Sự đóng góp ngày càng lớn của châu Á đối với kinh tế toàn cầu đồng nghĩa với việc tầm ảnh hưởng của các tỷ phú hàng đầu khu vực sẽ còn lớn hơn nữa.
Khi sức ảnh hưởng của châu Á đối với nền kinh tế toàn cầu ngày càng gia tăng, một nhóm tỷ phú từ khu vực này đã trở thành những cá nhân quyền lực và có ảnh hưởng nhất trên thế giới. Không chỉ nắm giữ khối tài sản khổng lồ, những vị tỷ phú này còn đứng sau các dự án kinh doanh và các sáng kiến từ thiện quan trọng.
Dưới đây là danh sách cụ thể về 10 tỷ phú quyền lực nhất châu Á hiện tại, theo tổng hợp từ South China Morning Post.
1. Mukesh Ambani
Tài sản ròng: 87 tỷ USD
Quốc gia/vùng lãnh thổ: Ấn Độ
Dẫn đầu top 10 tỷ phú quyền lực nhất châu Á là tỷ phú Ấn Độ Mukesh Ambani, nằm giữ khối tài sản ròng hơn 87 tỷ USD. Ông là chủ tịch kiêm cổ đông lớn nhất của Reliance Industries, công ty có giá trị nhất Ấn Độ. Năm 2022, tập đoàn đa ngành kinh doanh từ dầu mỏ đến viễn thông của ông chủ Ambani đã trở thành công ty Ấn Độ đầu tiên vượt mốc 100 tỷ USD doanh thu.
Tỷ phú Ambani cũng đã rót số tiền lớn vào các lĩnh vực như viễn thông, năng lượng và bán lẻ trên khắp Ấn Độ. Thông qua Quỹ từ thiện Reliance Foundation, vị tỷ phú giàu nhất Ấn Độ và châu Á đã đóng góp cho giáo dục, chăm sóc sức khỏe, phát triển nông thôn, phổ cập kiến thức số và cứu trợ thiên tai.
2. Zhong Shanshan
Tài sản ròng: 62 tỷ USD
Quốc gia/vùng lãnh thổ: Trung Quốc
Zhong Shanshan là nhà sáng lập của thương hiệu nước suối Nongfu Spring, một trong những nguồn cung cấp nước ngọt sạch lớn nhất Trung Quốc. Ngoài nước đóng chai, Nongfu Spring còn sản xuất đồ uống từ trà, nước trái cây, đồng thời bán cà phê xay.
Bên cạnh đó, vị tỷ phú này còn là chủ sở hữu Công ty Dược sinh học Bắc Kinh Wantai, nhà cung cấp chính bộ dụng cụ xét nghiệm COVID-19 ở Trung Quốc và trên toàn thế giới.
Tỷ phú Zhong Shanshan, nhà sáng lập Nongfu Spring. |
Vị doanh nhân 67 tuổi vượt qua tỷ phú Jack Ma trên bảng xếp hạng Bloomberg Billionaires Index kể từ tháng 9/2020, qua đó trở thành người giàu nhất Trung Quốc cho tới nay, nắm giữ khối tài sản hơn 62 tỷ USD.
Vị tỷ phú còn có các hoạt động từ thiện trong lĩnh vực giáo dục, nước sạch ở các vùng nông thôn của Trung Quốc và xóa đói giảm nghèo.
3. Zhang Yiming
Tài sản ròng: 45 tỷ USD
Quốc gia/vùng lãnh thổ: Trung Quốc
Zhang Yiming là nhà đồng sáng lập và cựu CEO của Beijing ByteDance Technology Co., một trong những tập đoàn công nghệ lớn nhất Trung Quốc, đứng sau ứng dụng mạng xã hội dạng video ngắn nổi tiếng Tiktok. Năm 2022, ByteDance được định giá 75 tỉ USD, thu hút khoảng 1 tỷ người dùng toàn cầu hàng tháng, và được coi là một trong những startup giá trị nhất thế giới.
Zhang Yiming, nhà đồng sáng lập công ty mẹ TikTok. |
Hiện Zhang Yiming đang sở hữu khối tài sản ròng trị giá khoảng 45 tỷ USD. Bên cạnh đó, ông cũng tham gia vào nhiều hoạt động từ thiện khác nhau ở Trung Quốc như cứu trợ đại dịch Covid-19 cùng với các sáng kiến liên quan đến giáo dục và môi trường.
