Tranh cãi biển báo 'Vào đường Sơn Hải bảo hành 10 năm': Tài sản thuộc về doanh nghiệp hay Nhà nước?
Chủ tịch Nguyễn Viết Hải khẳng định, việc ghi chữ "Vào đường Sơn Hải bảo hành 10 năm" vào biển báo không phải là chiêu trò để đánh bóng tên tuổi. Mới đây, lãnh đạo của Cục Đường bộ Việt Nam đã lên tiếng xác định quyền sở hữu biển báo thuộc về doanh nghiệp hay Nhà nước.
Vụ việc Khu Quản lý đường bộ II thuộc Cục Quản lý đường bộ Việt Nam tháo dỡ dòng chữ "Vào đường Sơn Hải bảo hành 10 năm" trên các biển báo của tuyến cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu gây nhiều tranh cãi về quyền sở hữu tài sản thuộc về doanh nghiệp hay Nhà nước.
Khu Quản lý đường bộ II xóa dòng chữ "Vào đường Sơn Hải bảo hành 10 năm" trên các biển báo của tuyến cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu |
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Hồng Điệp - Trưởng Phòng Quản lý Bảo trì Kết cấu hạ tầng giao thông Cục Đường bộ Việt Nam khẳng định biển báo là tài sản của Nhà nước. Cụ thể, dự án cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu được thực hiện theo hình thức đầu tư công. Nghị định số 44/2024 quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ nêu rõ: "Dự án xây dựng đầu tư sử dụng vốn Nhà nước thì công trình xây dựng hoàn thành được hình thành từ vốn của Nhà nước, sau khi hoàn thành dự án đầu tư xây dựng phải lập hồ sơ tài sản và giao cơ quan Nhà nước quản lý tài sản".
Ngoài ra, việc Sơn Hải gắn dòng chữ "Vào đường Sơn Hải bảo hành 10 năm" trên biển báo hiệu đường bộ cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu là không đúng quy định pháp luật. Theo Khoản 3 Điều 45 Luật Giao thông Đường bộ quy định: "Không được gắn vào công trình báo hiệu đường bộ các nội dung không liên quan tới ý nghĩa, mục đích của công trình báo hiệu đường bộ". Bên cạnh đó, trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2019 về báo hiệu đường bộ, trên các biển báo hiệu không có quy định ghi thời gian bảo hành công trình hoặc cam kết về thời gian bảo hành công trình.
Biển báo trên tuyến cao tốc được thiết kế và phê duyệt (ảnh trái) và biển báo nhà thầu thi công thêm dòng chữ không đúng quy chuẩn |
Trước đó, ông Nguyễn Đức Dũng, Phó Giám đốc Khu Quản lý đường bộ II (đơn vị xoá dòng chữ) cũng khẳng định: "Khi thi công xong tuyến đường, Nhà nước đã thanh toán đủ chi phí cho các hạng mục liên quan, bao gồm cả hạng mục biển báo. Vì vậy, nó trở thành tài sản của Nhà nước. Dòng chữ không có trong thiết kế thì phải tháo dỡ". Đơn vị này không thông báo cho nhà thầu Sơn Hải mà chỉ thông báo cho chủ đầu tư là Ban Quản lý Dự án 6 - Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT).
Tuy nhiên, phía Sơn Hải khi ấy khẳng định biển báo này không phải là tài sản của Nhà nước mà là tài sản của doanh nghiệp. Tập đoàn sẽ cung cấp đầy đủ các căn cứ cho cơ quan công an để làm rõ biển báo là tài sản của ai.
Chủ tịch Sơn Hải: "Doanh nghiệp không đánh bóng tên tuổi"
Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hải - ông Nguyễn Viết Hải |
Sự việc lùm xùm về biển báo nhận được không ít ý kiến trái chiều, có người ủng hộ, cũng có ý kiến đặt câu hỏi: "Liệu đây có phải chiêu trò của doanh nghiệp để làm hình ảnh, đánh bóng thương hiệu?".
Trả lời câu hỏi này với Báo Giao thông, Chủ tịch Nguyễn Viết Hải khẳng định: "Đây không phải cách để doanh nghiệp đánh bóng tên tuổi". Thông tin bảo hành 10 năm được ghi trên biển báo dọc tuyến hơn 1 năm nay. Điều này dựa trên việc doanh nghiệp đã báo cáo Bộ GTVT về cam kết bảo hành 10 năm phạm vi đơn vị được giao thi công, đồng thời đã làm việc với chủ đầu tư.
"Thực chất, chúng tôi mong muốn bảo đảm uy tín khi đã cam kết với Bộ GTVT. Đồng thời, đây cũng là hình thức công khai để người dân giám sát" - ông Hải nói.
Lý giải về việc gửi đơn trình báo đến công an, phía Sơn Hải cho biết tuyến đường này từng có hiện tượng bị đổ hóa chất, ảnh hưởng đến chất lượng kết cấu công trình. Vì vậy, doanh nghiệp nghĩ rằng có kẻ phá hoại và không nghĩ rằng đó là cơ quan quản lý tuyến cao tốc chỉ đạo thực hiện, cho đến khi đọc thông tin trên Báo Giao thông.
"Trường hợp chúng tôi cắm biển chưa phù hợp với quy định hiện hành, các cơ quan quản lý cần có văn bản đề nghị xử lý hoặc hướng dẫn điều chỉnh phù hợp. Tôi khẳng định, trước khi các biển báo bị xóa bỏ dòng chữ bảo hành 10 năm, doanh nghiệp chưa nhận được thông báo từ cơ quan chức năng. Nếu biết việc xóa bỏ dòng chữ trên biển báo là do Khu Quản lý đường bộ II thực hiện, chúng tôi sẽ không gửi đơn ra công an" - Chủ tịch Nguyễn Viết Hải bộc bạch.
Theo quan sát, hiện tại, những biển báo hiệu đường bộ có gắn dòng chữ "Vào đường Sơn Hải bảo hành 10 năm" thuộc phạm vi gói thầu của Tập đoàn Sơn Hải trên cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu đã được dỡ bỏ hoàn toàn.