Top 10 cổ phiếu nổi bật phiên 11/8: VIC, DXG, TCH, DPG, STB, VCB, HHS, DCM
Nhịp hồi mạnh của VN-Index nằm ngoài sức tưởng tượng của những nhà đầu tư đã xả hàng thời điểm trước 14h. Nhóm cổ phiếu vừa và lớn ngành bất động sản giao dịch bùng nổ với VIC, DXG, KDH, NVL,...
Thị trường chứng khoán đóng cửa với sắc xanh trên cả 3 sàn. VN-Index tăng 11,6 điểm để vượt trở lại mốc 1.230 đồng thời lấy lại gần như toàn bộ những điểm số đã mất trong phiên trước đó. Bất động sản tiếp tục trở thành nhóm cổ phiếu tâm điểm khi tăng 2,73% và lan tỏa trạng thái tích cực sang một số ngành khác.
VIC - DXG - NVL: Sự hậu thuẫn của dòng tiền lớn
Từ sắc tím của cổ phiếu VIC - Tập đoàn Vingroup đầu phiên sáng, nhịp hưng phấn lan nhanh ra các cổ phiếu vốn hóa lớn và vừa ngành bất động sản trong đó DXG của Tập đoàn Đất Xanh tăng trần.
Ngay sau đó, cổ phiếu KDH của Nhà Khang Điền tăng 4,4%, KBC tăng 3,9%; các mã PDR, VRE, NLG, DIG tăng 2 - 3%; cổ phiếu NVL được kéo từ dưới tham chiếu lên sát mốc 21.000 đồng (+1,5%) - mức cao nhất sau hơn 10 tháng.
Trong số này, VIC, DXG, NVL, DIG đều được hậu thuẫn bởi lực nâng của dòng tiền cá mập và chiến thắng thị trường. Cổ phiếu VIC với thanh khoản hơn 23 triệu đơn vị thậm chí ghi nhận mức kỷ lục từ khi niêm yết; giá trị giao dịch đạt 1.676 tỷ đồng.
Bất động sản đang là nhóm cổ phiếu đáng chú ý thời điểm trước khi thị trường bước vào kỳ nghỉ lễ 2/9 kéo dài. Tuy vậy, câu chuyện giữa nhóm vốn hóa vừa và lớn và nhóm penny là không đồng nhất (phiên hôm nay, các cổ phiếu penny như HQC, ITA, LDG, HPX, IDJ, PXL, HAR,... đều bị xả bán).
Xem thêm: Cổ phiếu VIC tăng 42% sau 2 tuần, Chủ tịch Phạm Nhật Vượng có thêm 15.000 tỷ đồng
STB - Sacombank: Liều doping giúp nhóm cổ phiếu ngân hàng trở lại
Cổ phiếu STB giảm 2,1% trong phiên 10/8 và tăng mạnh 4,3% trong phiên hôm nay. Biên độ tăng được nới rộng sau thời điểm 13h45 và đóng cửa tại mức 31.850 đồng/cp - cao nhất sau 16 tháng. Mã hiện đang hướng lên vùng kháng cự 33.5 - 36.0 đồng khi dòng tiền cá mập đang gia tăng vị thế.
VCB - Vietcombank: Kéo trụ
Sự tích cực của cổ phiếu STB (Sacombank) cũng lan tỏa sang một số cổ phiếu lớn cùng ngành trong đó MSB, CTG, OCB, SSB tăng 1 - 1,5%; các mã VPB, TCB, BID, TPB xanh nhẹ trong khi LPB, MBB, EIB, SHB, ACB kịp hồi lên tham chiếu.
Dấu ấn lớn nhất phải kể đến động thái kéo trụ ở cổ phiếu VCB với lệnh mua ATC gần 250.000 đơn vị đẩy biên độ tăng lên mức 2,1% (mốc 90.400 đồng), cổ phiếu VCB góp cho VN-Index 2,4 điểm tăng đồng thời lấy lại những gì đã mất trong phiên giảm trước đó.
TCH - HHS: Dấu ấn ATC, nhịp tăng nối dài
Cổ phiếu TCH của Tài chính Hoàng Huy từ trạng thái giảm điểm trong phiên sáng được kéo trần lên mức 12.700 đồng/cp nhờ lệnh mua đột biến hơn 2,2 triệu đơn vị trong phiên ATC.
Tương tự, cổ phiếu HHS của Dịch vụ Hoàng Huy cũng được kéo mạnh lên biên độ 6,2% trong phiên ATC và đóng cửa tại mức 7.350 đồng/cp.
Sau hơn 3 tuần tăng mạnh, bộ đôi cổ phiếu Hoàng Huy Group đã tăng 35 - 40% giá trị và neo tại vùng giá cao nhất 15 tháng. Kháng cự gần nhất của TCH là vùng giá trên 13.5x đồng. Riêng HHS đã bắt đầu chạm kháng cự hồi tháng 4/2022. Đây là yếu tố cần cân nhắc.
DPG - FCN: Câu chuyện trúng thầu
Cổ phiếu DPG của Đạt Phương cho tín hiệu mua phiên tăng trần lên mức 42.900 đồng/cp cùng thanh khoản đột biến hơn 2,1 triệu đơn vị. Trước đó, mã đã có 3 tuần tích lũy vùng 40.000 - 41.000 đồng.
Thông tin liên quan, Đạt Phương vừa công bố về việc trúng thầu dự án xây dựng cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Ninh Bình với tỉnh Nam Định thuộc tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng. Tổng giá trị hợp đồng là 1.174 tỷ đồng.
Tương tự, cổ phiếu FCN của Tập đoàn Fecon tăng 1,8% và hình thành nến búa sau khi giảm về hỗ trợ 16.500 đồng/cp. Dù vậy, mã hiện vẫn trong giai đoạn sideway kể từ giữa tháng 7 tới nay.
Giống Đạt Phương, Fecon vừa thông báo trúng thêm 5 gói thầu mới tại nhiều dự án với tổng giá trị đạt 537,1 tỷ đồng trong đó 4 gói thầu là thi công nền móng, công trình ngầm và hạ tầng.
DCM - Đạm Cà Mau: Vận động theo diễn biến khối ngoại?
Nhóm cổ phiếu phân bón đầu ngành DPM - DCM đang được hưởng lợi nhiều từ nhịp tăng của thị trường phân bón. Cổ phiếu DCM tăng 2,2% trong phiên cuối tuần sau khi giảm 2,7% trong phiên trước đó.
Tính từ phiên 25/5, cổ phiếu DCM hiện tăng 40,6% và đang giao dịch ở vùng kháng cự tháng 10/2022. Cổ phiếu DCM đang trong trạng thái quá mua, không thích hợp cho các động thái trading.
Hôm nay, khối ngoại mua ròng trở lại 970.000 đơn vị sau khi bán ra 0,6 triệu cổ phiếu trong phiên trước đó. Từ đầu tháng 7 tới nay, nhà đầu tư nước ngoài đã mua vào hơn 12 triệu cổ phiếu này.
Xem thêm: VN-Index tăng điểm, chứng sĩ "mất hàng"