Tránh “méo mó” khi cải tổ thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Thị trường TPDN vốn đang phải đối diện khá nhiều vấn đề, nên các biện pháp cải tổ phải dựa trên một khuôn khổ, lộ trình; còn bất cứ điều chỉnh nào mang lại sự “méo mó” của thị trường thì không nên.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) dường như trở nên “nóng” hơn với hàng loạt sự kiện như ngày 19/7, hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ chính thức được đưa vào vận hành; và mới đây, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đưa ra đề xuất Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bảo lãnh thanh toán trái phiếu như tiền gửi ngân hàng.
Trong đó, nhóm đề xuất đầu tiên của VAFI là cần tạo lập khung khổ pháp lý gần như tuyệt đối an toàn (định nghĩa này khá mơ hồ) cho nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường trái phiếu. Theo tôi đây không phải khuôn khổ pháp lý, mà VAFI đang muốn đưa ra yêu cầu về các loại sản phẩm trái phiếu gồm hai nhóm: Một là, trái phiếu “gần như tuyệt đối an toàn” với 3 loại: trái phiếu Chính phủ; trái phiếu do ngân hàng thương mại phát hành và trái phiếu do chính quyền địa phương phát hành.
Hai là, trái phiếu rủi ro do các tổ chức phi ngân hàng phát hành, hay trái phiếu của các ngân hàng chưa được xếp vào nhóm được NHNN bảo lãnh và trái phiếu không phát hành cho cá nhân mà chỉ dành cho các tổ chức.
Khi đầu tư tài chính, nhà đầu tư cần hiểu các sản phẩm khác nhau thì mức lợi tức kỳ vọng khác nhau và rủi ro cũng khác nhau. Ví dụ, sản phẩm tiền gửi tiết kiệm ít rủi ro nhất vì lợi tức kỳ vọng thấp, còn trái phiếu (chứng khoán nợ) có mức độ rủi ro cao hơn vì lợi nhuận cao hơn.
Vấn đề đặt ra là, nếu muốn trái phiếu có rủi ro bằng tiền gửi tiết kiệm thì lợi nhuận bằng nhau hay khác nhau? Giả sử, cùng một mức rủi ro nhưng lợi tức của trái phiếu cao hơn thì chắc chắn mọi người sẽ rút tiền gửi đi mua trái phiếu và ngược lại. Đây là lý do khi sắp xếp các sản phẩm tài chính trên thị trường sẽ phải rất rõ ràng và quan trọng nhất khi đầu tư là chúng ta phải kiểm soát rủi ro để có lợi tức thật.
Làm rõ thêm về việc tiền gửi tiết kiệm có “gần như tuyệt đối an toàn” và không có rủi ro phá sản hay không, thì đây thực sự là vấn đề mà thị trường còn đang phải tranh luận rất nhiều. Chúng ta đều biết thị trường tài chính Việt Nam vẫn đang trong quá trình phát triển và dựa rất lớn vào hệ thống ngân hàng, việc duy trì tính ổn định của hệ thống ngân hàng là mục tiêu lớn mà NHNN đặt ra. Chính vì vậy, khi các ngân hàng có vấn đề thì NHNN phải cung cấp thanh khoản, cũng như đưa ra giải pháp tháo gỡ.
Với đề xuất thứ hai của VAFI là miễn các loại thuế về kinh doanh trái phiếu cho nhà đầu tư cá nhân và tổ chức, theo góc nhìn của tôi điều này cũng rất tốt, nếu chúng ta muốn phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp thì thuế là một công cụ hữu ích. Theo VAFI, ngân sách Nhà nước có thể giảm một phần nhỏ từ thuế thu nhập về lãi trái phiếu, nhưng trên quan điểm chi phí lợi ích thì Nhà nước bỏ ra 1 đồng vốn mà thu được lợi ích gấp 100 lần.
Từ các phân tích trên, chúng tôi nhận thấy những vấn đề về nợ xấu, vấn đề của trái phiếu doanh nghiệp đang phải đối diện đã khá nhiều... Nên tất cả các biện pháp cải tổ đều phải dựa trên một khuôn khổ, lộ trình, còn bất cứ điều chỉnh nào mang lại sự “méo mó” của thị trường thì không nên.
Trên thế giới để đo những vấn đề này, họ có các hệ thống xếp hạng tín nhiệm và dựa vào đó để phân tích lợi suất đầu tư. Nếu không tuân theo các lộ trình chuẩn mực quốc tế, thì chắc chắn chúng ta sẽ gặp vấn đề trong tương lai.
Luật Chứng khoán sửa đổi 2024: Bước tiến mới trong việc bảo vệ nhà đầu tư
6.204 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được mua lại trước hạn trong tháng 11