Trận sạt lở kinh hoàng khiến ngọn núi cao 1.200m bất ngờ đổ sập xuống biển tạo ‘siêu sóng thần’ cao 200m, toàn Trái Đất bị rung chuyển trong 9 ngày
Trận lở đất lớn đã tạo ra một 'siêu sóng thần' gây hư hại cơ sở vật chất của một trạm nghiên cứu cách đó 70km.
Ngày 16/9/2023, một đỉnh núi đá cao 1.200m ở Greenland sụp xuống biển, tạo ra một "siêu sóng thần" cao tới 200m gây rung chuyển Trái Đất trong suốt chín ngày liên tiếp. Mặc dù không có thiệt hại về người, nhưng cơn sóng khổng lồ đã phá hủy cơ sở hạ tầng trị giá khoảng 200.000USD tại một trạm nghiên cứu không người trên đảo Ella. Điều đáng lo ngại là sự kiện này xảy ra gần một tuyến đường thường xuyên có tàu du lịch qua lại. Nếu có tàu nào đi qua vào thời điểm đó, hậu quả có thể trở thành một thảm họa.
Cho đến hiện tại, nguyên nhân dẫn đến hoạt động địa chấn bí ẩn này đến nay vẫn chưa được xác định rõ ràng. Theo Kristian Svennevig, tác giả chính của nghiên cứu và là nhà địa chất tại Cục Khảo sát Địa chất Đan Mạch và Greenland, chia sẻ: "Khi bắt đầu cuộc phiêu lưu khoa học này, chúng tôi đều cảm thấy bối rối, không ai có manh mối nào về nguyên nhân gây ra hiện tượng này".
Svennevig cùng các đồng nghiệp hiện tin rằng biến đổi khí hậu có thể đã thúc đẩy trận lở đất kinh hoàng này. Bên cạnh đó, một phần nguyên nhân khác được xác định là do sự tan chảy của một sông băng dưới chân núi gây mất ổn định khối lượng băng và đá đủ để lấp đầy 10.000 bể bơi tiêu chuẩn Olympic. Khi nhiệt độ toàn cầu tiếp tục gia tăng, gây tan chảy các vùng cực của Trái Đất, những trận lở đất thảm khốc như vậy có thể ngày càng trở nên phổ biến.
Ban đầu, khi các mạng lưới giám sát địa chấn phát hiện hoạt động bất thường này, các nhà khoa học rất hoang mang vì hai lý do. Thứ nhất, tín hiệu lan rộng hơn nhiều so với các dạng địa chấn thông thường mà động đất tạo ra trên máy đo địa chấn – thiết bị dùng để ghi lại các rung động của mặt đất. Theo tuyên bố từ Đại học California San Diego, một trong những đơn vị tham gia nghiên cứu, "tín hiệu dao động với chu kỳ 92 giây giữa các đỉnh, quá chậm để con người có thể nhận thấy."
Thứ hai, tín hiệu địa chấn vẫn duy trì mạnh mẽ suốt chín ngày liên tiếp, điều này bất thường so với các sự kiện địa chấn thông thường, vốn thường suy yếu nhanh chóng. Thông thường, động đất chỉ kéo dài từ vài giây đến vài phút. Các nhà khoa học trên khắp thế giới ngay lập tức tiến hành nghiên cứu để giải mã hiện tượng kỳ lạ này.
Để xác định liệu trận lở đất có liên quan đến sự rung lắc bí ẩn này hay không, một nhóm nghiên cứu do Svennevig dẫn đầu đã tái tạo hiện tượng lở đất và rung chấn bằng công nghệ số. Họ thực hiện điều này thông qua việc kết hợp các bản ghi địa chấn từ khắp nơi trên thế giới, cùng với dữ liệu thực địa, hình ảnh vệ tinh và các mô phỏng bằng máy tính.
Nhóm nghiên cứu cũng sử dụng siêu máy tính để mô phỏng một cơn sóng thần khổng lồ cao 650 feet, được hình thành khi 33 triệu mét khối đá và băng trút xuống vịnh hẹp. Sóng thần liên tục dội qua lại bên trong vịnh, tạo ra một hiện tượng gọi là "seiche". Các nhà khoa học đã kết luận rằng chính hiện tượng seiche này là nguyên nhân gây ra hoạt động địa chấn kéo dài chín ngày, làm rung chuyển Trái Đất vào năm ngoái.
"Cuối cùng, phải dựa trên rất nhiều quan sát địa vật lý và các mô hình số từ nhiều nhóm nghiên cứu trên toàn thế giới để có thể tái hiện bức tranh toàn cảnh về sự kiện này," đồng tác giả Robert Anthony, nhà địa vật lý thuộc chương trình Nguy cơ động đất của Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ, cho biết trong một tuyên bố.
Theo các nhà nghiên cứu, những phát hiện này cho thấy rõ "những mối nguy hiểm phức tạp và liên tiếp" do tác động của biến đổi khí hậu tại các vùng cực của Trái Đất. "Biến đổi khí hậu đang làm xáo trộn các hiện tượng tự nhiên và có thể dẫn đến những sự kiện bất thường," đồng tác giả Alice Gabriel, nhà địa chấn học tại Đại học California San Diego, cho biết trong một tuyên bố.
Cao Bằng: Nguy cơ sạt lở tại cung đèo nổi tiếng, đe dọa an toàn giao thông
Sạt lở đất khiến bé trai 12 tuổi tử vong, 100 người cùng bản di dời khẩn cấp