Do mật độ dân cư quá đông cùng với việc cấp phép dự án đi ngược quy trình đã dẫn đến trường hợp một tuyến đường vừa được sửa chữa đã bị vây quanh bởi nhiều công trình nhà cao tầng
Hiện nay, sau một thời gian ngắn được sửa chữa và nâng cấp, tuyến đường Bến Vân Đồn đoạn từ cầu Khánh Hội đến cầu Nguyễn Văn Cừ (quận 4) đã bị “bao vây” bởi hàng chục công trình nhà cao tầng.
Với chiều dài chỉ hơn 2 km, nhưng con đường này phải “gánh” tới gần 20 tòa chung cư, cao ốc, trung tâm thương mại với hàng chục ngàn căn hộ, hàng ngàn mét vuông diện tích sàn văn phòng cho thuê..., chưa kể các khu đất trống trước đây là kho bãi vẫn đang được xây dựng các công trình mới. Các công trình lớn nằm trên tuyến đường này có thể kể tới là Vạn Đô, Khánh Hội, Gold View, Saigon Royal Residences, Icon 56, Orient Apartment, Trung tâm thương mại nhà hàng tiệc cưới Riverside Palace...
Tương tự, tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ (quận 7) nối Nhà Bè, với chiều dài chưa đầy 3 km cũng oằn mình gánh hơn 50 dự án nhà ở, trong đó nhiều dự án từ 8.000 căn hộ trở lên. Theo khảo sát, xung quanh khu vực cầu Rạch Đĩa, một loạt dự án đang trong quá trình triển khai, trong tương lai sẽ cung cấp ra thị trường hàng chục nghìn căn hộ.
Ở ngay khu vực trung tâm TP. HCM, đường Nguyễn Thị Minh Khai đoạn từ Cách Mạng Tháng Tám tới Phạm Ngọc Thạch (quận 3) chỉ dài khoảng 1km có tới gần 20 tòa cao ốc, trong đó có nhiều tòa vừa đi vào khai thác với quy mô trên 20 tầng (chưa kể tầng hầm, tầng lửng). Tương tự, trên đường Hai Bà Trưng, chỉ đoạn ngắn từ Điện Biên Phủ đến Nguyễn Du (quận 1) cũng có tới hơn chục tòa cao ốc cả cũ, mới lẫn đang được xây dựng.
Điểm chung của các tuyến đường này là mật độ dân cư quá đông, trong khi hạ tầng không theo kịp, dẫn đến tình trạng ùn tắc nghiêm trọng và đây chỉ là một vài “điểm đen” giao thông tại TP. HCM. Theo thống kê của Sở Giao thông - Vận tải, tính đến cuối năm 2021, tỷ lệ đất dành cho giao thông đô thị tại TP. HCM đạt gần 13%, thấp hơn đáng kể so với quy chuẩn từ 20-26% của đô thị trung tâm. Tổng chiều dài các tuyến đường là hơn 4.500 km, tương đương mật độ 2,26 km/km2, cũng chỉ bằng 1/5 quy chuẩn. Trong khi đó, toàn Thành phố hiện có hơn 1.000 tòa nhà cao 25-100 m, tập trung ở các quận 1, 3, 5, 7 và TP. Thủ Đức, dẫn tới hạ tầng nhiều nơi bị quá tải.
Nhiều chuyên gia cho rằng, tình trạng trên là hệ quả của việc cấp phép dự án đi ngược quy trình, bởi lâu nay, dự án nhà ở cao tầng luôn đi trước hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hệ quả là quy mô dân số tăng quá nhanh, gây sức ép lên hạ tầng giao thông hiện hữu, trong khi những dự án được triển khai đón đầu hạ tầng phải “đắp chiếu” vì không thể kết nối với trục giao thông chính.