Quốc tế

Tranh cãi nổ ra về quốc hiệu Ấn Độ

Bắc Hiệp - Theo The Guardian 07/09/2023 - 15:33

Một số người cho rằng việc sử dụng quốc hiệu "Bharat" thay cho "Ấn Độ" (India) là động thái cuối cùng nhằm xóa bỏ lịch sử thuộc địa, trong khi những người khác chỉ ra đây chỉ là một "chiêu bài" của Thủ tướng Narendra Modi.

untitled-1008.png

Trong tấm thiệp chính thức của hội nghị thượng đỉnh G20 gửi tới các nhà lãnh đạo thế giới, chính phủ Ấn Độ đã sử dụng từ “Bharat” để gọi tên đất nước. Động thái này đã làm dấy lên tin đồn rằng chính phủ theo chủ nghĩa dân tộc của Thủ tướng Narendra Modi có thể lên kế hoạch loại bỏ dần quốc hiệu tiếng Anh.

Vậy Ấn Độ hay Bharat mới đúng? Như sử sách cho thấy, đây là một câu hỏi đã có từ nhiều thế kỷ trước.

Vào năm 1947, khi chế độ thực dân Anh chính thức bị lật đổ, Ấn Độ đã có ba cái tên cùng tồn tại, mỗi cái tên đều có lịch sử, hàm ý và tính hợp pháp riêng.

Đầu tiên là Ấn Độ, một cái tên được cho là có nguồn gốc từ tiếng Phạn, ám chỉ sông Ấn chảy qua phía bắc đất nước. Cái tên này đã được người Ba Tư, người Hy Lạp cổ đại và người La Mã sử dụng lần đầu tiên cách đây hơn 2.000 năm và được sử dụng rộng rãi trên các bản đồ của Anh vào thế kỷ 18 để chỉ vùng lãnh thổ ở tiểu lục địa Nam Á dưới sự cai trị của thực dân Anh.

Ngoài ra, phải kể tới Hindustan, cái tên được người Ba Tư, người Hy Lạp, các vua Delhi và triều đại Mughal sử dụng trong hàng trăm năm để chỉ một vùng rộng lớn ở phía bắc và trung tâm của tiểu lục địa.

Cuối cùng là Bharat, một cái tên bắt nguồn từ một văn bản tiếng Phạn cổ "Rig Veda" - được viết vào khoảng năm 1500 trước Công nguyên - trong đó đề cập đến tộc Bharata là một trong những bộ tộc chính chiếm giữ một khu vực ngày nay là phía bắc Ấn Độ. Đó cũng là tên của một vị vua huyền thoại xuất hiện trong sử thi tiếng Phạn Mahabharata, người mà đạo Hindu cho là cha đẻ của dân tộc Ấn Độ.

Đối với Jawaharlal Nehru, nhà lãnh đạo chống thực dân và sau này trở thành Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ, đất nước của ông có cả ba quốc hiệu. Trong cuốn sách có ảnh hưởng lớn của mình, "Khám phá Ấn Độ", viết vào năm 1944 sau khi bị người Anh bỏ tù, Nehru nói: “Thông thường, khi đi lang thang từ cuộc họp này đến cuộc họp khác, tôi nói chuyện với khán giả của mình về Ấn Độ, về Hindustan và Bharata, cái tên tiếng Phạn cổ có nguồn gốc từ những người sáng lập huyền thoại của chủng tộc".

Mãi đến năm 1949, khi hiến pháp Ấn Độ được soạn thảo, người ta mới đưa ra quyết định về tên chính thức của đất nước. Với việc ủy ban không biết nên chọn “Ấn Độ” hay “Bharat”, quyết định cuối cùng đã được đưa ra là...chọn cả hai, trong khi Hindustan bị loại bỏ hoàn toàn.

Như ngày nay, dòng mở đầu hiến pháp Ấn Độ, được viết bằng tiếng Anh, nêu rõ: “Ấn Độ, tức là Bharat, sẽ là một liên bang”.

Thậm chí sau đó, quyết định sử dụng quốc hiệu Ấn Độ đã gây ra sự tức giận trong quốc hội. Nhà lập pháp Hargovind Pant khi đó nói: “Chúng ta phải biết rằng cái tên này được đặt cho đất nước chúng ta bởi những người nước ngoài, những kẻ khi nghe về sự giàu có của vùng đất này đã bị cám dỗ, cũng như cướp đi tự do của chúng ta".

untitled-4881.png
Cảnh sát đứng bên ngoài sân vận động Bharat Mandapam, địa điểm chính diễn ra hội nghị thượng đỉnh G20 ở New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, cả hai tên vẫn tiếp tục được sử dụng rộng rãi trong nước. Ấn Độ được sử dụng trong giao tiếp bằng tiếng Anh, trong khi Bharat được sử dụng trong hầu hết các ngôn ngữ Ấn Độ. Bharat được nhắc đến trong quốc ca, còn Bharat và Ấn Độ được viết trên hộ chiếu Ấn Độ.

