Tổng Công ty Cầu đường Trung Quốc tha thiết xin đầu tư tuyến cao tốc 19.600 tỷ đồng tại Việt Nam
Dự án đường cao tốc TP. HCM - Mộc Bài có chiều dài 51km, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 19.617 tỷ đồng với 4 làn xe. Tổng Công ty Cầu đường Trung Quốc đã 2 lần gửi văn bản thể hiện mong muốn đầu tư dự án này.
Liên danh Tổng Công ty Cầu đường Trung Quốc (CRBC) và CT Group (Việt Nam) mới đây đã gửi văn bản đến UBND TP. HCM đề xuất tham gia Dự án đường cao tốc TP. HCM - Mộc Bài. Đây là lần thứ hai, CRBC gửi văn bản đến UBND TP. HCM tha thiết mong muốn được đầu tư vào dự án này.
Ảnh minh họa |
Trong văn bản, nhà đầu tư này cho biết đã đầu tư vào thị trường Việt Nam từ năm 1996 và cùng các đối tác Việt Nam trực tiếp thi công các dự án giao thông lớn như: Gói thầu 1A, đường cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây; thi công một phần dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; cầu dây văng Cao Lãnh (gói thầu CW1B)…
Trong khu vực ASEAN, CRBC cũng đang thi công dự án đường cao tốc Phnom Penh - Bavet của Campuchia (tuyến cao tốc này sẽ kết nối với đường cao tốc TP. HCM - Mộc Bài của Việt Nam). Dự án này đã khởi công từ tháng 6/2023 và dự kiến hoàn thành sau 4 năm thi công.
“CRBC xin bày tỏ sự quan tâm lớn đối với Dự án đường cao tốc TP. HCM - Mộc Bài và mong muốn được tham gia vào quá trình đầu tư và xây dựng dự án với vai trò là nhà đầu tư theo đúng luật pháp và quy định của Việt Nam” - văn bản của Liên danh CRBC - CT Group nêu rõ.
Theo tìm hiểu, Dự án đường cao tốc TP. HCM - Mộc Bài có tổng chiều dài 51km; điểm đầu kết nối với đường Vành đai 3 - TP. HCM thuộc huyện Củ Chi, TP. HCM; điểm cuối giao với Quốc lộ 22 (Km53+850) thuộc huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh.
Giai đoạn 1 đầu tư 4 làn xe, vận tốc thiết kế 120km/h. Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 19.617 tỷ đồng, được đầu tư theo hình thức PPP (Hợp đồng BOT). Trong đó, phần vốn nhà đầu tư chịu trách nhiệm thu xếp là 9.943 tỷ đồng. Còn phần vốn Nhà nước tham gia vào dự án là 9.674 tỷ đồng.
Mục đích nhằm giảm tải cho Quốc lộ 22, phát triển chuỗi công nghiệp - đô thị Mộc Bài - TP. HCM - Cảng Cái Mép - Thị Vải gắn với hành lang kinh tế Xuyên Á, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP. HCM và Tây Ninh nói riêng và các tỉnh vùng Đông Nam bộ nói chung.
Dự án sẽ được đấu thầu rộng rãi trong nước có sơ tuyển trong trường hợp có từ 6 nhà đầu tư đăng ký tham gia hoặc đấu thầu rộng rãi quốc tế nếu xuất hiện ít nhất một nhà đầu tư nước ngoài. Để được tham gia dự án, nguồn vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư được yêu cầu tối thiểu 1.491 tỷ đồng, chiếm khoảng 15% tổng nguồn vốn cần thu xếp. Ngoài năng lực tài chính, doanh nghiệp muốn tham gia dự án cũng cần có kinh nghiệm triển khai các công trình khác có tính chất tương tự, như dự án PPP trong lĩnh vực giao thông.
ACV phục vụ 109 triệu khách hàng, lợi nhuận trước thuế đạt 11.981 tỷ đồng
Tập đoàn CRSC Trung Quốc muốn cung cấp các sản phẩm, dịch vụ đường sắt cho dự án metro tại TP. HCM