Top 10 ngân hàng báo lợi nhuận lớn nhất hệ thống trong quý I/2022 vẫn là những cái tên quen thuộc; ngoài VPBank và Vietcombank còn có Techcombank, MB, VietinBank, BIDV, ACB, SHB, HDBank, Sacombank.
Thống kê lợi nhuận, tăng trưởng
Thống kê từ 27 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý I/2022, tổng lợi nhuận trước thuế của nhóm đạt 68.000 tỷ đồng - tăng hơn 16.000 tỷ so với quý I/2021, tương đương tăng 31% trong đó 15 ngân hàng có lợi nhuận trên 1.000 tỷ đồng.
Chỉ có 5 ngân hàng (VietinBank, OCB, Kienlongbank, VietBank, NCB) ghi nhận lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ - chủ yếu do tăng cường trích lập dự phòng rủi ro. Đặc biệt Kienlongbank sụt giảm tới 82% do quý I/2021 ngân hàng ghi nhận khoản thu đột biến từ xử lý được khối tài sản bảo đảm là lượng lớn cổ phiếu STB.
Ngược lại, có những ngân hàng tăng trưởng rất cao trong đó Eximbank là ngân hàng có lợi nhuận tăng cao nhất (gấp 3,8 lần cùng kỳ) đạt 809 tỷ đồng trong quý I/2022.
Theo tờ trình tại ĐHCĐ thường niên 2022, Eximbank đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2022 đạt 2.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, nội dung này chưa được thông qua do cuộc họp bất thành. Nếu theo kế hoạch này, Eximbank đã hoàn thành được 32% kế hoạch năm.
Bên cạnh đó, VPBank và VietABank tăng gần 3 lần trong 3 tháng đầu năm 2022. VietABank có lợi nhuận trước thuế đạt 174 tỷ đồng trong quý I/2022 - tăng 171% so với cùng kỳ, ngân hàng đứng thứ 20 trong bảng xếp hạng - tăng 3 bậc so với cùng kỳ.
Đáng chú ý nhất là VPBank khi ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt tới 11.146 tỷ đồng - tăng 178% so với cùng kỳ. Ngân hàng này từ vị trí thứ 4 trong quý I/2021 đã vọt lên vị trí quán quân lợi nhuận ngân hàng quý I/2022.
Theo đó, Vietcombank – nhà băng "cô đơn" trên đỉnh lợi nhuận nhiều năm qua, hiện tạm thời lui về vị trí thứ 2. Lợi nhuận quý I/2022 của Vietcombank đạt 9.950 tỷ đồng - tăng 15% so với cùng kỳ.
Sự "đổi ngôi" ngày có thể chỉ là tạm thời vì các quý còn lại VPBank khó có nguồn thu đột biến như quý I. Kế hoạch kinh doanh năm nay, VPBank và Vietcombank đều đặt mục tiêu lợi nhuận trên dưới mốc 30.000 tỷ đồng.
Trong top 10 vẫn là những cái tên quen thuộc, ngoài VPBank và Vietcombank còn có Techcombank, MB, VietinBank, BIDV, ACB, SHB, HDBank, Sacombank.
Techcombank và MB vẫn duy trì vị trí Top 3, Top 4 với lợi nhuận lần lượt đạt 6.785 tỷ đồng và 5.909 tỷ đồng, tăng 23% và 29% so với cùng kỳ.
VietinBank do lợi nhuận sụt giảm nên thứ hạng tụt từ vị trí thứ 2 xuống vị trí thứ 5. BIDV và ACB duy trì Top 6, Top 7 với lợi nhuận lần lượt là 4.513 tỷ và 4.114 tỷ đồng.
SHB bứt phá từ Top 10 nhảy lên Top 8 khi ghi nhận lợi nhuận tăng gần gấp đôi - đạt 3.226 tỷ đồng. Vị trí thứ 9, thứ 10 lần lượt là HDBank (2.527 tỷ) và Sacombank (2.424 tỷ).
Nếu tính về tỷ lệ thực hiện so với kế hoạch lợi nhuận năm, Saigonbank hiện đã hoàn thành hơn phân nửa kế hoạch chỉ sau quý I.
