Tòa tháp gỗ 300 năm tuổi của Việt Nam cao 8m, nặng 4 tấn, là cổ vật có giá trị đặc biệt
Tháp được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2015.
Bảo vật quốc gia Tháp gỗ Cửu Phẩm Liên Hoa nằm trong Khu di tích lịch sử quốc gia chùa Giám, thuộc xã Cẩm Sơn (nay là xã Định Sơn), huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Chùa Giám tọa lạc trên diện tích rộng 2ha, không chỉ là nơi thờ Phật mà còn đặt tượng thờ Đại danh y Tuệ Tĩnh – vị thánh tổ của ngành Y dược Việt Nam.
Tòa Cửu Phẩm Liên Hoa tại chùa Giám với tuổi đời hơn 300 năm, giữ một vị trí quan trọng trong ngôi chùa. Tháp được đặt trong ngôi nhà Phẩm có cấu trúc ba tầng, 12 mái, với đường nét hoa văn mềm mại, mang đậm dấu ấn kiến trúc thời Hậu Lê. Hiện nay, cả nước chỉ còn 3 tòa Cửu phẩm Liên Hoa chất liệu gỗ có niên đại thế kỷ thứ XVII tại chùa Giám (Cẩm Giàng, Hải Dương), chùa Động Ngọ (Thanh Hà, Hải Dương) và chùa Bút Tháp (Bắc Ninh).
Tháp gỗ Cửu Phẩm Liên Hoa có hình lăng trụ lục giác, được chế tác từ gỗ lim, cao khoảng 8m và nặng 4 tấn, với nhiều chi tiết chạm trổ tinh xảo. Ở giữa tháp có một trục quay, cho phép tháp xoay tròn bằng sức đẩy của một người.
Trong Phật pháp, hoa sen biểu trưng cho trí tuệ, và tên gọi "Cửu Phẩm Liên Hoa" có nghĩa là chín tầng hoa sen, tượng trưng cho chín cấp độ tu hành đạt chính quả trong Phật giáo. Mỗi mặt của tháp rộng 1,2m và có sáu mặt, trên đó đặt 18 pho tượng Phật, với ba tượng trên mỗi mặt. Tầng cao nhất trên nóc tháp đặt một pho tượng Phật lớn cao 1m.
Cửu Phẩm Liên Hoa tương đương với "Tam phẩm vãng sinh" bao gồm 9 phẩm được chia thành 3 cấp bậc khác nhau trong cảnh giới Tây Phương Cực Lạc, nơi linh hồn sẽ đến sau khi qua đời. Cụ thể, Thượng phẩm vãng sinh gồm: Thượng phẩm thượng sinh, Thượng phẩm trung sinh, và Thượng phẩm hạ sinh. Trung phẩm vãng sinh gồm: Trung phẩm thượng sinh, Trung phẩm trung sinh, và Trung phẩm hạ sinh. Hạ phẩm vãng sinh gồm: Hạ phẩm thượng sinh, Hạ phẩm trung sinh, và Hạ phẩm hạ sinh. Đây là những tầng bậc trong hành trình đạt tới cảnh giới an lạc sau khi con người rời khỏi trần thế.
Theo quan niệm Phật giáo, mỗi lần quay một vòng tháp Cửu Phẩm Liên Hoa, lời trì tụng sẽ được nhân lên thành 3.542.400 lần, giúp người tu hành nhanh chóng đạt được chính quả. Tháp Cửu Phẩm Liên Hoa không chỉ truyền tải thông điệp về lòng từ bi, vị tha và bác ái của đạo Phật mà còn thể hiện sự phát triển rực rỡ của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử tại Việt Nam. Tháp gỗ Cửu Phẩm Liên Hoa là cổ vật có giá trị đặc biệt tại chùa Giám, được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2015.
>> Ngôi chùa nằm ở tỉnh nhỏ nhất Việt Nam có tòa tháp nắm giữ 2 kỷ lục thế giới