Tổn thất của Nga và Ukraine sau hơn 3 năm xung đột
Sau hơn 3 năm xung đột, Nga và Ukraine đã hứng chịu thiệt hại lớn về kinh tế và quân sự. Song, Kiev đang hưởng lợi từ quá trình đổi mới với hàng trăm công ty khởi nghiệp ra đời.
Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã kéo dài hơn 3 năm rưỡi và chưa có dấu hiệu sớm kết thúc. Sự chênh lệch về kho vũ khí, nguồn nhân lực, sức mạnh kinh tế cùng sự ủng hộ và trợ giúp từ bên ngoài được coi là những yếu tố chính ảnh hưởng đến tiến trình và kết quả của cuộc xung đột này.
Nga
Đài CNN trích dẫn nghiên cứu do Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tại Washington công bố hôm 3/6 cho biết, sau gần 3 năm rưỡi xung đột ở Ukraine, số binh sĩ Nga thương vong có khả năng sẽ cán mốc 1 triệu người vào mùa hè năm nay.
Cũng theo CSIS, trong số 950.000 trường hợp thương vong của quân Nga có tới 250.000 người thiệt mạng. Nghiên cứu nhấn mạnh, "không có cuộc xung đột nào của Nga kể từ Thế chiến II có tỷ lệ tử vong gần bằng ở Ukraine". Trong khi đó, con số thương vong của Ukraine được cho gần 400.000 người, trong đó khoảng 60.000 - 100.000 binh sĩ thiệt mạng.

Mặc dù Kiev và Moscow không tiết lộ chi tiết về tổn thất, nhưng số liệu CSIS công bố phù hợp với đánh giá của tình báo Anh và Mỹ.
Hồi tháng 3, Bộ Quốc phòng Anh ước tính khoảng 900.000 binh sĩ Nga thương vong kể từ khi Moscow triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022. Trong nhiều tháng, Bộ Quốc phòng Anh nhận định, Nga mất khoảng 1.000 binh sĩ/ngày, gồm cả tử trận và bị thương. Theo xu hướng này, số binh sĩ Nga thương vong dự kiến sẽ vượt ngưỡng 1 triệu trong những tuần tới.
Trái với nhận định của một số quan chức phương Tây về việc Moscow nắm giữ “tất cả lá bài” trong cuộc xung đột ở Ukraine, CSIS cho rằng số liệu thương vong cùng ước tính về tổn thất thiết bị hạng nặng và việc chậm chạp trong quá trình giành thêm quyền kiểm soát lãnh thổ ở Ukraine là bằng chứng cho thấy quân đội Nga chưa đạt được các mục tiêu quân sự đề ra.
Sau khi Ukraine đẩy lùi các cuộc tấn công chớp nhoáng ban đầu của Nga vào năm 2022, cuộc xung đột này đã trở thành tiêu hao. Trong khi Kiev đào hào và cài mìn, Moscow vẫn không ngừng điều quân tiến lên để giành quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ ở Ukraine, nhưng không mấy hiệu quả.
Theo nghiên cứu của CSIS, tại khu vực Kharkiv, các lực lượng Nga chỉ tiến quân trung bình 50 m/ngày. Tốc độ tiến quân chậm có nghĩa, các lực lượng Moscow chỉ giành thêm quyền kiểm soát 1% lãnh thổ Ukraine kể từ tháng 1/2024, con số theo đánh giá của CSIS là "không đáng kể". Cho đến hiện tại, Nga đang kiểm soát khoảng 20% lãnh thổ Ukraine, bao gồm cả bán đảo Crưm, khu vực đã sáp nhập vào Nga hồi năm 2014.
Trong khi đó, Triều Tiên đã điều động hơn 10.000 binh sĩ tới hỗ trợ Nga chiến đấu giành lại lãnh thổ ở vùng biên giới Kursk, nơi quân đội Ukraine bất ngờ tiến hành chiến dịch xâm nhập và chiếm giữ lãnh thổ vào mùa hè năm 2024.

Nga vẫn là quốc gia bị trừng phạt nặng nề nhất trên thế giới vào năm 2025. Theo thống kê của tạp chí Forbes, 50 quốc gia đã ban hành hơn 20.000 lệnh trừng phạt Nga, với hơn 80% trong số này được thực hiện sau khi xung đột Nga – Ukraine bùng nổ vào tháng 2/2022.
Các biện pháp trừng phạt đã gây ra những thiệt hại kinh tế lớn cho Nga. Cụ thể, ước tính 340 tỷ USD dự trữ của Ngân hàng Trung ương Nga đã bị đóng băng. Theo một tài liệu nội bộ của Bộ Tài chính Nga rò rỉ vào tay hãng tin Bloomberg vào mùa thu năm 2024, ngành tài chính của xứ sở bạch dương đã hứng chịu hàng trăm tỷ USD "tổn thất trực tiếp" do các lệnh trừng phạt.
Theo Trường Kinh tế Kiev, ngành năng lượng Nga đã mất khoảng 78,5 tỷ USD thu nhập xuất khẩu so với kịch bản không có lệnh trừng phạt từ tháng 12/2022 – 6/2024. Một cuộc điều tra vào tháng 3/2024 cho biết thêm, các cuộc tấn công liên tiếp của Ukraine đã khiến những cơ sở đóng góp 1/6 sản lượng xăng và dầu diesel tại Nga phải dừng hoạt động.
Cũng theo Trường Kinh tế Kiev, tính đến ngày 1/1/2025, tổng cộng 467 công ty đã hoàn toàn rời khỏi Nga.
Trong khi đó, IMF mới đây dự đoán tăng trưởng kinh tế của Nga sẽ chậm lại, giảm xuống còn 1,4% vào năm 2025 và 1,2% vào năm 2026.
Ukraine
Hồi tháng 2, chia sẻ với NBC News, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói, hơn 46.000 binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng và gần 380.000 lính bị thương kể từ đầu xung đột với Nga. Ngoài ra, "hàng chục nghìn" binh sĩ Ukraine đang mất tích trong khi làm nhiệm vụ hoặc bị giam giữ tại Nga.
Nga và Ukraine đang bị mắc kẹt trong một cuộc xung đột gây tiêu hao về kinh tế. Tổ chức nghiên cứu Atlantic Council đề cập tới một sự thật ít được chú ý là, nền kinh tế Ukraine thực sự đang hoạt động tương đối tốt dù xung đột với Nga chưa kết thúc. Khi Moscow triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt vào năm 2022, GDP của Ukraine đã giảm 29%. Tuy nhiên, vào năm 2023, nền kinh tế Ukraine đã phục hồi ấn tượng 5,5%. Năm 2024, GDP của Ukraine tăng thêm 3%, mặc dù tốc độ tăng trưởng có khả năng chậm lại ở mức 1,5% trong năm nay.

