Vĩ mô

TP.HCM: Bến xe miền Đông mới 4.000 tỷ đồng ế như chợ chiều

Khắc Thành - Tây Côn 13/11/2024 09:47

Là bến xe lớn nhất cả nước với tổng mức đầu tư 4.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn một khoảng 740 tỷ đồng được đưa vào khai thác chính thức cách đây bốn năm (10/2020) nhưng hiện tại Bến xe miền Đông mới do Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn - Samco làm chủ đầu tư vẫn… ế khách và vắng các nhà xe.

Bài 1: Lưa thưa khách đến, lèo tèo khách đi

Nhắc đến bến xe khách liên tỉnh là nói về những đông đúc và ồn ào nhưng khung cảnh tại Bến xe miền Đông mới (giáp ranh giữa TP.HCM và Bình Dương) trong nhiều ngày liên tiếp phóng viên ghi nhận tại đây lại cho thấy một hiện thực rất khác, vắng vẻ và đìu hiu.

TP.HCM: Bến xe miền Đông mới 4.000 tỷ đồng ế như chợ chiều ảnh 1
Bến xe miền Đông mới hoạt động chính thức vào tháng 10/2020.

Sáng ngày 6/11

Lúc 8 giờ sáng ngày 6/11, phóng viên có mặt tại Bến xe miền Đông cũ toạ lạc ở P.26, Q.Bình Thạnh. Cổng chính nằm trên đường Đinh Bộ Lĩnh treo bảng thông báo hiện nay chỉ còn các tuyến đường từ TP.HCM đi các tỉnh: Bình Dương, Bình Phước, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai và Kon Tum.

Trong khu vực bán vé còn lại một số nhà xe đi về giữa các địa phương vừa nêu, nằm tập trung từ quầy vé số 1 đến 30, như: Nhà xe Hoàng Tâm về Đắk Nông, Nhà xe Thuận Tiến đi Pleiku, Nhà xe Thuận Phát lên Kon Tum… và rải rác ở một số dãy khác. Thời điểm này, khách đến bến xe cũ tương đối vắng vẻ, phần vì không phải cao điểm đi lại, phần do các tuyến xe đi tỉnh Lâm Đồng, từ tỉnh Bình Thuận dọc miền Trung ra phía Bắc đã được di dời ra Bến xe miền Đông mới.

Hiện nay, từ Bến xe miền Đông cũ có nhiều tuyến xe buýt công cộng toả đi các hướng trong thành phố, như số: 14, 24, 43, 45, 64, 146… Tuy nhiên, nhân viên trạm điều hành cho biết chỉ có xe buýt số 603 đi ngang Bến xe miền Đông mới. “Tuyến 603 phải chờ khoảng 30 phút, nếu muốn nhanh hơn thì anh đi bộ ra Quốc lộ 13 đón xe 93 vào thẳng bến mới, ngoài ra không có xe nào khác”, nhân viên hướng dẫn lúc 8 giờ 55 phút cùng ngày.

TP.HCM: Bến xe miền Đông mới 4.000 tỷ đồng ế như chợ chiều ảnh 2
Bến xe miền Đông cũ (Q.Bình Thạnh) chỉ còn các tuyến đường từ TP.HCM đi các tỉnh: Bình Dương, Bình Phước, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai và Kon Tum.

Chúng tôi đợi khoảng 20 phút sau thì xe 603 nổ máy. Đây là xe buýt của hãng Phương Trang chạy tuyến Bến xe miền Đông cũ – Khu Công nghiệp Nhơn Trạch (Đồng Nai). Giá vé cho toàn tuyến là 45.000 đồng/lượt, hành khách xuống tại Bến xe miền Đông mới giá 20.000 đồng/lượt. Tài xế cho hay, ngoài 603, Phương Trang còn có xe số 67 về bến mới nhưng xe này chủ yếu trung chuyển khách của hãng, không phải vận chuyển hành khách công cộng và thời gian đợi khá lâu.

Xe 603 chở phóng viên cùng 5 hành khách khác rời bến cũ lúc 9 giờ 20 phút, di chuyển ra hướng Hàng Xanh, xuôi theo đường Võ Nguyên Giáp (xa lộ Hà Nội cũ) và ghé bến mới lúc 9h57 phút. Lúc này, Bến xe miền Đông mới vắng hoe, toàn khu vực bán vé chỉ có khoảng 60-80 người kể cả nhân viên bến. Các quầy vé vắng tênh, những hàng ghế còn vô số chỗ trống, số lượng hành khách duy trì trong khoảng này suốt 60 phút tiếp theo.

