'Tổng Bí thư đã mẫu mực toàn diện, cán bộ phải thực sự gương mẫu'
Theo PGS.TS Nguyễn Viết Thông, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người mẫu mực toàn diện, vì thế, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng phải thực sự gương mẫu để cùng xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Chia sẻ với PV VietNamNet, PGS.TS Nguyễn Viết Thông, nguyên Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh, không phải ngẫu nhiên, cả 3 Hội nghị Trung ương 4 của 3 nhiệm kỳ gần đây, Trung ương đều bàn về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Điều đó cho thấy, Đảng rất coi trọng công tác xây dựng Đảng.
Cụ thể, Hội nghị Trung ương 4 khóa 11 ban hành Nghị quyết về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay.
Đến Hội nghị Trung ương 4 khóa 12, ban hành Nghị quyết về “tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ” nhận diện rõ hơn 27 biểu hiện và đề ra các nhóm giải pháp để xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Hội nghị Trung ương 4 khóa 13 không ban hành nghị quyết mà ra kết luận để tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Ngoài ra, trong mỗi nhiệm kỳ, Đảng ta còn ban hành nhiều nghị quyết khác nữa, như khóa 13, đến Hội nghị Trung ương 5 thì bàn tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên; Hội nghị Trung ương 6 bàn về phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.
Bên cạnh đó, Bộ Chính trị cũng ban hành rất nhiều nghị quyết chuyên đề, quy định liên quan đến xây dựng Đảng.
“Tôi thấy chưa có nhiệm kỳ nào ban hành nhiều quy định về xây dựng Đảng như nhiệm kỳ này. Có thể nói, trong nhiệm kỳ này công tác xây dựng Đảng được coi trọng nhất so với các nhiệm kỳ trước”, PGS.TS Nguyễn Viết Thông nhấn mạnh.
Đảng tiếp tục lấy được lòng tin của nhân dân
Đại hội 13 của Đảng xác định: “Trong những năm tới phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”. Nhìn lại hơn nửa nhiệm kỳ qua, đặc biệt là năm 2023, ông thấy công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã đạt được những kết quả như thế nào?
Đến nay, phải khẳng định rằng công tác xây dựng, chỉnh đốn ngày càng tốt hơn, 5 mặt công tác về xây dựng Đảng có nhiều điểm mới.
Đầu tiên là xây dựng Đảng về chính trị, phải nói rằng, đường lối của Đảng ngày càng sát thực hơn. Trung ương ban hành các nghị quyết trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng… đều có tầm nhìn đến năm 2045. Điển hình như nghị quyết về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; nghị quyết về phát triển kinh tế tập thể…
Xây dựng Đảng về tư tưởng tiếp tục được coi trọng; nền tảng tư tưởng của Đảng tiếp tục được bảo vệ vững chắc; đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái, thù địch.
Xây dựng Đảng về đạo đức được coi trọng hơn. Ngay sau Đại hội 13, chúng ta tiếp tục nhấn mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trung ương, Bộ Chính trị ban hành nhiều quy định liên quan đến đạo đức của cán bộ, đảng viên. Ví dụ, Trung ương ban hành quy định mới về những điều đảng viên không được làm - đầy đủ hơn so với nhiệm kỳ trước.
Bộ Chính trị ban hành Kết luận 14 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, khuyến khích cán bộ 7 “dám” (dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới, sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung).
Đặc biệt, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 20 về “chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật” với tinh thần là cán bộ đã giảm sút uy tín thì không nên đảm nhiệm chức vụ đó, nếu thời gian công tác dưới 5 năm thì cho nghỉ hưu, ai còn trên 5 năm thì bố trí công việc khác thấp hơn…
Đáng chú ý, trong xây dựng Đảng về đạo đức, chúng ta đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Điểm mới của nhiệm kỳ này là thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, bước đầu khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”.
Chúng ta xử lý ngày càng nghiêm cán bộ sai phạm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kỳ người đó là ai. Minh chứng cho thấy là nếu khóa 12 có 113 cán bộ cao cấp bị xử lý kỷ luật, thì khóa 13, đến giờ phút này đã gần bằng cả khóa 12.
Xây dựng Đảng về tổ chức, chúng ta tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Như từ nay đến 2030, tiếp tục sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, xã.
