TP.HCM xây dựng chính quyền số, tiến tới nền công vụ kiến tạo
Để tiến tới nền công vụ hiệu lực, hiệu quả, TP.HCM triển khai mô hình đưa quản trị hành chính lên nền tảng số, thí điểm mô hình cán bộ làm việc tại nhà và thuê nhân sự quản lý trên một số lĩnh vực.
Những bước đi trên nhằm mục đích đảm đương khối công việc của đô thị hơn 10 triệu dân và hơn 300.000 doanh nghiệp; cải thiện môi trường công vụ đủ hấp dẫn và giữ chân nhân lực chất lượng cao.
Vận hành quản trị hành chính trên nền tảng số
Theo Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên, để tiến tới nền công vụ hiệu lực, hiệu quả, cần phải có một hệ thống theo dõi, giám sát các hoạt động hành chính của thành phố theo hướng hiện đại, kịp thời, tiết kiệm để lãnh đạo thành phố chỉ đạo, điều hành nhanh chóng, hiệu quả.
Trước chỉ đạo đó, mới đây, UBND TP.HCM đã chính thức ra mắt Hệ thống quản trị thực thi TP.HCM trên nền tảng số (giai đoạn 1).
Theo Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM Lâm Đình Thắng, hệ thống này bước đầu sẽ làm thay đổi cách chỉ đạo, điều hành và kiểm tra hoạt động của thành phố từ thủ tục, báo cáo văn bản giấy tờ sang điều hành hệ thống thông tin, tương tác theo thời gian thực.
Hệ thống sẽ theo dõi, ghi nhận sáng kiến, phản ánh, tương tác theo thời gian thực, giúp giải quyết kiến nghị của người dân, doanh nghiệp kịp thời.
Với chức năng điều hành quản trị của hệ thống, lãnh đạo thành phố có thể nắm thông tin tức thời và đưa ra quyết định thực thi ngay trên các thông số chỉ tiêu kinh tế - xã hội trên bộ chỉ số điều hành của thành phố, các chỉ tiêu giao cho các đơn vị triển khai.
Qua đó, sẽ giúp lãnh đạo TP.HCM nhìn thấy được thời gian thực sự tương tác của người dân với chính quyền, giám sát được kết quả xử lý việc tiếp nhận, ý kiến của từng đơn vị.
“Đơn vị nào xử lý đúng hạn, đơn vị nào xử lý trễ hạn khi giải quyết công việc sẽ được hệ thống ghi nhận, lãnh đạo thành phố cũng thấy và xử lý ngay”, ông Lâm Đình Thắng cho biết.
Thí điểm cho cán bộ làm việc tại nhà
UBND TP.HCM vừa giao Viện Nghiên cứu phát triển chủ trì nghiên cứu dự thảo “Đề án xây dựng nền công vụ TP.HCM hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024 - 2030".
Một trong những nội dung được quan tâm là việc nghiên cứu thí điểm cho phép cán bộ, công chức, viên chức công tác ở các vị trí việc làm không tiếp xúc với công dân có thể đăng ký làm việc tại nhà (với tỷ lệ phù hợp) nếu đảm bảo các điều kiện vật chất đáp ứng yêu cầu công tác của đơn vị (có điện thoại liên lạc, máy vi tính, máy in, kết nối internet...).
Việc thí điểm này, theo lãnh đạo thành phố sẽ hạn chế cơ chế quản lý theo kiểu hành chính "sáng đi, chiều về" mà đôi khi không hiệu quả.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, cái khó của ý tưởng này chính là xây dựng được cơ chế cụ thể để phân loại các loại việc hành chính một cách chi tiết, cơ chế giao việc, đánh giá tính hiệu quả khi được thực hiện ở nhà. Nếu không có quy định cụ thể, minh bạch thì nội dung này không những không hiệu quả mà còn dẫn đến lạm quyền, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ cơ quan.
Bên cạnh đó, TP HCM cũng sẽ thí điểm mô hình thuê nhân sự quản lý nhằm giảm áp lực cho cán bộ làm những nhiệm vụ chuyên môn chính được giao.
Thành phố tiếp tục xây dựng chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học, người tài năng đặc biệt, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc... làm việc trong bộ máy nhà nước.
Ba trụ cột hiện đại hóa nền công vụ
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, để hiện đại hóa nền công vụ hoạt động hiệu lực, hiệu quả thì phải triển khai ba trụ cột đi kèm.
Đó là thu nhập tăng thêm, là chính sách nhà ở và tạo cơ hội thăng tiến trong vị trí làm việc.
Ông Mãi khẳng định, làm tốt ba trụ cột đó sẽ xây dựng được một nền hành chính, nền công vụ hiệu lực hiệu quả, với mục tiêu kiến tạo-phục vụ.
Theo đó, thành phố sẽ vận dụng Nghị quyết 98 của Quốc hội để tiếp tục thực hiện chính sách chi thu nhập tăng thêm trên cơ sở kết quả đánh giá, phân loại hằng quý đảm bảo công khai, minh bạch, đảm bảo tính khách quan, công bằng.
Thành phố sẽ áp dụng cơ chế khoán kinh phí theo biên chế, số lượng người làm việc theo từng phòng, ban, đơn vị trực thuộc các sở, ngành, quận, huyện.
Theo đó, các cơ quan, đơn vị sử dụng biên chế, số lượng người làm việc thực tế ít hơn cấp có thẩm quyền giao (mà vẫn đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ) thì được hưởng phần kinh phí khoán quỹ tiền lương và chi thường xuyên của biên chế, số lượng người làm việc chưa sử dụng.
Nghiên cứu xây dựng một số mô hình thí điểm về mở rộng nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp công lập nhằm tạo nguồn thu nhập bổ sung và sử dụng hiệu quả, đồng thời thu hút, “giữ chân” nhân lực trình độ cao cho các cơ quan, đơn vị ở cơ sở.
Tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ về vốn để tạo lập, thuê, mua nhà ở xã hội theo quy định hiện hành. Ưu tiên các đối tượng có nhu cầu cấp thiết về nơi ở, các trường hợp có nhiều đóng góp, thành tích nổi bật trong hoạt động công vụ.
Về cơ hội thăng tiến nghề nghiệp, theo Chủ tịch TP Phan Văn Mãi, bên cạnh quy định chung, thành phố sẽ có cơ chế tuyển dụng người có năng lực, ví dụ như thi tuyển chức danh chuyên môn, chức danh lãnh đạo.
Thời gian qua, thành phố đã tổ chức thi tuyển trưởng, phó phòng, chức danh lãnh đạo sở, quận. Sau tuyển dụng sẽ bồi dưỡng, đào tạo chuyên sâu theo chức danh.
Theo ông Phan Văn Mãi, việc đào tạo theo chuyên môn nhằm mục đích chuyên nghiệp hóa từng vị trí làm việc. "Nghĩa là, anh làm công chức xã, phường phải biết cần làm gì. Làm chủ tịch, phó chủ tịch xã, phường phải biết cần làm gì. Chuyên viên cấp phòng của quận, huyện và thành phố thì phải biết làm gì”, ông nói.
Cũng theo người đứng đầu chính quyền thành phố, việc bồi dưỡng, đào tạo cán bộ chuyên sâu là để giúp cán bộ ứng dụng công nghệ nhiều hơn vào việc làm, hướng tới mục tiêu hiện đại hóa, tức số hóa chính quyền.
Chấn chỉnh việc lạm dụng yêu cầu bản sao chứng thực khi làm thủ tục hành chính
Đồi nứt hàng trăm mét ở Hòa Bình, chính quyền sơ tán khẩn cấp 200 người