TP.HCM gặp khó trong việc phát triển nhà ở
Dựa trên báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM, việc phát triển nhà ở trong giai đoạn tiếp theo sẽ gặp nhiều khó khăn, do đó chỉ đạt 80% chỉ tiêu đề ra đến năm 2025.
Theo số liệu, tính đến tháng 6/2023, TP.HCM đã xây dựng và phát triển tổng cộng 1,98 triệu m2 diện tích sàn nhà ở (tương đương diện tích bình quân đầu người là 21,44 m2/người), đạt được 16,1% trong số chỉ tiêu năm 2023 là 12,3 triệu m2 sàn.
Khó hoàn thành chỉ tiêu đề ra
Theo dự kiến, vào cuối năm nay, TP.HCM sẽ tiếp tục phát triển 9 triệu m2 diện tích sàn nhà ở (tương đương diện tích bình quân đầu người là 21,94 m2/người), đạt 73,17% chỉ tiêu năm nay.
Sở Xây dựng cho biết, để đạt được chỉ tiêu đề ra đến năm 2025, TP phải phát triển khoảng 36,65 triệu m2 diện tích sàn nhà ở trong giai đoạn 2023 - 2025, tương đương mỗi năm phát triển trung bình khoảng 12,2 triệu m2/sàn.
Tuy nhiên, Sở dự báo kết quả phát triển nhà ở trong giai đoạn tiếp theo sẽ gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến khả năng hoàn thành chỉ tiêu 50 triệu m2 sàn đến năm 2025. Trong đó, dự kiến TP.HCM chỉ có thể phát triển khoảng 40 triệu m2 diện tích sàn nhà ở, tương ứng với 80% của chỉ tiêu đề ra đến năm 2025.
Theo ông Sử Ngọc Khương – Giám đốc cấp cao, Công ty Savills Việt Nam cho rằng, tại TP.HCM hiện nay gần như không có dự án bất động sản phù hợp túi tiền đại bộ phận người dân.
Ông Khương cũng nhận định rằng phân khúc nhà ở xã hội sẽ tiếp tục gặp nhiều điểm nghẽn. Đối với phân khúc nhà ở trung và cao cấp, một số dự án được đưa ra nhưng sức hấp thụ vẫn rất hạn chế. Cùng với đó, nền kinh tế thế giới với bối cảnh tăng trưởng khó khăn trong nửa đầu năm, liên quan đến thu nhập của người dân khiến sức mua bị hạn chế. Nguồn cung ở các sản phẩm có giá vừa phải cũng gặp khó khăn theo.
Theo UBND TP đánh giá, nguồn cung nhà ở giảm mạnh do quy định pháp luật về đầu tư, nhà ở, đất đai, và quy hoạch đô thị chưa được thống nhất, đồng bộ. Nhiều dự án đang chờ điều tra và rà soát thủ tục pháp lý, nguồn gốc đất, và quy hoạch… Điều này gây ra tình trạng chậm trễ và thiếu sự phối hợp liên thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước.
Không chỉ vậy, còn xảy tình trạng khan hiếm dự án nhà ở đủ điều kiện pháp lý để bổ sung cho thị trường. Dự báo công tác phát triển nhà ở trong giai đoạn 2023-2025 sẽ tiếp tục chịu tác động tiêu cực vì lạm phát của nền kinh tế và thanh khoản giảm, khi giá nhà đất vẫn cao so với mặt bằng chung trong thời gian gần đây.
Cần có chính sách đột phá hơn
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường cho rằng, TP sẽ tập trung vào phân khúc nhà ở giá thấp. Đồng thời, thúc đẩy triển khai các dự án đầu tư nhằm phát triển nhà ở và tập trung vào nhóm ưu tiên như nhà ở xã hội, nhà trọ cho công nhân và người lao động trên địa bàn, kèm theo đó là chính sách hỗ trợ cho dự án chỉnh trang đô thị.
Với kết quả trong thời gian gần đây và tình hình tăng trưởng kinh tế hiện nay, UBND TP.HCM cũng gặp khó trong việc dự báo kết quả phát triển nhà ở trong giai đoạn sắp tới. Để giải quyết tình trạng này, TP cần có các chính sách đột phá hơn, dựa trên cơ sở của Nghị quyết 98/2023 vừa được Quốc hội thông qua.
Theo đó, Sở Xây dựng kiến nghị UBND TP chấp thuận các đề xuất liên quan đến chương trình phát triển đô thị của TP.HCM và TP.Thủ Đức. Cụ thể, kiến nghị TP chấp thuận thời gian hoàn thành chương trình phát triển đô thị TP.HCM sau khi đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 được phê duyệt, dự kiến vào Q4/2024.
Ngoài ra, Sở cũng đề nghị Sở Quy hoạch Kiến trúc và UBND TP.Thủ Đức cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến đồ án quy hoạch chung TP.Thủ Đức thuộc TP.HCM đến năm 2040. Cùng với đó, Sở Xây dựng sẽ tiếp tục hoàn thiện dự thảo lần 1 chương trình phát triển đô thị TP.Thủ Đức và lấy ý kiến từ các sở, ngành liên quan, dự kiến sẽ trình UBND TP trong Q3 năm nay.
Novaland (NVL): Hơn 800 kỹ sư, công nhân gấp rút hoàn thiện phân khu tại siêu dự án quy mô 1.000ha
Năm 2025, tuyến đường nghìn tỷ đi qua khu vực BĐS sôi động bậc nhất Long An sẽ hoàn thành