Trăn trở phía sau kỷ lục xuất khẩu
Năm 2024, xuất khẩu lập kỷ lục mới với kim ngạch đạt trên 400 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm các nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.
Tuy nhiên, nhìn lại những số liệu, tỷ lệ nội địa trong hàng hóa xuất khẩu thấy rõ bất cập khi giá trị xuất khẩu của khu vực DN trong nước luôn lép vế so với khu vực DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Thực trạng này đòi hỏi Việt Nam phải có giải pháp quyết liệt hơn, cộng đồng DN cần nỗ lực nhiều hơn để nâng tỷ lệ nội địa hóa.
Doanh nghiệp ngoại “lấn át” doanh nghiệp nội
Thống kê của Bộ KH&ĐT cho thấy, giá trị xuất khẩu của khu vực DN FDI vẫn có sự "lấn át" so với trong nước. Giai đoạn từ 2018 - 2024, xuất khẩu của khu vực DN FDI luôn chiếm tới trên 70% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam. Chỉ tính riêng năm 2024, xuất khẩu của khu vực FDI (kể cả dầu thô) ước đạt gần 290,9 tỷ USD, tăng 12,3% so với năm 2023, chiếm gần 71,7% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô ước đạt hơn 289,2 tỷ USD, tăng 12,5% so với năm 2023, chiếm hơn 71,3% kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Ở chiều ngược lại, năm 2024, nhập khẩu của khu vực DN FDI ước đạt gần 240,7 tỷ USD, tăng 15,1% so với năm 2023 và chiếm 63,2% kim ngạch nhập khẩu cả nước. Như vậy, tính chung trong năm 2024, khu vực FDI xuất siêu gần 50,3 tỷ USD (kể cả dầu thô) và xuất siêu hơn 48,6 tỷ USD (không kể dầu thô).
Một trong những nguyên nhân của thực trạng trên là đơn cử như ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm gần 40% tổng doanh thu thuần sản xuất kinh doanh của nền kinh tế, tuy nhiên chỉ chiếm gần 16,5% tỷ trọng trong GDP, thấp hơn rất nhiều so với nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Hiện nay, phần lớn DN công nghiệp Việt Nam vẫn đang sử dụng công nghệ tụt hậu so với mức trung bình của thế giới từ 2 - 3 thế hệ. Trong cơ cấu tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp ngành chế biến, chế tạo, công nghệ thấp và trung bình chiếm đến hơn 60%.
Đó là chưa kể, các DN công nghiệp chưa thực sự quan tâm đầu tư thỏa đáng cho đổi mới công nghệ, cũng như không có khả năng, không đủ nguồn lực đầu tư cho công nghệ. Tỷ lệ đầu tư đổi mới công nghệ của các DN Việt Nam là dưới 0,5% doanh thu, trong khi Ấn Độ là 5%, Hàn Quốc 10%. Tỷ lệ đổi mới máy móc, thiết bị hàng năm chỉ đạt khoảng 10% trong 5 năm qua (các nước khác trong khu vực có khoảng 15 - 20%).
Do đó, DN trong nước và cả DN FDI phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu nguyên vật liệu, các sản phẩm trung gian, máy móc thiết bị sản xuất; đây là nguyên nhân dễ dẫn đến tỷ lệ nội địa hóa thấp.
Trong bài phát biểu tại sự kiện Diễn đàn quốc gia về phát triển DN công nghệ số Việt Nam lần thứ 6 mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã thẳng thắn nhắc đến vấn đề xuất khẩu của khu vực DN FDI thời gian gần đây. Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ: Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu điện thoại di động thông minh; đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu linh kiện máy tính; đứng thứ 6 thế giới về xuất khẩu thiết bị máy tính; đứng thứ 7 thế giới về gia công phần mềm, đứng thứ 8 thế giới về thiết bị linh kiện điện tử. “Đây là những con số có vẻ ấn tượng, nhưng thử hỏi chúng ta đã bao giờ nhìn sâu vào bản chất những số liệu này chưa? Chúng ta đóng góp được bao nhiêu phần trăm trong những giá trị đó?” - Tổng Bí thư đặt câu hỏi.
Trợ lực cho doanh nghiệp nội, tăng tỷ lệ nội địa hóa
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, khu vực DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài xuất khẩu 100% giá trị điện thoại và linh kiện nhưng nhập khẩu đến 80% giá trị những linh kiện.