Xây dựng Đảng về cán bộ, Đảng nêu rõ, cán bộ là gốc của mọi công việc, muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém.
Hội nghị Trung ương 4 khóa 13 ra kết luận về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng có thêm nhóm nhiệm vụ, giải pháp về công tác cán bộ, nhấn mạnh những việc phải làm, kể cả những thí điểm.
Đặc biệt, tại Hội nghị 8, Trung ương vừa qua đã cho ý kiến về quy hoạch Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa mới (nhiệm kỳ 2026-2031).
Với những kết quả này, cán bộ, đảng viên và nhân dân nhìn thấy Đảng ta đang xây dựng, chỉnh đốn ngày càng tốt hơn. Đảng tiếp tục lấy được lòng tin của nhân dân.
Bên cạnh nhiều kết quả đạt được, còn điều gì cần quan tâm hơn nữa trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, thưa ông?
Hơn nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội 13, trên cả 5 mặt công tác xây dựng Đảng vẫn còn hạn chế, khuyết điểm, nhất là những hạn chế, khuyết điểm kéo dài nhiều nhiệm kỳ nhưng khắc phục chưa triệt để, chưa tốt. Trong đó phải kể đến tình trạng vẫn còn bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống.
Đảng ta xử lý nghiêm vi phạm, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhưng tham nhũng vẫn phức tạp; hậu quả các vụ tham nhũng, tiêu cực được phát hiện, vụ sau lớn hơn vụ trước.
Vụ Việt Á, cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhận hối lộ hơn 2,2 triệu USD; đến vụ Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB, bà Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng 2 (Ngân hàng Nhà nước) nhận hối lộ 5,2 triệu USD.
Nhân dân rất lo khi vụ Vạn Thịnh Phát, bà Trương Mỹ Lan dùng thủ đoạn rút tiền từ ngân hàng hơn 1 triệu tỷ đồng, bằng tổng thu ngân sách những năm trước đây. Người dân nói rằng, nếu có 1-2 bà Trương Mỹ Lan thì rút ruột hết tiền Nhà nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh phải phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Qua vụ Vạn Thịnh Phát và một số vụ khác, chúng ta đã làm tốt chưa?
Tổng Bí thư không đủ sức làm hết, cán bộ phải cùng gương mẫu
Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc từng đặt câu hỏi: “Vì sao vừa qua chúng ta chống tham nhũng quyết liệt, xử lý nghiêm nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm, cả cán bộ cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, nhưng vẫn xảy ra nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn?”. Phải chăng công tác cán bộ của chúng ta vẫn còn những kẽ hở để lọt những “con sâu làm rầu nồi canh”, thưa ông?
Theo tôi có 4 lý do. Thứ nhất, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thực hiện nghiêm quy trình 5 bước không, hay lợi dụng quy định còn sơ hở để lồng ghép mục đích cá nhân.
Thứ hai, Văn kiện Đại hội 13 của Đảng đề cập đến chạy chức, chạy quyền, nhưng nhận diện biểu hiện chưa rõ. Cho nên, tháng 7/2023, Bộ Chính trị ban hành Quy định 114 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Tại quy định này, Bộ Chính trị đã nhận diện rõ các hành vi chạy chức, chạy quyền, lợi dụng chức vụ trong công tác cán bộ, bịt kín những “lỗ hổng”.
Thứ ba, tinh thần phê bình và tự phê bình của cán bộ, đảng viên còn yếu, dĩ hòa vi quý. Cấp trên không dám phê bình cấp dưới vì sợ mất phiếu, thậm chí để có nhiều phiếu tín nhiệm cao, người ta có động tác “đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên”; còn cấp dưới không dám góp ý với cấp trên vì sợ bị trù dập. Vì thế, kết quả kiểm điểm, bình xét đều tốt. Mà tốt thì đó là điều kiện để giới thiệu nhân sự.
Thứ tư, là cơ chế thị trường, sức mạnh của đồng tiền. Cha ông ta nói “đồng bạc đâm toạc tờ giấy”, rồi “cái gì không thể mua được bằng tiền thì mua được bằng rất nhiều tiền”. Thực tế qua các vụ án tham nhũng gần đây cho thấy, người ta đã mua được cán bộ bằng nhiều tiền và rất nhiều tiền.
