Thi công thần tốc 'sợi dây huyết mạch' gần 2.000 tỷ: Rút ngắn khoảng cách di chuyển giữa 2 TP trung tâm thuộc tỉnh có mức sống cao nhất Việt Nam
Các nhà thầu thi công dự án hiện đang tập trung nhân lực và phương tiện nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án cải tạo và nâng cấp tuyến huyết mạch nối TP. Hạ Long và TP. Cẩm Phả.
Tuyến huyết mạch kết nối TP. Hạ Long và TP. Cẩm Phả
Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 279 – công trình giao thông trọng điểm của tỉnh Quảng Ninh hiện đang được đẩy nhanh tiến độ thi công, hướng tới mục tiêu hoàn thành theo kế hoạch, đảm bảo phát huy hiệu quả kết nối vùng, giảm tải giao thông và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 279 được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt ngày 6/12/2022, với tổng mức đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng. Tuyến đường có chiều dài 8,1km, điểm đầu giao với Quốc lộ 18 tại phường Quang Hanh (TP. Cẩm Phả) và điểm cuối nối với nút giao cao tốc Hạ Long - Vân Đồn (nút giao Đồng Lá, thuộc xã Vũ Oai, TP. Hạ Long).
>> Dự án cải tạo rạch ô nhiễm nhất TP. HCM hơn 17.000 tỷ chính thức đạt mốc quan trọng

Theo thiết kế, tuyến đường đạt tiêu chuẩn cấp III đồng bằng, với quy mô 6 làn xe. Dự án được đầu tư đồng bộ các hạng mục phụ trợ như hệ thống thoát nước, điện chiếu sáng, đảm bảo an toàn giao thông và cảnh quan.
Để triển khai dự án, hai địa phương là TP. Hạ Long và TP. Cẩm Phả phải thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB) trên tổng diện tích gần 80ha. Trong đó, TP. Hạ Long phải giải phóng gần 18ha, còn TP. Cẩm Phả với khối lượng lớn hơn, lên tới 61,6ha.

Tính đến thời điểm hiện tại, dự án đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, hạng mục mở rộng cầu Diễn Vọng đã cơ bản hoàn thành thi công toàn bộ kết cấu chính. Đối với cầu vượt Quốc lộ 18, các trụ cầu đã được thi công xong, nhà thầu đang tiến hành đổ bê tông mặt cầu.
Riêng hạng mục nền đường là phần việc phức tạp nhất do đặc điểm địa hình đồi núi, phải thực hiện hạ dốc, cắt cua với khối lượng đào đắp rất lớn. Có vị trí nền đường phải hạ thấp tới gần 30m so với cốt đường hiện hữu, đòi hỏi kỹ thuật thi công phức tạp và xử lý nền móng tỉ mỉ.
Để đảm bảo tiến độ hoàn thành nền đường trước mùa mưa năm nay, các nhà thầu đang triển khai thi công "cuốn chiếu", tổ chức thi công đồng loạt nhiều mũi, ưu tiên xử lý trước các vị trí khó khăn, đòi hỏi khối lượng đào đắp lớn. Song song đó, công tác thi công hệ thống kè ta luy cũng đang được thực hiện khẩn trương.

Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 279 được xác định là tuyến giao thông chiến lược, giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong kết nối hai trung tâm kinh tế của tỉnh là TP. Hạ Long và TP. Cẩm Phả với tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn.
Khi hoàn thành, dự án không chỉ góp phần rút ngắn thời gian di chuyển, giảm tải cho Quốc lộ 18 hiện hữu mà còn mở ra động lực phát triển mới cho các khu vực lân cận, thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển du lịch và các hoạt động kinh tế - xã hội của Quảng Ninh.
Mặc dù dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 279 tại Quảng Ninh đang được đẩy nhanh thi công, song thực tế triển khai vẫn gặp không ít khó khăn do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thực hiện.

Theo đại diện UBND TP. Cẩm Phả, nguyên nhân khiến tiến độ GPMB chưa đạt yêu cầu xuất phát từ cả yếu tố chủ quan lẫn khách quan. Đáng chú ý, việc Luật Đất đai năm 2024 bắt đầu có hiệu lực đã khiến địa phương phải chờ các hướng dẫn cụ thể từ cấp tỉnh liên quan đến quy trình bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Điều này làm chậm tiến độ xử lý các thủ tục so với kế hoạch.
Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện, nhiều vướng mắc phát sinh từ thực tiễn cũng ảnh hưởng đáng kể tới tiến độ. Cụ thể:
- Chưa có hướng dẫn cụ thể về cách tính khối lượng cây lâm nghiệp để làm căn cứ bồi thường.
- Vướng mắc trong việc ban hành giá đất, gây khó khăn cho công tác áp giá đền bù.
- Nhiều thửa đất trong phạm vi dự án không có ranh giới sử dụng đất rõ ràng.
- Một số hộ gia đình có đất bị thu hồi không cư trú tại địa phương, gây khó khăn trong việc liên hệ, thực hiện kiểm đếm và các quy trình bồi thường theo quy định.
Những yếu tố này cộng hưởng đã trực tiếp ảnh hưởng đến tiến độ giải phóng mặt bằng, làm chậm trễ kế hoạch tổ chức thi công các hạng mục của dự án.
Nhằm khắc phục tình trạng trên và đảm bảo tiến độ hoàn thành dự án vào năm 2025, TP. Cẩm Phả khẳng định sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp quyết liệt và hiệu quả hơn trong công tác GPMB.
Trọng tâm là đẩy nhanh công tác kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đất, rà soát và cập nhật các quy định liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Đồng thời, chính quyền địa phương cũng sẽ tăng cường đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho các hộ dân trong vùng dự án, tạo điều kiện thuận lợi nhất để đẩy nhanh tiến độ thi công trên toàn tuyến.
Chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) là một thước đo (tính bằng %) phản ánh xu hướng và mức độ biến động giá sinh hoạt của 63 tỉnh thành và 6 vùng kinh tế - xã hội theo chu kỳ năm.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, khi không tính các thành phố trực thuộc Trung ương, Quảng Ninh là tỉnh có mức sống cao nhất Việt Nam với chỉ số SCOLI đạt 97,94% so với Hà Nội. Chỉ số SCOLI cao nhất là Hà Nội (100%), theo sau là TP. HCM với chỉ số bằng 98,44% của Hà Nội.