TP trực thuộc tỉnh lớn nhất Việt Nam chuẩn bị ‘bơm’ thêm 45 dự án để mở rộng không gian đô thị
Thành phố này vốn nổi tiếng với khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước.
Theo Quy hoạch chung đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040, TP. Hạ Long sẽ được phát triển thành một đô thị cấp vùng, đô thị thông minh và đô thị xanh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, trở thành trung tâm dẫn dắt cả vùng Đông Bắc.
Quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội của tỉnh đã xác định Hạ Long là trọng tâm của chiến lược phát triển “Một tâm - hai tuyến - đa chiều - hai mũi đột phá”. Đặc biệt, sau khi sáp nhập huyện Hoành Bồ vào năm 2020, Hạ Long đã trở thành đô thị loại I có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước, với quy mô đơn vị hành chính lớn, là hạt nhân thúc đẩy Quảng Ninh sớm trở thành thành phố trực thuộc trung ương.
Ngay sau khi sáp nhập, TP. Hạ Long đã ưu tiên phân bổ nguồn lực để đầu tư hơn 60 dự án với tổng mức đầu tư trên 4.000 tỷ đồng, tập trung vào hạ tầng giao thông, văn hóa, giáo dục, nước sạch… tại các xã miền núi, vùng cao và vùng sâu xa. Trong đó, có 8 dự án hạ tầng giao thông với tổng vốn đầu tư 3.383 tỷ đồng từ ngân sách thành phố.
Chưa kể, hàng chục nghìn tỷ đồng đã được đầu tư từ ngân sách tỉnh để phát triển hạ tầng động lực, kết nối trung tâm Hạ Long với vùng miền núi tiềm năng thuộc huyện Hoành Bồ cũ.
TP trực thuộc tỉnh lớn nhất Việt Nam chuẩn bị "bơm" thêm 45 dự án để mở rộng không gian đô thị |
Các dự án hạ tầng giao thông do ngân sách tỉnh đầu tư trên địa bàn TP. Hạ Long gồm 7 dự án với tổng vốn hơn 14.900 tỷ đồng, trong đó 4 dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng với tổng vốn hơn 7.400 tỷ đồng. Ba dự án còn lại dự kiến sẽ sớm được khởi công với tổng vốn hơn 7.280 tỷ đồng.
Những dự án hạ tầng giao thông đã và đang triển khai đóng vai trò quan trọng trong phát triển khu vực huyện Hoành Bồ cũ, tạo sự kết nối liên vùng và nội vùng, giữa vùng thấp và vùng cao, giữa các khu vực động lực và khó khăn.
Những dự án này không chỉ thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, giảm chênh lệch vùng miền, mà còn đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, thúc đẩy giao thương hàng hóa, phát triển du lịch sinh thái, tạo động lực mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội của TP. Hạ Long và tỉnh Quảng Ninh.
Trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, TP. Hạ Long dự kiến tiếp tục đầu tư khoảng 45 dự án nhằm mở rộng không gian phát triển và tạo động lực mới cho thành phố.
Hạ Long là một trong những thành phố lớn, có nhiều tiềm năng kinh tế cũng như du lịch. Đây là thành phố trực thuộc tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, với tổng diện tích đất liền là 1.119,36km², tổng diện tích mặt nước là 126,8km² và gần 50km bờ biển.
TP. Hạ Long nổi tiếng với khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước. Khi đến Hạ Long, du khách có thể thăm vịnh Hạ Long - nơi được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, đảo Tuần Châu, đảo Mắt Rồng và nhiều điểm đến khác.
Theo Tổng cục Thống kê, trong số 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hà Nội và TP. HCM lần lượt đứng đầu về mức sống đắt đỏ nhất cả nước. Tuy nhiên, xét riêng các tỉnh, Quảng Ninh đứng đầu với chỉ số SCOLI đạt 97,94% so với Hà Nội.
>> Tỉnh nhỏ nhất Việt Nam tự tin nuôi tham vọng sở hữu 7 sân golf