Đến 11h cùng ngày, khi phóng viên rời bến, hành khách cũng không vượt quá 100 người đợi khởi hành. Tại bãi xe buýt bên cạnh Bến xe miền Đông mới chỉ duy nhất xe số 93 về lại Bến xe miền Đông cũ, và hành trình của phóng viên kéo dài gần 60 phút mới tới nơi.

TP.HCM: Bến xe miền Đông mới 4.000 tỷ đồng ế như chợ chiều ảnh 3
Từ 10 giờ đến 11 giờ sáng ngày 6/11, lượng khách đến Bến xe miền Đông mới vô cùng vắng vẻ.

Chiều ngày 7/11

Lúc 14 giờ chiều ngày 7/11, phóng viên di chuyển bằng xe máy từ vòng xoay Điện Biên Phủ (Q.1) và khoảng 30 phút sau đến Bến xe miền Đông mới với quãng đường dài chừng 19km. Khu vực nhà ga trung tâm được thiết kế 4 tầng nổi và 2 tầng hầm nhưng hiện tại chỉ có một tầng hầm và tầng trệt được đưa vào sử dụng.

Tầng hầm B1 theo thiết kế rộng khoảng 15.680m2, bố trí làm nơi trả khách và bãi đỗ xe. Lượng xe máy và ô tô gửi tại tầng hầm chỉ chiếm khoảng 1/3 diện tích, còn lại để trống. Giá vé gửi xe máy tại bến là 4.000 đồng/lượt từ 6 giờ – 18 giờ, 6.000 đồng/lượt từ 18 giờ - 6 giờ và 10.000 đồng/ngày đêm; Giá vé gửi xe ô tô là 35.000 đồng/lượt 4 giờ, quá 4 giờ sẽ tính giá vé sang lượt tiếp theo.

TP.HCM: Bến xe miền Đông mới 4.000 tỷ đồng ế như chợ chiều ảnh 4
Lượng xe máy và ô tô gửi tại tầng hầm chỉ chiếm khoảng 1/3 diện tích, còn lại để trống.

Khu vực tầng trệt sử dụng làm nơi đón khách, quầy bán vé và sảnh chờ. Trong nhiều giờ đồng hồ, phóng viên ghi nhận có khoảng 200 – 300 lượt hành khách đến Bến xe miền Đông mới để mua vé, chờ lên xe, giao nhận hàng hoặc đón người thân. Ngoài khu vực bán vé của hãng xe Phương Trang khá tấp nập, xếp sau là hãng Kumho, còn lại hầu hết các quầy bán vé khác ế ẩm. Cả buổi chiều chỉ có vài người đến hỏi mua vé, thậm chí nhiều quầy không có nhân viên trực mà chỉ dán tên nhà xe trên khung kính.

Từ 14 giờ 30 – 17 giờ 30 có gần 20 lượt xe khách xuất bến nhưng lượng hành khách lên xe tại đây không nhiều, thậm chí có chuyến chỉ một vài hành khách. Lượng xe cập bến trả khách cũng tương đương lượng xe xuất bến, đa phần là xe trống, chỉ một vài người xuống xe, trừ hãng Phương Trang.

TP.HCM: Bến xe miền Đông mới 4.000 tỷ đồng ế như chợ chiều ảnh 5
Số lượng khách ít ỏi và những hàng ghế để trống vào chiều ngày 7/11 tại Bến xe miền Đông mới.

Cô Tư đến nhà ga lúc 14 giờ 45 để mua vé chuyến xe lúc 16 giờ 30 của Hợp tác xã xe khách liên tỉnh và du lịch Đông Bắc về Phan Rí (Bình Thuận). Cô cho biết, bản thân điều trị bệnh ung thư vú tại Bệnh viện Ung Bướu (cơ sở 2) và vừa xuất viện. Cô đến bến xe chờ gần hai tiếng để được lên xe: “Bên trong nhà ga nóng quá, không bật máy lạnh thì cũng lắp ít quạt gió cho người ta ngồi chờ, chứ cứ hầm hập thế này người khỏe cũng không chịu nổi chứ nói gì người bệnh như tôi”, cô Tư phàn nàn và nằm xuống ghế chờ để nghỉ ngơi.