Nhiều kiến nghị về việc đặt Bharat là quốc hiệu hợp pháp duy nhất, với lý do cái tên Ấn Độ là tàn dư thuộc địa, được đưa ra trước quốc hội nhưng đều bị bác bỏ

Tuy nhiên, cuộc tranh luận lại nổi lên trong tuần này khi một tấm thiệp mời gửi tới các nguyên thủ quốc gia dự bữa tối được tổ chức nhân hội nghị thượng đỉnh G20, được tổ chức tại Delhi vào cuối tuần này, có đề cập đến cụm từ “Tổng thống Bharat” bằng tiếng Anh.

Bharat cũng xuất hiện trong một tập sách G20 bằng tiếng Anh dành cho các đại biểu nước ngoài, có tựa đề "Bharat, Mẹ của Dân chủ", trong đó tuyên bố rằng: “Bharat là tên chính thức của đất nước” và các quan chức Ấn Độ tại hội nghị thượng đỉnh G20 giờ đây sẽ mang các thẻ ghi: “Bharat – quan chức”.

Trong khi đảng Bharatiya Janata cầm quyền, do ông Modi đứng đầu, phủ nhận tin đồn về việc thay đổi quốc hiệu, thì các quan chức đã xác nhận rằng cái tên Bharat sẽ ngày càng được sử dụng nhiều hơn trong giao tiếp chính thức.

Nhiều người coi động thái này là một phần trong chiến lược mang màu sắc chủ nghĩa dân tộc của đảng Bharatiya, nhằm tách Ấn Độ ra khỏi quá khứ thuộc địa, khởi đầu là đổi tên đường và các tượng đài.

Phát biểu tại lễ đổi tên đường "Raj Path", có nghĩa là "Con đường của Vua", ở thủ đô Delhi vào năm ngoái, thành đường Kartavya, Thủ tướng Modi đã chúc mừng Ấn Độ về “sự tự do khỏi một biểu tượng nô lệ khác”.

Những cái tên liên quan đến triều đại Mughal theo đạo Hồi, vốn bị đảng Bharatiya Janata mô tả là "những kẻ thực dân", cũng đã bị xóa bỏ.

Việc thúc đẩy Bharat trở thành tên chính thức của Ấn Độ nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Rashtriya Swayamsevak Sangh (RSS), nhóm tôn giáo theo chủ nghĩa dân tộc cánh hữu cứng rắn mà đảng Bharatiya Janata khởi nguồn.

“Đôi khi chúng ta sử dụng Ấn Độ để những người nói tiếng Anh hiểu. Nhưng chúng ta phải ngừng sử dụng cái tên này. Tên của đất nước sẽ vẫn là Bharat, dù bạn đến bất cứ nơi nào trên thế giới", người đứng đầu nhóm RSS tuyên bố.

Động thái sử dụng quốc hiệu Bharat tại hội nghị G20 đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ nội bộ đảng cầm quyền. Bộ trưởng Giáo dục Dharmendra Pradhan cho biết đây là một bước tiến tới việc vượt qua “tâm lý thuộc địa”.

Himanta Biswa Sarma, Thủ hiến bang Assam, tuyên bố: “Cộng hòa Bharat – vui mừng và tự hào rằng nền văn minh của chúng ta đang tiến lên phía trước một cách táo bạo”.

Tuy nhiên, những người thuộc phe đối lập đã lên án động thái này và cho rằng đây là một nỗ lực của chính quyền Modi nhằm làm suy yếu các đảng đối lập, vốn gần đây đã tập hợp lại thành một liên minh dưới tên viết tắt là Ấn Độ.

Ông Shashi Tharoor, một chính trị gia thuộc đảng Quốc đại, cho biết cả hai cái tên đều có giá trị. “Mặc dù hiến pháp không phản đối việc gọi Ấn Độ là 'Bharat', một trong hai tên chính thức của đất nước, tôi hy vọng chính phủ sẽ không ngu ngốc đến mức loại bỏ hoàn toàn 'Ấn Độ', vốn có giá trị thương hiệu được xây dựng trong suốt hàng thế kỉ".

Cháy lớn tại bệnh viện: Nhiều người mắc kẹt trong thang máy, điều động khẩn cấp 50 xe cứu thương, cảnh sát, cứu hỏa

Giá trị xuất khẩu 'báu vật' của Việt Nam tăng hơn 17%, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ lớn nhất

Theo ngaynay.vn
https://ngaynay.vn/tranh-cai-no-ra-ve-quoc-hieu-an-do-post138151.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Tranh cãi nổ ra về quốc hiệu Ấn Độ
    POWERED BY ONECMS & INTECH