Tại Tọa đàm “VITV - Đối thoại: Trợ lực để doanh nghiệp Việt vượt khó”, các chuyên gia đã có những chia sẻ về khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối mặt và đề xuất các giải pháp để doanh nghiệp vượt khó, tăng trưởng trong thời gian tới.
Hai tháng đầu năm 2022, tình hình kinh tế Việt Nam dù phải đối mặt với nhiều biến động phức tạp nhưng vẫn ghi nhận nhiều điểm sáng như hoạt động nông nghiệp, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp, hoạt động thương mại, dịch vụ tiếp tục xu hướng tăng cao,…
Tuy vậy, bức tranh kinh tế hai tháng đầu năm vẫn còn nhiều khó khăn như chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giảm 6,3% so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 49,44 tỷ USD, giảm 10,4%…
Đáng chú ý, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 38,8 nghìn doanh nghiệp, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước (cao hơn rất nhiều so với 19,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới). Như vậy, số doanh nghiệp rút lui và tạm thời rút lui khỏi thị trường trong 2 tháng đầu năm 2023 là 51,4 nghìn doanh nghiệp, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước. Tất cả những yếu tố này đều báo hiệu sự khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Việt.
Để giúp các doanh nghiệp có cái nhìn toàn diện về bức tranh chung của nền kinh tế, từ đó tìm ra các giải pháp vượt khó và tăng trưởng, sáng nay (28/3/2023), kênh truyền hình VITV đã tổ chức Tọa đàm “VITV - Đối thoại: Trợ lực để doanh nghiệp Việt vượt khó”.
Phát biểu tại tọa đàm, TS. Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) nhận định, số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường đang “chạm đáy”.
“Lần đầu tiên, số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường thấp hơn số lượng doanh nghiệp phá sản và giải thể nên hy vọng quý 1/2023 là “điểm đáy” của sự phục hồi doanh nghiệp. Hiện tín hiệu của sự hồi phục đã xuất hiện dù rất yếu, nên quý 3/2023 sẽ cho tín hiệu tích cực hơn”, ông Lộc cho biết.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho biết, theo số liệu của VAFIE, tình hình đầu tư nước ngoài đang được ghi nhận không mấy khả quan khi vốn đầu tư nước ngoài sụt giảm 40% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù dòng vốn vào ít nhưng số dự án mới lại tăng đến hơn 25% nên có thể nói, các dự án nước ngoài vào Việt Nam hiện nay là các dự án nhỏ.
Ông Toàn cũng nhận định, tới đây, đầu tư nước ngoài sẽ khó hơn vì từ năm 2024, Việt Nam sẽ áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Được biết, khi áp dụng loại thuế này, các tập đoàn, công ty lớn có doanh thu từ 750 triệu Euro trở lên sẽ đều phải đóng thuế 15%, dù là ở bất kỳ quốc gia nào. Chính vì vậy, doanh nghiệp Việt không chỉ phải cạnh tranh với các đối thủ trong nước mà còn phải cạnh tranh với chính các doanh nghiệp ở quốc gia đầu tư vì họ sẽ có xu hướng quay lại chính quốc gia mình khi không được hưởng thuế ưu đãi. Ông Toàn cho rằng, hiện tại đã là "đáy khó khăn” của các doanh nghiệp và kỳ vọng sẽ có sự tăng trưởng đột biến trong thời gian tới.
Tại tọa đàm, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cũng có nhận định về những khó khăn của doanh nghiệp hiện nay. Theo đó, ông Cung dự báo, khó khăn của nền kinh tế có thể tiếp tục kéo dài đến năm sau. Trong bối cảnh khó khăn nhất, cần thực hiện cải cách môi trường kinh doanh để tạo ra bước ngoặt của sự thay đổi. Cải cách môi trường kinh doanh được coi như một chìa khoá để vượt qua giai đoạn này.
Về phía doanh nghiệp, Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái cũng chia sẻ, hiện các doanh nghiệp đang gặp khó về nhiều mặt như các kênh huy động vốn trở nên khó hơn, nhu cầu tiêu dùng giảm nhanh, chi phí đầu vào tăng mạnh, cạnh tranh giữa các các doanh nghiệp ngày càng khốc liệt hơn, khả năng quản trị của các doanh nghiệp Việt chưa tốt,...
Về trợ lực để giúp doanh nghiệp Việt vượt khó, ông Phạm Xuân Hòe, Nguyên Phó Viện trưởng Viện chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước, Tổng thư ký Hiệp hội Cho thuê Tài chính Việt Nam cho rằng, có 2 trợ lực quan trọng mà doanh nghiệp đang rất cần được hỗ trợ.
Đầu tiền là trợ lực về chính sách, trong đó có thể kể đến việc tháo gỡ về chính sách thuế như hoàn thuế, thủ tục thuế, hải quan trong quá trình xuất nhập khẩu.
Bên cạnh đó, ông Hòe cũng cho biết, hiện các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, do đó, cần khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp để họ sử dụng nguồn lực đó và tạo động lực phát triển. Ngoài ra, ông Hòe còn đưa ra đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp về đầu ra như miễn phí cầu đường, giúp doanh nghiệp giảm chi phí logistic.
Trợ lực thứ hai được ông Hòe nêu ra là trợ lực về góc độ quản trị khi doanh nghiệp Việt còn rất yếu ở khâu này, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo đó, cần phải có định hướng, hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp Việt có thể quản trị tốt hơn, bền vững hơn.