4. Gautam Adani
Tài sản ròng: 44 tỷ USD
Quốc gia/vùng lãnh thổ: Ấn Độ
Vị trí tiếp theo thuộc về tỷ phú Gautam Adani, "ông trùm" kinh doanh người Ấn Độ đứng sau Tập đoàn đa quốc gia Adani (Adani Group). Tập đoàn này hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, cơ sở hạ tầng và quốc phòng. Adani Group hoạt động trên 50 quốc gia trên toàn thế giới với trên 23.000 nhân viên, trong đó Adani cũng đã thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam.
Gautam Adani, Chủ tịch Tập đoàn Adani. |
Hiện ông Gautam Adani đang nắm giữ khối tài sản hơn 44 tỷ USD. Trước đó, năm 2022, ông từng lọt vào top 3 người giàu nhất hành tinh của Bloomberg Billionaires Index, chỉ sau 2 tỷ phú Mỹ Elon Musk và Jeff Bezos. Đây cũng là lần đầu tiên một người châu Á lọt vào top 3 của bảng xếp hạng này.
Bên cạnh đó, Adani cũng tham gia vào các chương trình bảo vệ môi trường, giáo dục, phát triển bền vững, năng lượng sạch, bảo tồn động vật hoang dã và cứu trợ Covid-19.
5. Li Ka-shing
Tài sản ròng: 38 tỷ USD
Quốc gia/vùng lãnh thổ: Hồng Kông (Trung Quốc)
Li Ka-shing là một ông trùm kinh doanh đến từ Hồng Kông, nắm giữ khối tài sản trị giá 38 tỷ USD. Ông đã xây dựng đế chế CK Hutchison Holdings hoạt động trong lĩnh vực từ cảng, bán lẻ, viễn thông đến năng lượng. Đến tháng 5/2018, ông Li rời vị trí Chủ tịch của CK Hutchison và CK Asset Holdings, nhường lại đế chế kinh doanh cho con trai cả Victor Li. Tuy nhiên ông vẫn giữ vai trò cố vấn cao cấp của tập đoàn.
Tỷ phú Li Ka-shing. |
Bên cạnh đó, ông cũng là người sáng lập và giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị của Cheung Kong Holdings – Tập đoàn đa quốc gia lớn nhất Hồng Kông, chiếm 4% tổng vốn hóa thị trường của Sở Giao dịch Chứng khoán Hồng Kông.
Ngoài những khoản đầu tư chiến lược và đầu óc kinh doanh nhạy bén, ông được biết đến và kính trọng khi tích cực tham gia hoạt động từ thiện, quyên góp một phần đáng kể tài sản của mình cho giáo dục, y tế và các hoạt động xã hội.
6. Tadashi Yanai
Tài sản ròng: 37 tỷ USD
Quốc gia/vùng lãnh thổ: Nhật Bản
Tadashi Yanai là người sáng lập và CEO của Fast Retailing, công ty may mặc lớn thứ 3 trên thế giới đồng thời là công ty mẹ của đế chế thời trang Uniqlo. Hiện ông đang nắm giữ khối tài sản trị giá 37 tỷ USD.
Tadashi Yanai, ông chủ công ty mẹ Uniqlo. |
Ông Yanai cũng đã tham gia vào nhiều sáng kiến từ thiện khác nhau, bao gồm cứu trợ thiên tai. Trong đó phải kể đến việc quyên góp hơn 200 tỷ đồng cho các nạn nhân của trận động đất ở Sendai vào tháng 3/2011. Ngoài ra, ông cũng thể hiện cam kết đối với phúc lợi xã hội, giáo dục và phát triển bền vững ở cả Nhật Bản và trên toàn thế giới.
7. Pony Ma Huateng
Tài sản ròng: 35 tỷ USD
Quốc gia/vùng lãnh thổ: Trung Quốc
Ma Huateng, còn được gọi là Pony Ma, để phân biệt với Jack Ma - nhà sáng lập hãng thương mại điện tử Alibaba, bởi cả hai đều mang họ Ma. Hiện ông nắm giữ khối tàn sản trị giá 35 tỷ USD.
