TP Hồ Chí Minh: thí điểm cho phép công chức, viên chức làm việc tại nhà
Theo ông Nguyễn Sĩ Long, Phó phòng Công chức - Viên chức Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh, TP Hồ Chí Minh sẽ thực hiện thí điểm chọn cho phép cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại nhà.
Theo đó, TP Hồ Chí Minh sẽ lựa chọn một số cơ quan, đơn vị tham gia thực hiện thí điểm. Tại các cơ quan, đơn vị thí điểm, sẽ lựa chọn một số tổ chức, đơn vị thành phần và một số vị trí việc làm cụ thể để thực hiện. Trên cơ sở đó, có sơ kết, đánh giá kỹ lưỡng về kết quả thực hiện, những tác dụng, hiệu quả mang lại đối với nền công vụ cũng như sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, từ đó Thành phố mới cân nhắc mở rộng phạm vi thí điểm.
Ông Nguyễn Sĩ Long cho biết, việc cho phép cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại nhà phải căn cứ vào đặc thù của vị trí việc làm và yêu cầu thực hiện nhiệm vụ, công vụ và không thay thế hoàn toàn cho mô hình làm việc tại công sở. Trước mắt, chỉ thực hiện thí điểm đối với các vị trí việc làm không liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có trách nhiệm phân công nhiệm vụ cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại nhà với khối lượng công việc tương đương như làm việc tại công sở. Cán bộ, công chức, viên chức phải cam kết đảm bảo thực hiện đúng tiến độ, khối lượng và đảm bảo chất lượng nhiệm vụ được phân công.
Theo Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh, việc nghiên cứu thí điểm này xuất phát từ điều kiện thực tiễn, TP Hồ Chí Minh là một trong những địa phương đi đầu trong chuyển đổi số, bao gồm chuyển đổi số trong khu vực công. Các định hướng về cải cách hành chính, xây dựng chính quyền số với mô hình làm việc linh hoạt, hiện đại phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới. Trong giai đoạn giãn cách xã hội chống dịch COVID-19, cán bộ, công chức, viên chức đã thích ứng nhanh với phương thức làm việc trực tuyến, có thể nhận hồ sơ và xử lý văn bản trên môi trường mạng. Do đó, việc thí điểm làm tại nhà với một số cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc ở các vị trí không tiếp xúc, không thực hiện thủ tục hành chính sẽ không ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Mặt khác, hiện nay, TP Hồ Chí Minh đang tăng cường hiện đại hóa nền công vụ và đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4. Người dân, doanh nghiệp sẽ đăng ký sử dụng dịch vụ công và trả kết quả mà không phải tiếp xúc trực tiếp với cán bộ, công chức. Vì vậy, việc cho phép một số cán bộ, công chức, viên chức làm việc ngoài công sở sẽ không ảnh hưởng nhiều đến tiến độ và chất lượng xử lý, giải quyết thủ tục hành chính.
Bảng giá đất: cốt lõi để đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân
Ngành du lịch TP. Hồ Chí Minh 'về đích' trước kế hoạch, doanh thu đạt 190.000 tỷ đồng