Hiện nay Trung ương và các cấp đang làm quy hoạch cán bộ cho nhiệm kỳ mới. Theo ông, làm thế nào để chọn đúng và trúng cán bộ vào những vị trí lãnh đạo trong nhiệm kỳ mới?
Với hệ thống các quy định hiện nay, nếu thực hiện nghiêm sẽ thay đổi về chất trong công tác cán bộ. Ta không nên ảo tưởng Quy định 114/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ được ban hành sẽ như “chổi thần” quét sạch cán bộ hư hỏng.
Nhưng quy định này là căn cứ quan trọng để kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Bên cạnh thực hiện nghiêm các quy định, trong công tác cán bộ cần dựa vào dân.
Tôi suy nghĩ mãi, phải chăng cần xây dựng cơ chế hỏi nhân dân về cán bộ, xem uy tín có tốt không; lấy sự hài lòng của nhân dân là một tiêu chí đánh giá cán bộ.
Để Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh hơn thì cán bộ, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng phải nêu gương. Cán bộ thực sự gương mẫu, mọi việc sẽ tốt.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người mẫu mực toàn diện nhưng một mình Tổng Bí thư không đủ sức làm hết tất cả. Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng phải thực sự gương mẫu để cùng xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Chúng ta không duy ý chí, cứ đòi hỏi cán bộ gương mẫu, nhưng không bảo đảm cuộc sống cho họ. “Đói ăn vụng, túng làm liều”, không có cơ chế thì không thể có đội ngũ cán bộ trong sáng được. Chúng ta cần trả lương cao để cán bộ yên tâm công tác, không phải nhận bất kỳ đồng tiền biếu nào.
Đất nước ngày càng tốt lên, Đảng cũng ngày càng tốt lên, đó là xu thế. Nói như vậy không phải tự tốt, mà Đảng phải xây dựng, chỉnh đốn để ngày càng tốt hơn, để lãnh đạo xây dựng, phát triển đất nước nhanh, bền vững.
Đại biểu Quốc hội Chu Hồi nêu thực tế, thời gian gần đây, chúng ta phát hiện và xử lý nhiều vụ án tham nhũng mới với các sai phạm đang diễn ra là một bước tiến trong công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Vấn đề là phải làm sao để ngăn ngừa những vi phạm xảy ra trong tương lai. Hay như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói công cuộc phòng chống tham nhũng phải hướng tới “không thể tham nhũng”, “không muốn tham nhũng” nữa thì mới thành công.
“Muốn thế, theo tôi, bên cạnh giải quyết những vụ án tham nhũng, sự vụ đã xảy ra rồi thì phải nghĩ đến chuyện cải cách thể chế, phải thành lập một tiểu ban "đặc nhiệm" để chuyên rà soát thể chế, rà soát tất cả các lỗ hổng của chính sách và luật pháp có thể dẫn đến tham nhũng, tiêu cực”, đại biểu Chu Hồi đề xuất.
Từ đó sẽ giúp bịt các lỗ hổng bằng một hệ thống thể chế mới, chính sách mới, cơ chế mới. Nếu làm được việc này sẽ tăng tính phòng ngừa và hy vọng từ đây đến cuối nhiệm kỳ những vụ án như Việt Á, đăng kiểm, chuyến bay giải cứu sẽ không còn tái diễn.
“Đã phòng ngừa, tức là ngăn từ sớm, từ xa giống như chăm sóc sức khỏe ban đầu, đừng để đến lúc bị bệnh nặng rồi mới đi chữa”, ông Chu Hồi ví.
Đại biểu TP Hải Phòng cho rằng, cùng với việc “chữa bệnh” quyết liệt thì sắp tới phải “phòng bệnh hơn chữa bệnh” để bệnh tật giảm đi, không xảy ra hoặc xảy ra ít hơn.
“Như vậy cần phải kết hợp hài hòa giữa “xây và chống”. Đấy là nguyên tắc của Đảng trong rất nhiều vấn đề. Bởi vì không xây thì không có nền tảng vững chắc để chống nhưng cũng cần chống để tiếp tục xây tốt hơn. Đây là mối quan hệ rất biện chứng”, đại biểu Chu Hồi nhấn mạnh.
>> Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng
Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV