Mang trữ lượng vàng khổng lồ cung cấp cho toàn thế giới nhưng nhiều mỏ vàng vẫn bị ghẻ lạnh bởi sự nguy hiểm đến chết người của nó.
Những ngày gần đây, vàng đã tăng giá chóng mặt. Trong tuần, vàng nhẫn vượt ngưỡng 7 triệu đồng/lượng và vàng SJC vượt ngưỡng 8 triệu đồng/lượng, lập kỷ lục giá vàng từ trước đến nay.
Trước tình trạng trên, nhiều người thắc mắc vàng được sản xuất thế nào và tồn tại ở đâu trên thế giới mà nó đắt đỏ đến vậy. Cùng điểm qua một số mỏ vàng cung cấp trữ lượng khổng lồ trên thế giới.
Mỏ vàng sâu nhất hành tinh
Mỏ vàng này nằm sâu trong lòng đất với điều kiện nhiệt độ vô cùng khắc nghiệt
Mỏ vàng Mponeng, Nam Phi nằm ở độ sâu 4km bên dưới bề mặt Trái Đất là mỏ vàng sâu nhất hiện nay. Thợ mỏ làm việc trong hầm vàng này phải đi thang máy 90 phút mới tới nơi, mặc đồ bảo hộ và đeo thiết bị thở khẩn cấp.
Giếng mỏ sâu đến mức gradient địa nhiệt của Trái Đất trở thành vấn đề lớn khi càng xuống sâu trong lòng Trái Đất thì nhiệt độ càng tăng lên. Nhiệt độ đất đá có thể lên tới 60 độ C, vượt xa mức nhiệt con người có thể chịu được. Điều này khiến các công ty khai thác phải vắt óc nghĩ cách làm mát, giúp duy trì hầm mỏ sâu nhất thế giới ở nhiệt độ có thể làm việc được bất chấp phần lõi nóng chảy của hành tinh.
Khai thác mỏ ở độ sâu cực lớn đòi hỏi tạo ra và duy trì những đường hầm có thể chịu áp suất của đất đá xung quanh mà không sụp đổ. Mỗi ngày, 2.300kg thuốc nổ được sử dụng để dọn dẹp 6.400 tấn đá, theo Kỷ lục Thế giới Guinness.
Ngoài cung cấp vàng, Mponeng còn mang đến nhiều phát hiện bất ngờ. Năm 2006, giới nghiên cứu phát hiện tổ chức sinh vật đầu tiên sống độc lập với mặt trời trong mỏ vàng. Chúng dựa vào hoạt động phóng xạ để lấy năng lượng và có thể là ví dụ về cách sự sống có thể tồn tại trên hành tinh khác.
Mỏ vàng nằm sâu dưới biển
Mỏ vàng khổng lồ này được tìm thấy ở dưới đáy biển gần một đảo thuộc thị xã Lai Châu, Sơn Đông, Trung Quốc – nơi có trữ lượng vàng dồi dào và là một trong những vùng sản xuất vàng chính ở Trung Quốc.
Các chuyên gia ước tính trong mỏ vàng mới phát hiện có tới 470 tấn vàng thô, nằm sâu 2.000m dưới đáy biển. Mỏ vàng này cũng được công nhận là mỏ vàng dưới biển đầu tiên tại Trung Quốc.
Viện Nghiên cứu địa chất và khoáng sản tỉnh Sơn Đông cho biết, họ đã phải huy động hơn 1.000 công nhân, tổ chức 67 cuộc khoan thăm dò khác nhau với tổng cộng 120km đường khoan trong khoảng 3 năm mới tìm ra được mỏ vàng này và việc khai thác cũng không phải dễ dàng.
Mỏ vàng lớn nhất thế giới
Mỏ vàng Grasberg mang lại trữ lượng vàng khổng lồ cho thế giới
Quán quân mang lại trữ lượng vàng lớn nhất thế giới phải kể đến mỏ Grasberg, Indonesia. Grasberg thuộc sở hữu của công ty khai thác mỏ Feeport McMoRan, có trụ sở tại Arizona, Mỹ.
Mỏ nằm ở độ cao 4.100m so với mực nước biển, được phát hiện vào năm 1936 bởi một nhà địa chất người Hà Lan. Mỏ vàng Grasberg có khoảng 30.000 công nhân làm việc. Năm 2018, mỏ này sản xuất khoảng 2,7 triệu ounce vàng. Sản lượng vàng đạt mức cao nhất vào năm 2001, với sản lượng trên 3,5 triệu ounce.
Nguồn quặng vàng dồi dào này đã thu hút người nghèo tìm kiếm vận may. Khai thác vàng bất hợp pháp, tức không giấy phép, có thể mang lại lợi nhuận cho một số chủ lẫn thợ, nhưng các mỏ bất hợp pháp cũng có thể là ngôi mộ tập thể chôn vùi họ.
Tháng 7/2023, 8 thợ đào vàng đã bị vùi chết khi nước ngầm làm sụp hố đào sâu 60m tại làng Pancurendang, tỉnh Central Java. Tháng 4/2022, một vách đá đổ sập tại mỏ khai thác trái phép ở tỉnh North Sumatra, chôn vùi 12 nữ công nhân. Năm 2021, 6 thợ mỏ thiệt mạng tại mỏ vàng trái phép ở tỉnh Central Sulawesi. Năm trước nữa, 11 thợ mỏ chết tại 1 mỏ vàng không có giấy phép trong vụ việc tương tự ở South Sumatra...
Chính sự nguy hiểm đó đã khiến nhà chức trách đưa ra động thái đóng cửa hoàn toàn mỏ vàng vào 10/2011 do những lo ngại về an ninh và các đường vận chuyển đã bị khóa. Công nhân ở mỏ Grasberg đã đình công trong suốt hai tháng nhằm đòi tăng lương. Họ cho rằng, tại các mỏ khác trên thế giới, tiền lương cao hơn ở đây ít nhất 9 lần. Tuy nhiên, sự nguy hiểm chết người của mỏ vàng vẫn khiến các nhà chức trách chưa tính đến chuyện mở hầm trở lại.
Mỏ vàng cao nhất thế giới
Mỏ vàng La Rinconada nằm trên dãy núi tuyết khổng lồ Andes cao hơn 5.000m ở Peru là nguồn sống của những con người nghèo khổ nhất. Dân cư nơi đây chỉ khoảng 50.000 người, sống trong thời tiết thường xuyên ở mức âm độ.
Thị trấn La Rinconada nằm biệt lập ở độ cao 5.000m so với mực nước biển. Đường lên thị trấn là một con đường núi đầy cỏ, đá, bụi bẩn và băng tuyết nguy hiểm. Hành trình từ chân núi lên thị trấn phải mất vài ngày.
Cư dân ở đây sống dựa nghề khai thác vàng. Trên núi là các mỏ vàng nhỏ nằm rải rác quanh sườn núi, không được chính quyền quản lý và không an toàn. Dân số trong thị trấn biến động theo giá vàng. Trong thời gian 2001-2012, khi giá vàng tăng hơn 200%, dân số thị trấn cũng tăng vọt và giảm xuống trong những năm gần đây.
Nhà cửa ở vùng mỏ rất sơ sài, đa số đều lợp tôn tạm bợ, thiếu điện thiếu nước. Cơ sở hạ tầng hầu như không có. Đường phố dễ bị ngập lụt khi tuyết tan, người dân chủ yếu dùng nhà vệ sinh công cộng. Nhiễm trùng đường hô hấp và tiêu chảy cấp tính là hai bệnh phổ biến vì sử dụng nguồn nước nhiễm thủy ngân trong quá trình đãi vàng.
Phu vàng La Rinconada leo núi 30 phút mỗi ngày để tới các mỏ vàng chứa đầy khí độc hại, thủy ngân, xyanua và thiếu oxy. Bởi vậy, khoảng 30 người chết mỗi năm do tai nạn ở đây như sập hầm, nổ hầm, ngạt khí và có hơn 70 người tử vong do đấu súng hoặc chém giết tranh giành vàng, theo tờ Newyork Times.
Mỏ vàng "cô đơn" nhất hành tinh
Mỏ vàng Kupol là một trong những mỏ vàng khó khai thác nhất thế giới
Mỏ vàng Kupol nằm ở vùng xa xôi nhất về phía Đông Bắc (Nga). Mỏ vàng Kupol được phát hiện vào khoảng những năm 1940, nằm sâu trong lớp băng. Đây là nơi có trữ lượng vàng khổng lồ lên tới 4.500 tấn vàng. Vậy nên, không ngoa khi nói rằng chỉ cần cầm xẻng xúc nhẹ cũng có thể thu về rất nhiều vàng.
Mỏ vàng Kupol có trữ lượng vàng lớn nhưng do vị trí nằm trong vòng cực Bắc, thời tiết tại nơi đây vô cùng khắc nghiệt, quanh năm được bao phủ bởi băng tuyết nên ít người khai thác. Bên cạnh đó, địa hình nơi đây hết sức phức tạp, điều kiện di chuyển hạn chế, xung quanh cằn cỗi, không thể ở lại khiến mọi hoạt động của con người trở nên khó khăn. Vì vậy, mỏ vàng bị cô lập rất nhiều năm.
Năm 1990 Chính phủ Nga đã lên kế hoạch khai thác mỏ vàng này và đầu tư nhiều kinh phí mua các thiết bị khai thác hiện đại. Mỏ Kupol hiện có khoảng hơn 1.200 thợ tiến hành khai thác. Mỗi lần, họ sẽ chỉ vào mỏ ở khoảng 2 tháng và làm việc liên tục trong 12 tiếng ở môi trường cực kỳ khắc nghiệt.
Mỏ vàng giữa sa mạc bỏng cháy
Tháng 7/2020, Bộ Dầu mỏ và các nguồn tài nguyên Ai Cập thông báo quốc gia này đã phát hiện một mỏ vàng khổng lồ ở sa mạc phía Đông với trữ lượng khoảng 1 triệu ounce (hơn 35 tấn) và có tiềm năng khai thác lên tới 95%. Theo giá thị trường hiện nay thì trữ lượng vàng ở mỏ có trị giá ít nhất 1,8 tỉ USD.
Phát hiện quan trọng này là kết quả của sự hợp tác đầu tư và thăm dò giữa Công ty Tài nguyên khoáng sản Shalateen cùng nhiều doanh nghiệp và tổ chức nhà nước khác như Cơ quan Tài nguyên khoáng sản Ai Cập (EMRA), Tổ chức Sản phẩm dịch vụ quốc gia (NSPO), Ngân hàng Đầu tư quốc gia (NIB) và Công ty Tài nguyên khoáng sản Ai Cập.
Trên cơ sở đó, một liên doanh giữa Công ty Shalateen và EMRA sẽ được thành lập để cùng thực hiện thăm dò, đưa doanh nghiệp này trở thành nhà khai thác vàng và tài nguyên thứ ba tại đất nước Bắc Phi, sau Công ty Sukari Gold Mining và Hammash Misr.
Thủ tướng: Xử lý ngay chênh lệch giá vàng miếng trong nước với thế giới
Giá vàng hôm nay 20/3/2024 ở ngay 'bờ vực', chờ quyết định quan trọng