Tối ngày 8/11

Thông thường, chiều tối thứ Sáu hằng tuần là quãng thời gian đông đúc nhất của các bến xe khách liên tỉnh, người dân thường về quê hoặc đi du lịch các tỉnh lân cận TP.HCM vào khung giờ này, và Bến xe miền Đông mới cũng không phải là ngoại lệ. Giờ tan tầm chiều ngày 8/11, phóng viên lần thứ ba liên tiếp trong ba ngày có mặt tại đây để ghi nhận lượng khách ra vào bến xe lớn nhất cả nước.

Lúc 17 giờ, xe khách Phương Trang chuyến Đà Lạt – TP.HCM cập bến được chừng 15 phút. Một số hành khách di chuyển ra cổng trước bến xe để về nhà bằng xe ôm công nghệ hoặc taxi. Phần đông nán lại khu vực nhà chờ ở tầng hầm đợi xe trung chuyển của hãng vận tải này khởi hành về Bến xe miền Đông cũ hoặc ngã tư Hàng Xanh.

TP.HCM: Bến xe miền Đông mới 4.000 tỷ đồng ế như chợ chiều ảnh 6
Tối ngày 8/11, số lượng khách đến Bến xe miền Đông mới có đông hơn hai ngày trước đó nhưng cũng không đáng kể.

Ở khu vực chờ ở tầng trệt, số lượng khách đợi xuất bến dù có đông hơn hai ngày trước nhưng con số cũng khiêm tốn. Từ 17 giờ 30 đến 18 giờ 30, khu vực này có khoảng hơn 100 người. Số lượng hành khách đến bến tăng lên khoảng 250 người ở thời điểm 18 giờ 50. Tuy nhiên, sau khi vài chuyến xe khởi hành, khu vực chờ đìu hiu trở lại, duy trì trung bình khoảng 150 hành khách.

Số lượng khách đến Bến xe miền Đông mới chủ yếu đi xe khách Phương Trang về các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hoà… và Lâm Đồng. Theo ghi nhận trên bảng điện tử của bến xe, số lượng xe xuất bến của hãng này áp đảo, chiếm tới 70-80%, tương đương phần trăm tổng số lượng hành khách tại bến xe mới.

Nhìn chung trong nhiều ngày ghi nhận, bến xe 4.000 tỷ đồng khá ảm đạm dù cơ sở vật chất dù được đầu tư khá hiện đại, kết hợp nhiều dịch vụ như kinh doanh bãi đậu, sửa xe, trạm tiếp nhiên liệu, giao dịch hàng hóa, thương mại...; cùng với đó là các tiện nghi đi kèm như: ghế chờ từ inox đến sofa, quầy thuốc tây, trụ ATM, quán ăn uống đến khu vực sạc pin điện thoại… nhưng khách thì chẳng bao nhiêu.

TP.HCM: Bến xe miền Đông mới 4.000 tỷ đồng ế như chợ chiều ảnh 7
Hành khách đông nhất thuộc về hãng Phương Trang, xếp sau là Kumho, các hãng còn lại khá ít.

Bến xe miền Đông mới nằm trên trục Quốc lộ 1A được quy hoạch phục vụ hơn 7 triệu lượt hành khách đi các tỉnh miền Đông, miền Trung và miền Bắc, đáp ứng nhu cầu mỗi ngày khoảng 21.000 hành khách với 1.200 lượt xe xuất bến, ngày cao điểm lễ, Tết lên đến 52.000 hành khách với hơn 1.800 lượt xe xuất bến. Tuy nhiên, thực tế sau bốn năm đưa vào khai thác, Bến xe miền Đông mới vẫn ế như chợ chiều. Vì sao?

Bài 2: Người dân từ chối đi xa, nhà xe đi vòng đón khách

>> Vì sao bến xe lớn nhất Việt Nam 'ế ẩm'

Vì sao bến xe lớn nhất Việt Nam 'ế ẩm'

Định vị vai trò của các bến xe

Theo ngaynay.vn
https://ngaynay.vn/tphcm-ben-xe-mien-dong-moi-4000-ty-dong-e-nhu-cho-chieu-post153344.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    TP.HCM: Bến xe miền Đông mới 4.000 tỷ đồng ế như chợ chiều
    POWERED BY ONECMS & INTECH