Ông Ma Huateng là người sáng lập kiêm CEO Tencent Holdings, công ty Internet hàng đầu Trung Quốc hiện nay. Các ứng dụng nhắn tin và thanh toán di động như QQ và WeChat của Tencent đã trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày của người dân Trung Quốc.
Tầm ảnh hưởng của tập đoàn này cũng vươn ra khỏi thị trường nội địa, với vị thế là một trong 3 công ty game có vốn hóa thị trường cao nhất thế giới, chỉ sau Microsoft và Sony.
Ông chủ Tencent Pony Ma Huateng. |
Bên cạnh đó, ông cũng đã tham gia vào các sáng kiến từ thiện và môi trường, bao gồm cả Quỹ Tencent do ông thành lập vào năm 2007. Tập trung vào cứu trợ thiên tai và hỗ trợ người nghèo, quỹ đã quyên góp hàng triệu USD cho các chương trình khác nhau, bao gồm xây dựng trường học, trao học bổng và hỗ trợ chăm sóc sức khỏe.
8. Robin Zeng
Tài sản ròng: 34 tỷ USD
Quốc gia/vùng lãnh thổ: Trung Quốc
Robin Zeng (Zeng Yuqun) là một doanh nhân người Trung Quốc, là người sáng lập và chủ tịch của Contemporary Amperex Technology (CATL), một trong những nhà sản xuất pin xe điện lớn nhất thế giới. Công ty này cung cấp pin cho hầu hết các nhà sản xuất ô tô trên thế giới, bao gồm G.M., Volkswagen, BMW và Tesla.
Robin Zeng, ông chủ CATL. |
Với giá trị tài sản ròng hơn 34 tỷ USD, ông Zeng đã thúc đẩy sự phát triển, áp dụng các giải pháp năng lượng sạch và giảm lượng khí thải carbon ra môi trường, thông qua công nghệ pin đổi mới của CATL.
9. William Lei Ding
Tài sản ròng: 28 tỷ USD
Quốc gia/vùng lãnh thổ: Trung Quốc
William Lei Ding là nhà sáng lập đồng thời là Giám đốc điều hành của NetEase, một trong những công ty kinh doanh về lĩnh vực game online lớn nhất thế giới. Hiện ông đang nắm giữ khối tài sản ròng trị giá 27,9 tỷ USD. Nhờ vào trò chơi điện tử, Lei Ding đã trở thành người giàu nhất Trung Quốc vào năm 2003 khi mới chỉ 32 tuổi.
CEO NetEase, William Lei Ding. |
Bên cạnh hoạt động kinh doanh, ông Ding cũng đã thành lập Quỹ từ thiện Ding Foundation, tập trung hỗ trợ các chương trình và sáng kiến giáo dục mang lại lợi ích cho học sinh và cộng đồng có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt chú trọng đến giáo dục khoa học và công nghệ.
10. Jack Ma
Tài sản ròng: 24 tỷ USD
Quốc gia/vùng lãnh thổ: Trung Quốc
Người sáng lập Tập đoàn Alibaba, một trong những công ty thương mại điện tử lớn nhất thế giới và là chủ sở hữu của tờ South China Morning Post, Jack Ma hiện sở hữu khối tài sản ròng trị giá hơn 23,8 tỷ USD.
Tỷ phú Jack Ma. |
Ngoài ra, ông cũng tham gia vào các sáng kiến từ thiện, bao gồm thành lập Jack Ma Foundation, thúc đẩy tinh thần kinh doanh, giáo dục, khả năng lãnh đạo của phụ nữ, hỗ trợ y tế và bảo vệ môi trường.
Vị tỉ phú 58 tuổi đã rời khỏi Tập đoàn Alibaba hơn 2 năm trước, vào thời điểm Chính phủ Trung Quốc siết quản lý ngành công nghệ. Gần đây, ông đã đảm nhận vị trí giáo sư thỉnh giảng tại trường Tokyo College, một phần của Đại học Tokyo danh tiếng Nhật Bản.
‘Ông trùm’ tiền điện tử chi 6,2 triệu USD mua... một quả chuối
15 thành phố có nhiều tỷ phú siêu giàu nhất trên thế giới, Trung Quốc có đến 4 đại diện