Năm 2022, Saigonbank (SGB) đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 190 tỷ đồng - tăng hơn 23% so với kết quả năm 2021. Với lợi nhuận trước thuế quý I đạt gần 99 tỷ đồng - tăng 68%, nhà băng này đã thực hiện được hơn phân nửa kế hoạch sau quý đầu năm.
Trong khi đó, một số nhà băng lại có tiến độ thực hiện kế hoạch lợi nhuận thấp khi tỷ lệ chỉ từ 10 - 19% sau quý đầu năm.
Nợ xấu gia tăng
Kết thúc quý đầu năm 2022, hệ thống ngân hàng tiếp tục đạt được nhiều kết quả khả quan khi phần lớn các thành viên đều ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng, thậm chí tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ. Điều này phần nào phản ánh hướng phục hồi của nền kinh tế mà một biểu hiện là tăng trưởng tín dụng tăng mạnh ngay từ đầu năm, lên mức cao kỷ lục hơn 4% khi kết thúc tháng 3/2022.
Dù vậy, những "mảng xám" cũng đã bắt đầu lộ diện một cách rõ ràng hơn ở chất lượng tài sản mà cụ thể là chất lượng cho vay của nhà băng khi độ trễ tác động bởi COVID-19 dần rút ngắn.
Thống kê từ số liệu báo cáo tài chính quý I/2022 của 27 ngân hàng cho thấy, tính đến ngày 31/3/2021, tổng nợ xấu nội bảng của 27 ngân hàng ở mức gần 109.700 tỷ đồng - tăng 10,6% so với đầu năm.
OCB là ngân hàng có nợ xấu tăng nhanh nhất - tăng 70% so với đầu năm lên 2.293 tỷ đồng trong đó nợ xấu chủ yếu gia tăng ở nợ nhóm 4 có mức tăng tới 2,4 lần lên 698 tỷ đồng. Nợ nhóm 5 (tức nợ có khả năng mất vốn) cũng tăng 38% lên 1.011 tỷ đồng và chiếm 44% tổng nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu bị đẩy mạnh lên 2,17%/cho vay khách hàng so với mức chỉ 1,32% hồi đầu năm.
Tại TPBank, theo con số báo cáo, tổng nợ xấu tính đến cuối tháng 3/2022 cũng tăng tới 48,1% lên 1.714 tỷ đồng trong đó nợ nhóm 3 tăng 80% lên 629 tỷ; nợ nhóm 5 tăng 50% lên 447 tỷ. Dù vậy TPBank vẫn đang duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức khá thấp, chỉ ở mức 1,14%.
Vietcombank cũng chứng kiến số nợ xấu tăng khá mạnh trong kỳ qua với mức tăng 36,8%, lên 8.372 tỷ đồng. Đây cũng là ngân hàng có nợ xấu tăng nhiều nhất, về con số tuyệt đối (2.251 tỷ đồng). Tuy nhiên cũng như TPBank, tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank vẫn ở mức thấp với 0,81%.
Bên cạnh đó, một loạt ngân hàng khác cũng có nợ xấu tăng mạnh trong kỳ với mức tăng từ 20 - 30% bao gồm Saigonbank, NCB,…
Nợ xấu tăng nhanh hơn tốc độ mở rộng của tổng dư nợ khiến tỷ lệ nợ xấu/cho vay khách hàng của nhóm tăng khá mạnh trong 3 tháng đầu năm.
Tỷ lệ nợ xấu/cho vay khách hàng của nhóm theo đó đã tăng từ 1,69% hồi đầu năm lên 1,83% kết thúc tháng 3/2022 trong đó có tới 19/27 thành viên ghi nhận tỷ lệ nợ xấu gia tăng trong thời gian qua.
VPBank, Vietbank và NCB đang là những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao trong nhóm khảo sát, ở mức lần lượt 4,83%, 4,26% và 3,73% trong đó VPBank có đặc thù hợp nhất từ phân khúc tín dụng tiêu dùng của FE Credit, còn riêng ngân hàng mẹ ở 2,27%.