“Tôi muốn nêu rõ những bất cập này để chúng ta nhìn thẳng rằng, DN chúng ta đang đứng ở đâu trong chuỗi giá trị toàn cầu cũng như trong năng lực cạnh tranh quốc tế”? - Tổng Bí thư Tô Lâm trăn trở. Suy nghĩ của Tổng Bí thư Tô Lâm cũng chính là bất cập nội tại của việc DN có vốn đầu tư nước ngoài chiếm ưu thế trong xuất khẩu. Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng thẳng thắn chỉ rõ: trên 70% giá trị xuất khẩu là từ khu vực DN FDI. Điều này đồng nghĩa, DN nội chiếm một tỷ trọng nhỏ trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp và tổng giá trị xuất khẩu của các ngành.
Về việc tăng trưởng xuất nhập khẩu của Việt Nam phụ thuộc lớn vào khu vực DN FDI, TS Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) cho rằng, khu vực DN trong nước vẫn rất “èo uột” và đầu tư của khu vực tư nhân vẫn thấp. Để khắc phục những bất cập này, Việt Nam cần tạo ra “luồng khí mới” trong cải cách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi hơn cho khu vực DN tư nhân trong nước hoạt động.
Bên cạnh tạo ra những cơ chế, chính sách và tạo ra khí thế mới cho khu vực DN nội, để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, bản thân các DN nội cũng cần nỗ lực vươn lên, nỗ lực khẳng định vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo TS Nguyễn Đình Cung, Nhà nước cần ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển năng lực cạnh tranh cho các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, trong đó chủ yếu là các chính sách hỗ trợ về tín dụng, nghiên cứu và phát triển, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng hệ thống thống kê công nghiệp để hỗ trợ liên kết DN, hợp tác quốc tế về công nghiệp, phát triển bền vững trong công nghiệp... đang đến hồi cấp bách và cần thiết. Đồng thời, có cơ chế phát triển thị trường cho các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo, thông qua các dự án đầu tư công, hợp tác công - tư (PPP), mua sắm của chính phủ... phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Đề cập về giải pháp nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, Tổng Thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) Trương Thị Chí Bình cho hay, Chính phủ Việt Nam luôn trải thảm đỏ và thu hút đầu tư FDI. Tuy nhiên, việc yêu cầu các DN FDI nội địa hóa còn khá dè dặt. Do đó, phải có chế tài đủ mạnh để các DN FDI thực hiện được tỷ lệ nội địa hóa, liên doanh với các DN trong nước sản xuất linh kiện, phụ kiện; đưa ra các tiêu chí và biện pháp khuyến khích cũng như chế tài xử phạt những DN FDI không thực hiện đúng cam kết về tỷ lệ nội địa hóa. Chính phủ và các ban, bộ ngành liên quan cần quyết liệt hơn nữa trong việc đốc thúc các DN FDI cam kết nội địa hóa. Đồng thời, tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ trong nước để giữ chân dòng vốn FDI.
Công nghiệp hỗ trợ không chỉ tạo động lực thúc đẩy ngành công nghiệp trong nước phát triển bền vững, mà còn thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài và nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu. Vì vậy, bên cạnh sự nỗ lực nâng cao năng lực sản xuất của mỗi DN thì hệ thống cơ chế chính sách về công nghiệp hỗ trợ cần được hoàn thiện và triển khai đồng bộ, hiệu quả hơn nữa.
DN Việt Nam cần có sự đồng lòng, quyết tâm và khát vọng mạnh mẽ hơn nữa. Đây không chỉ là cơ hội mà là trách nhiệm của mỗi DN trong việc góp phần thực hiện hóa mục tiêu lớn lao mà Đảng, Nhà nước đưa ra tại Nghị quyết 57/NQ-TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, để biến khát vọng dẫn đầu thành hành động cụ thể.
Tổng Bí thư Tô Lâm
>> Xuất khẩu lập kỷ lục 400 tỷ USD, nhóm hàng nào đóng góp nhiều nhất?
Xuất khẩu lập kỷ lục 400 tỷ USD, nhóm hàng nào đóng góp nhiều nhất?
Việt Nam là ‘vựa gạo’ xuất khẩu hơn 158 triệu tấn đến hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