Chuyên gia: Thỏa thuận Mỹ - Indonesia 'không phải là lý tưởng' nhưng là tốt nhất có thể
Mỹ đã ghi nhận mức thâm hụt thương mại 9,7 tỷ USD với Indonesia trong chỉ trong vòng 5 tháng đầu năm 2025 khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump vừa công bố mức thuế quan mới với “xứ sở vạn đảo”.
Theo nhận định của chuyên gia kinh tế Eko Listiyanto, thặng dư thương mại của Indonesia với Mỹ có thể sẽ thu hẹp nhờ thỏa thuận thuế quan mà quốc gia Đông Nam Á có hơn 17.000 hòn đảo vừa đạt được với chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.
Thặng dư thương mại là khái niệm trong kinh tế dùng để chỉ tình trạng xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu trong cán cân thương mại của một quốc gia.
“Thỏa thuận này chắc chắn sẽ làm giảm thặng dư thương mại của Indonesia với Mỹ vì hàng xuất khẩu của Mỹ sẽ không còn bị đánh thuế”, ông Eko Listiyanto, chuyên gia kinh tế tại Viện Phát triển Kinh tế và Tài chính (Indef) cho biết hôm thứ Tư (16/7).
>> Lo nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á hủy bỏ ‘siêu hợp đồng’ 34 tỷ USD, ông Trump vội giảm thuế 13%?

Theo thỏa thuận được Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố vào ngày 15/7 trên mạng xã hội Truth Social, Mỹ sẽ giảm thuế nhập khẩu đối với hàng hóa từ Indonesia xuống còn 19%, giảm tới 13% so với mức đề xuất trước đó là 32%. Trong khi đó Indonesia sẽ cho phép hàng hóa Mỹ tiếp cận thị trường nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á với mức thuế bằng 0%.
“Đây không phải là thỏa thuận lý tưởng, nhưng mức thuế 19% là kết quả tốt nhất mà chúng ta có thể đạt được trong bối cảnh vị thế đàm phán của chúng ta còn hạn chế”, ông Eko nói thêm, đồng thời dự báo thặng dư thương mại của Indonesia với Mỹ sẽ bị thu hẹp theo thỏa thuận này.

Trên nền tảng Truth Social hôm 15/7 vừa qua, Tổng thống Trump cũng cho biết Indonesia đã cam kết mua 15 tỷ USD sản phẩm năng lượng của Mỹ, 4,5 tỷ USD hàng nông sản và 50 máy bay Boeing, bao gồm cả dòng máy bay thân rộng Boeing 777, mặc dù ông không đưa ra thời hạn cụ thể cho các đơn hàng này.
Đáng chú ý, Mỹ vẫn là nguồn thặng dư thương mại lớn nhất cho Indonesia. Theo số liệu của Cơ quan Thống kê Trung ương (BPS), Indonesia ghi nhận mức thặng dư 5,44 tỷ USD với Mỹ trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 4 năm 2025, tăng so với mức 4,37 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái. Ấn Độ và Philippines lần lượt là hai thị trường mang lại thặng dư thương mại lớn tiếp theo cho “xứ sở vạn đảo”, với giá trị tương ứng là 3,98 tỷ USD và 2,92 tỷ USD.
Trong khi đó, theo báo cáo của Cục Thống kê Dân số Mỹ (US Census Bureau), Mỹ đã ghi nhận mức thâm hụt thương mại tới 9,7 tỷ USD với Indonesia trong năm tháng đầu năm 2025.
Trái ngược với thặng dư thương mại, thâm hụt thương mại là tình trạng một quốc gia nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ trong một khoảng thời gian nhất định.
Theo Jakarta Globe
>> Mỹ đạt được thỏa thuận thương mại với Indonesia, châu Âu sẵn sàng trả đũa