TP.HCM đang nỗ lực thực hiện thúc đẩy phát triển kinh tế số với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đóng góp khoảng 25% và đến năm 2030 là 40% trong GRDP, cao hơn mục tiêu quốc gia từ 5-10%.
Thông tin trên được ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM đưa ra tại Hội thảo về thúc đẩy kinh tế số TP.HCM phát triển bền vững, được tổ chức sáng ngày 7/9/2023.
Theo ông Lâm Đình Thắng, trong thời gian qua, TP.HCM đang tràn đầy khát vọng lấy lại vị thế và tốc độ tăng trưởng kinh tế của mình. Bằng chứng sống động nhất là sự chuẩn bị, đề xuất, tham gia trình Quốc hội và triển khai thực hiện sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 98 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Để hiện thực hoá khát vọng ấy, Thành phố xác định nhiều giải pháp trong đó có những giải pháp đột phá về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Về kinh tế số, TP.HCM đang thúc đẩy phát triển với nhiều giải pháp như lồng ghép các chỉ tiêu phát triển kinh tế số trong nghị quyết của Đảng bộ, chương trình phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của Thành phố. TP. HCM cũng đã tập trung phát triển hạ tầng số, thúc đẩy thanh toán không tiền mặt ở các lĩnh vực, đặc biệt ở lĩnh vực thủ tục hành chính, giáo dục, y tế, giao thông vận tải…
Nhờ các giải pháp nêu trên, năm 2021, kinh tế số TP.HCM đạt tỉ trọng 15,48% và năm 2022 đạt 18,66% GRDP.
Mặc dù còn gặp nhiều thách thức như nhận thức, hiểu biết về kinh tế số ở nhiều nơi, nhiều cấp, nhiều ngành chưa đầy đủ; Phương pháp và công cụ đo lường chưa thống nhất, khi chưa có một phương pháp thống nhất từ Trung ương đến địa phương; Các chính sách, giải pháp và nguồn lực để hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số còn nhiều khó khăn, nhưng theo ông Lâm Đình Thắng, Thành phố đang nỗ lực thực hiện thúc đẩy phát triển với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 kinh tế số đóng góp khoảng 25% và đến năm 2030 là 40% trong GRDP của Thành phố, cao hơn mục tiêu quốc gia từ 5-10%.
Về định hướng phát triển kinh tế số TP.HCM, theo PGS.TS Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ TT&TT, vị trí của kinh tế số trong nền kinh tế TP. HCM ngày càng vững chắc, trở thành động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng ổn định và bền vững dựa trên 4 trụ cột chính: Công nghiệp ICT, chuyển đổi số các ngành công nghiệp, quản trị số và giá trị hóa dữ liệu.
Tuy nhiên, theo ông Trần Minh Tuấn, cách tiếp cận của TP.HCM cần bổ sung thêm một số nội hàm mới ở các trụ cột quản trị số và giá trị hóa dữ liệu. Đồng thời, TP.HCM cũng cần có cách làm đột phá khi chuyển nhanh một số khâu của nền kinh tế sang online, dùng các khâu online này để tăng tốc, để thúc đẩy các khâu còn lại. Phổ cập hóa ứng dụng AI, nhưng phải là AI của Việt Nam phát triển. Đồng thời, xây dựng bản đồ chính sách về phát triển kinh tế số, trong đó đặc biệt là cần khuyến khích thí điểm tất cả các loại hình, sau đó tiến hành tiêu chuẩn hoá, nâng cao hiệu quả quản lý giám sát, quản trị số. Xây dựng hệ thống chiến lược kinh tế số với liên kết ngang mà vai trò của Sở TT&TT là quan trọng và thâm nhập dọc, đi sâu vào từng ngành, lĩnh vực, dựa trên các yếu tố nền móng để phát triển kinh tế số theo từng ngành, lĩnh vực.
Đại diện Bộ TT&TT cho biết, để đạt được mục tiêu kinh tế số với tỉ trọng 40% GRDP vào năm 2030, TP.HCM không thể đi một mình mà phải hình thành không gian lực kéo liên kết vùng, mà ở đây hình thành bố cục lực kéo theo tầng tập trung vào các địa phương lân cận, lan tỏa rộng rãi và thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số của vùng.
Cụ thể, TP.HCM với thế mạnh là dịch vụ CNTT, phần mềm… cần kết hợp với các tỉnh thành như Bình Dương, Đồng Nai và Bà rịa – Vũng Tàu, nơi có các khu công nghiệp có thể cạnh tranh trong lĩnh vực phần cứng. Bên cạnh đó, TP. HCM có năng lực dẫn dắt chuyển đổi số vì thế cần xây dựng Trung tâm dữ liệu lớn toàn vùng Đông Nam Bộ. Thiết lập danh mục thống nhất các tài nguyên dữ liệu công cộng cần thu thập; thiết lập cơ chế chia sẻ dữ liệu công cộng với Trung tâm dữ liệu lớn toàn vùng để thúc đẩy kết nối dữ liệu công cộng và các hệ thống kinh doanh liên quan; mở các bộ dữ liệu công khai cho xã hội.
Đề xuất cho phát triển kinh tế số TP.HCM, đại diện Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cũng cho rằng, Thành phố cần thực hiện đánh giá, phân tích kinh tế số hàng năm để theo dõi phát hiện vấn đề và đề xuất, điều chỉnh giải pháp; Xây dựng kịch bản phát triển kinh tế số tới 2025 và 2030 theo mục tiêu đã đặt ra để xem tính khả thi và đề xuất gói giải pháp phù hợp từng kịch bản; Nghiên cứu kinh tế số và chuyển đổi số trong một số ngành trọng điểm của TP.HCM.
Về việc hoàn thiện thể chế để phát triển kinh tế số, ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển TP.HCM cho biết, TP. HCM có một "cây gậy" mới là Nghị quyết 98, tinh thần từ đây cho phép thử nghiệm các cơ chế, chính sách (sandbox) mà đối với kinh tế số, kinh tế xanh thì những thử nghiệm rất quan trọng. Do đó, Thành phố phải tận dụng Nghị quyết 98 để đưa ra những cơ chế, chính sách thử nghiệm cho kinh tế số.
Lật tẩy chiêu trò phá giá, gây ‘náo loạn’ của sàn Temu
Đầu tư phát triển Gen AI “thuần Việt” tạo động lực cho nền kinh tế số