Bất kỳ du khách nào đến Ukraine đều có thể rút tiền mặt từ máy ATM hoặc thanh toán tại các cửa hàng bằng thẻ tín dụng quốc tế. Các cửa hàng được dự trữ đầy đủ hàng hóa và các nhà hàng vẫn đông đúc khách. Mọi thứ vẫn diễn ra như bình thường. Sau năm 2022, doanh thu nhà nước của Ukraine cũng đã tăng mạnh.
Đáng nói, trong lúc xảy ra xung đột, Ukraine đã đạt tiến bộ trong cuộc chiến chống tham nhũng. Vào năm 2014, Ukraine xếp hạng 142/180 quốc gia được khảo sát về Chỉ số Nhận thức tham nhũng hàng năm của Tổ chức Minh bạch quốc tế. Song, gần đây nhất, Ukraine đã leo lên vị trí thứ 105.
Theo Atlantic Council, có 3 yếu tố quan trọng cần thiết cho tiến trình kinh tế tương lai của Ukraine trong xung đột. Trước hết, Ukraine cần khoảng 42 tỷ USD/năm từ nguồn tài trợ ngân sách bên ngoài để trang trải cho thâm hụt ngân sách quốc gia. Tuy nhiên, nước này đã không nhận được đủ nguồn tài trợ vào năm 2022 do các đối tác trong Liên minh châu Âu (EU) không cung cấp đủ số tiền đã hứa. Điều này đã đẩy tỷ lệ lạm phát của Ukraine lên 27% vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, ngân sách của Ukraine đã được tài trợ đầy đủ vào các năm 2023 và 2024, đẩy lạm phát xuống còn 5%. Khoản ngân sách này nhiều khả năng sẽ được tài trợ đầy đủ trong năm nay.
Yếu tố thứ 2 là thương mại hàng hải qua các cảng của Ukraine ở Biển Đen. Hoạt động vận chuyển hàng hóa từ Odessa và các cảng lân cận của Ukraine đến thị trường toàn cầu hầu như không bị cản trở kể từ tháng 9/2023, sau khi các lực lượng Kiev gây hư hại và phá hủy phần lớn tàu thuộc Hạm đội Biển Đen của Nga. Do phần lớn hàng xuất khẩu của Ukraine như nông sản, thép và quặng sắt chỉ có lợi nhuận khi vận tải biển giá rẻ, nên việc giữ cho các tuyến đường biển thông suốt là rất quan trọng.
Yếu tố quan trọng thứ 3 đối với triển vọng kinh tế của Ukraine trong xung đột là nguồn cung cấp điện ổn định. Việc Nga ném bom vào các cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine đã làm gián đoạn đáng kể nguồn cung cấp điện vào năm 2024. Và đây là một trong những lý do chính khiến hiệu suất kinh tế của Ukraine bị suy giảm.
Đáng nói, tình hình kinh tế của Ukraine dường như xấu đi trong năm nay. Trong 4 tháng đầu năm 2025, tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 1,1%, trong khi lạm phát đã tăng lên 15,9% vào tháng 5. Nguyên nhân chính là do thiếu hụt lao động. Sau hơn 3 năm xung đột, nền kinh tế Ukraine đang cho thấy những dấu hiệu kiệt quệ ngày càng tăng do quá tập trung vào lĩnh vực quân sự.
Dù có sự hỗ trợ của phương Tây, chi tiêu quân sự của Ukraine đã lên tới khoảng 100 tỷ USD/năm, chiếm khoảng 50% GDP của Ukraine. Trong khi đó, chi tiêu quân sự năm 2025 của Nga được cho là 170 tỷ USD, tương đương chỉ 8% GDP.
Bên cạnh đó, các lệnh trừng phạt của phương Tây đã cản trở khả năng đổi mới của quân đội Nga. Ngược lại, Ukraine được hưởng lợi từ chương trình đổi mới, khi hàng trăm công ty khởi nghiệp phát triển mạnh trong các lĩnh vực như sản xuất máy bay không người lái (UAV).
Giá dầu mỏ thấp cũng có thể làm trầm trọng thêm những khó khăn kinh tế ngày càng tăng của Nga và buộc nước này phải cắt giảm thêm chi tiêu công. Tuy nhiên, các cuộc tấn công của Israel vào Iran trong tháng 6 có thể giúp Nga duy trì tình hình tài chính bằng cách đẩy giá dầu lên cao hơn.
>> Thực trạng lực lượng Nga và Ukraine sau hơn 3 năm xung đột