâu. Vọng lâu ngoài chức năng là lầu canh còn là nơi Vua ngự duyệt quân trước khi xuất chinh và chủ trì các nghi lễ quan trọng khác.
Công nghệ đặc biệt giúp Thành Nhà Hồ kiên cố hơn 600 năm
Trong đợt khai quật thân Thành Nhà Hồ cuối năm 2018, đầu năm 2019, các nhà khoa học cũng đã phát hiện nhiều cứ liệu quan trọng, giúp các nhà sử học giải mã được "công nghệ" xây dựng thành đá của Hồ Quý Ly tồn tại hơn 600 năm qua.
Tiến sĩ Đỗ Quang Trọng, Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa (người trực tiếp tham gia đợt khai quật thân thành), cho biết sau 5 tháng tiến hành khai quật tường và chân Thành Nhà Hồ (từ tháng 9/2018 đến 1/2019), các nhà khảo cổ học kết luận tường thành có kết cấu được đắp bằng đất ở thân và mặt trong, mặt ngoài tường ốp bằng những tảng đá kích thước lớn nhỏ khác nhau, có những tảng nặng hàng chục tấn.
Đáng lưu ý, quá trình khai quật đã phát hiện thành được đắp bằng 11 lớp đất, sỏi cuội rất tỉ mỉ, kiên cố và vững chắc; móng tường thành được gia cố bằng lớp đất sét màu xám xanh và khá đều, được chia thành 7 lớp gia cố bằng sỏi cuội và lớp gia cố bằng đất sét màu đỏ.
Từ kết quả nghiên cứu về kết cấu tường và chân tường thành, các nhà khảo cổ học đưa ra kết luận thành và chân tường thành của di sản Thành Nhà Hồ có kết cấu từ sỏi cuội, đất sét vàng, đỏ, xám xanh và sạn cát hạt thô. Về đất đắp thành, ban đầu các nhà nghiên cứu nhận định đất được lấy từ quá trình mở rộng lớp lòng hào thành phía ngoài.
Tòa thành này từng là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của nước Đại Ngu dưới triều Hồ (1400-1407). Trải qua hơn 600 năm tồn tại với bao biến cố của lịch sử, hầu hết Hoàng thành đã bị phá hủy, nhưng thành quách gần như còn nguyên vẹn.
Qua các đợt khai quật và nghiên cứu, các nhà khoa học đánh giá, giá trị nổi bật và khác biệt của Thành Nhà Hồ là sự thể hiện khả năng xây xếp những khối đá khổng lồ, được ghè đẽo vuông vức đạt đến độ chính xác tuyệt đối, để xây thành một công trình vĩ đại của khu vực Đông Á, Đông Nam Á cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV.
Tháng 6/2011, Thành Nhà Hồ đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, trong đó khu vực được công nhận có tổng diện tích 155,5ha, bao gồm Thành Nội (142,2ha), đàn Nam Giao (4,3ha) và một phần của La Thành (9ha). Không chỉ vậy, trang CNN (Mỹ) đã công bố danh sách 21 di sản đẹp nhất thế giới, trong đó Thành Nhà Hồ xếp vị trí thứ nhất.
>> Việt Nam lần thứ 4 nhận giải "Oscar du lịch", là Điểm đến Di sản hàng đầu Thế giới năm 2023